Chính quyền tỉnh bắt buộc phải thực hiện cải cách kinh tế, nhưng ai là người thực sự dẫn dắt quá trình này?
Xoay quanh câu hỏi: “Ai thúc đẩy quá trình cải thiện chất lượng điều hành kinh tế địa phương?”, báo cáo “Động lực cải cách kinh tế tại các tỉnh ở Việt Nam” do nhóm nghiên cứu thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện Nghiên cứu phát triển Anh (IDS) thực hiện, đã dựa trên chỉ số PCI (Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2006 – 2010), phân tích định tính kết quả trên 120 cuộc phỏng vấn lãnh đạo chính quyền, các thành phần kinh tế 4 tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Đồng Tháp, Cà Mau.
Chính quyền tỉnh bắt buộc phải thực hiện cải cách kinh tế, nhưng ai là người thực sự dẫn dắt quá trình này?
Nghiên cứu cho thấy, ở những tỉnh cải cách kinh tế thành công, như Bắc Ninh, Đồng Tháp, khu vực tư nhân đóng vai trò quan trọng, đồng hành cùng chính quyền. Không có hợp tác công – tư một cách chính thức, nhưng một chính quyền năng động luôn tìm kiếm lợi ích mà khu vực tư nhân có thể mang lại cho xã hội, đồng thời khu vực tư nhân vận động hành lang đạt được sự điều hành tốt của chính quyền có thể tạo ra động lực thúc đẩy cải cách.
Ở Bắc Ninh, cú hích ban đầu xuất phát từ khu vực tư nhân, còn ở Đồng Tháp xuất phát từ khu vực công, nhưng trong cả hai trường hợp, có sự công nhận rõ ràng: hai bên cần có nhau để thực hiện cải cách kinh tế hiệu quả. Từ 2005 đến nay, doanh nghiệp (DN) trong nước có những ảnh hưởng nhất định trong việc giúp đỡ các tỉnh tăng quyền tự chủ, thúc đẩy chính quyền tham gia các thử nghiệm kinh tế.
Điều này có thể thấy ở Bắc Ninh và Đồng Tháp. Xét về tiềm năng, DN trong nước có khả năng vận động chính sách mạnh, nhưng thực tế lại không được như vậy. Nguyên nhân là do các hiệp hội DN còn thiếu năng lực tổ chức. Giai đoạn 2005-2008, Hiệphội DN nhỏ và vừa của Bắc Ninh đã thúc đẩy tốc độ cải cách, thường xuyên tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo chính quyền tỉnh có tư tưởng cải cách kinh tế.
Nhưng tại Đồng Tháp, DN địa phương chỉ tham gia theo lời mời và phụ thuộc vào sự chủ động của chính quyền tỉnh mỗi khi tỉnh muốn tham khảo ý kiến của DN. Năng lực tổ chức của DN còn yếu. Tại Hưng Yên, Cà Mau, Hiệp hội DN được thành lập nhưng chưa có lãnh đạo giỏi và có tầm ảnh hưởng.
DN địa phương phàn nàn về chất lượng điều hành của chính quyền nhưng lại không làm gì để cải thiện tình hình. Tất nhiên, một mình hiệp hội DN thì khó có thể làm được gì, nhưng ít nhất cũng đã nêu được mối quan tâm của DN. Đây là những việc cần làm không chỉ ở các địa phương được khảo sát mà còn với các tỉnh khác.
Nghiên cứu cũng tìm thấy những lời giải đáp cho những yếu kém hiện tại của các hiệp hội DN. DN lớn thường tiếp cận lãnh đạo chính quyền trực tiếp và với tư cách cá nhân. Đây là cách tiếp cận được ưa chuộng của các DN lớn, bởi thực hiện việc này với một tập thể sẽ mất nhiều thời gian.
Các DN nhỏ cần hiệp hội để gây tác động lên chính quyền địa phương và họ cũng chưa đủ năng lực tổ chức hoạt động tập thể. DN nhỏ gặp nhiều cản trở một phần vì sự thiên vị, ưu ái của chính quyền địa phương đối với DN lớn. Một cách mà DN trong nước gây ảnh hưởng lớn đến cải cách kinh tế nhưnghiếmkhi được thừa nhận, chỉ số PCI đã được thực hiện từ năm 2005 dựa trên cảm nhận của DN trong nước.
Việc công bố các điểm số PCI và xếp hạng năng lực điều hành các tỉnh đã thu hút nhiều sự chú ý và kích hoạt một loạt các phản ứng.
Thứ nhất, các DN và chính quyền trung ương đã sử dụng điểm số PCI để thúc giục chính quyền cấp tỉnh có chỉ số xếp hạng thấp.
Thứ hai, nếu đối chiếu kết quả bầu cử vừa qua, không ít trường hợp đã diễn ra trong thực tế thì có thế thấy, thay đổi xếp hạng PCI có thể ảnh hưởng đến việc các lãnh đạo chính quyền tỉnh được thăng chức hoặc bị giáng cấp.
Kết quả phân tích định lượng đã xác nhận việc chính quyền tỉnh đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ VCCI trong việc phân tích chỉ số để giúp họ cải thiện vị trí xếp hạng. Điểm số mà các DN trong nước dùng để đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền địa phương đã có ảnh hưởng lớn đến quá trình cải cách kinh tế.
Nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của cả hai kênh tiếp xúc chính thức và phi chính thức giữa khu vực DN và chính quyền. Cải cách kinh tế diễn ra nhanh nhất ở những nơi mà chính quyền hiểu được các vấn đề của DN và kịp thời giải quyết những vấn đề đó. Năng lực thực thi của chính quyền ở một mức độ nào đó phụ thuộc vào năng lực của DN khi tham gia vào quá trình này.
Chính quyền và các nhà tài trợ có thể hỗ trợ, thậmchí bắt buộc khu vực DN phát triển năng lực tập thể, nhưng trách nhiệm chính vẫn thuộc về DN. Để Chính phủ có thể cải thiện môi trường đầu tư và thực hiện chính sách công nghiệp hóa một cách hiệu quả, đòi hỏi phải có một khu vực DN hoạt động hiệu quả.
Ngược lại, đằng sau sự thất bại của khu vực công thường là thất bại của khu vực tư nhân. Thông thường, DN rất giỏi chỉ ra các thất bại của khu vực công, tuy nhiên, rất ít trong số họ nhận thức được, thất bại của khu vực công xuất phát từ khu vực tư nhân yếu kém và không biết cách hợp tác với chính quyền.
Việc so sánh giữa các tỉnh tại Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc phát triển năng lực của tổ chức tư nhân không phải là một điểm mới. Tầm quan trọng của các hiệp hội DN có tổ chức tốt được công nhận trong một thời gian dài, nhưng điểm này cần thực hiện mạnh mẽ hơn.
Theo Đậu Anh Tuấn