Có 4 rào cản chính trong quá trình tái cấu trúc DNNN. Đó là lợi ích nhóm, khung pháp lý chưa hoàn thiện, nợ tồn đọng và chi phí thực hiện.
Bốn rào cản
Đầu tiên là lợi ích nhóm, bởi có một số người được lợi rất lớn từ khu vực DNNN. Việc có thêm nhà đầu tư mới và giảm ưu đãi từ phía nhà nước sau khi DN sắp xếp lại sẽ khiến nhiều lãnh đạo hay đại diện vốn nhà nước tại DNNN lo ngại sẽ bị ảnh hưởng quyền lợi. Do đó, họ cố tình ngăn cản, hoặc kéo dài thời gian thoái vốn, làm chậm tiến độ cải cách.
Rào cản thứ hai là khung pháp lý chưa ổn định, chưa rõ ràng để cho chủ sở hữu thực hiện giám sát. Cơ chế phối hợp giữa các chủ thể thực hiện giám sát; cơ chế công khai, minh bạch thông tin, kiểm tra, kiểm duyệt thông tin báo cáo; cũng như cơ chế cho phép một tổ chức hay đơn vị độc lập tham gia quá trình đánh giá, giám sát hiệu quả… rất thiếu
Đến nay, chỉ có thêm 2 văn bản điều chỉnh các vấn đề liên quan trực tiếp đến quản lý, giám sát việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước là Nghị định 101/2009/NĐ-CP ngày 5/11/2009 của Chính phủ về thí điểm thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý tập đoàn kinh tế nhà nước và Quyết định 224/2006/QĐ-TTg ngày 26/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế Giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Rào cản thứ ba là việc xử lý số nợ tồn đọng của các tập đoàn, tổng công ty lớn.
Chi phí cũng là một trở lực lớn cho quá trình tái cơ cấu DNNN. Hiện chưa có cơ quan nào có thể dự trù kinh phí cụ thể cho quá trình tái cơ cấu DNNN, do phạm vi rộng, dàn trải, cũng như mối liên hệ của quá trình này với việc tái cơ cấu các lĩnh vực khác của nền kinh tế và các vấn đề liên quan đến thay đổi chính sách.
Giải pháp đẩy mạnh tái cấu trúc DNNN
Tái cấu trúc DNNN là một quá trình cần sự phối kết hợp, hỗ trợ của nhiều ban, ngành, các thành phần kinh tế khác nhau. Đặc biệt, cần lưu ý một số điểm sau:
Nhanh chóng loại bỏ tình trạng kinh doanh ngoài ngành, đầu tư dàn trải và kém hiệu quả, đảm bảo vai trò dẫn dắt nền kinh tế của DNNN.
Việc hoạt động, kinh doanh đa ngành nghề sang nhiều lĩnh vực trái ngành kém hiệu quả làm gia tăng rủi ro tài chính tại các DNNN thời gian qua đã khiến nhiều đầu tàu của nền kinh tế gặp khó khăn về huy động vốn, gián tiếp gây ra sự mất cân đối trong cơ cấu ngành nghề toàn nền kinh tế. Trong thời gian tới, tái cơ cấu DNNN cần tập trung vào việc sắp xếp, điều chỉnh lại hoạt động đầu tư ngoài ngành.
Kiên trì, nhất quán xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng giữa DNNN và các DN khác tuân thủ theo nguyên tắc thị trường thông qua việc hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động và quản lý DNNN.
Mặc dù Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) từ năm 2007 và cam kết hoàn thiện khung pháp lý đến năm 2012, song hiện vẫn còn tồn đọng nhiều vấn đề trong cơ chế luật pháp. Nhiều quy định chồng chéo, chính sách không nhất quán gây khó khăn không nhỏ cho DN khi định hướng và đưa ra quyết định kinh doanh trong dài hạn. Trong khi đó, các DNNN luôn nhận được ưu đãi từ phía Chính phủ, tư tưởng độc quyền vẫn còn tồn tại, khiến môi trường kinh doanh cạnh tranh thiếu công bằng, không tuân thủ nguyên tắc tự do thị trường.
Vì vậy, thời gian tới, cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về tổ chức và hoạt động của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty, quy định rõ cơ chế hoạt động và giao dịch tài chính giữa nội bộ tập đoàn, tổng công ty, nâng cao vai trò giám sát của Nhà nước tại các DNNN; xây dựng, áp dụng các chuẩn mực kế toán đồng nhất, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế; minh bạch hóa thông tin của các DNNN.
Đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá và cơ cấu lại nguồn vốn tại các DNNN, hài hòa các mối quan hệ, tránh tình trạng bị chi phối bởi tư duy “lợi ích nhóm”.
Để tiến trình thoái vốn nhà nước tại các DNNN hoạt động không hiệu quả diễn ra nhanh chóng và minh bạch, cần xây dựng nghị định riêng với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) theo nguyên tắc tập trung vốn từ DN nhỏ lẻ đầu tư cho DN lớn tiềm năng, trong đó quy định chi tiết nghĩa vụ và trách nhiệm của các đại diện vốn nhà nước tại các DNNN, phân cấp rõ thẩm quyền, nghĩa vụ của từng cấp từ Chính phủ, các bộ, UBND tỉnh, thành phố, hay SCIC trong giới hạn vai trò đại diện tương xứng phần vốn góp của Nhà nước tại các DNNN; xây dựng kế hoạch cụ thể và đôn đốc thực hiện việc thoái vốn nhà nước tại các DNNN hoạt động kém hiệu quản
Theo Kinhtetapdoan