Đưa hàng Việt sang châu Âu : Đâu là kế sách?

Mỳ ăn liền của Việt Nam – mặt hàng bán chạy ở Đông Âu. Ảnh: Thành Đạt.Xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài là việc làm “sống còn”, lợi ích này không chỉ có 5 hoặc 10 năm mà cả cho các thế hệ mai sau.
Hàng Việt cần tập trung giải quyết 2 vấn đề chính là mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối. Nếu có sản phẩm chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả vừa phải cộng thêm với các bước xây dựng kênh phân phối hợp lý, hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội.
“Tại sao các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài chỉ bán hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ… còn hàng Việt Nam thì khó thâm nhập vào thị trường này. Doanh nghiệp trong nước cần phải làm gì để đưa hàng hóa Việt Nam thâm nhập các thị trường quốc tế, nơi có đông đảo người dân Việt Nam làm việc và sinh sống?”- Đó chính là những chia sẻ tâm huyết mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện đang làm việc tại nước ngoài mang đến Hội thảo”Cơ hội hợp tác đầu tư, giao thương và xuất khẩu hàng Việt Nam” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam tổ chức vào ngày 13/10, tại Hà Nội.

Mẫu mã và chiến lược phân phối là điểm yếu nhất của hàng Việt 
Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Phó Chủ tịch, Kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cho biết: Mặc dù một số hàng hóa của doanh nghiệp Việt đã xây dựng được thương hiệu riêng trong nước, nhưng vẫn chưa đủ sức bước ra thị trường nước ngoài một cách độc lập, nhất là những thị trường khó tính, như EU và Mỹ. Người Việt Nam kinh doanh ở nước ngoài cũng đa phần là chọn hàng Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ… để bán vì giá thành rẻ, mẫu mã đẹp và phong phú, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Một hội viên của Hiệp hội ở châu Âu, có kinh doanh một chuỗi cửa hàng tiện ích cho biết, hệ thống cửa hàng của anh có bán sản phẩm cà phê Trung Nguyên G7, chất lượng tốt, giá rẻ, nhưng lại bán ra được rất ít. Trong khi đó, sản phẩm Nestcafé của Nestlé lại bán rất chạy, số lượng tiêu thụ cao gấp nhiều lần G7. Nguyên nhân, theo anh, có thể là cà phê Trung Nguyên dùng ký hiệu G7 ở ngoài bao bì. Con số và chữ này dễ bị người châu Âu liên tưởng đến… sắt thép, hóa chất, chất tẩy, hay chính trị gì đó, chứ không phải là đồ ăn thức uống.
Điều này cho thấy, hiện nay hàng Việt vẫn chưa đầu tư nhiều cho khâu thiết kế, sáng tạo mẫu, kể cả với sản phẩm xuất khẩu. Việc đầu tư nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm chưa được quan tâm; công tác quảng bá hình ảnh, marketting cho thương hiệu hàng hóa Việt vẫn dừng lại ở mức tự phát hoặc theo ngành hàng chứ chưa có một chiến lược tầm cỡ quốc gia…
Đồng tình với những chia sẻ trên, các đại biểu là doanh nhân Việt Nam đến từ Nga, Hungary, Ba Lan, CH Séc cũng cho rằng: Đại đa số các doanh nghiệp Việt Nam không tiêu thụ hàng Việt Nam không phải vì không yêu hàng Việt Nam, không yêu nước Việt Nam. Doanh nghiệp chúng tôi rất yêu Việt Nam, nhưng mang hàng Việt Nam đi thì rất khó bán, có bán được nhưng doanh thu không cao, trong khi phải chịu đủ các loại chi phí hàng ngày rất lớn.
Vì thế, các đại biểu này đề xuất: Xây dựng chiến lược xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài là việc làm “sống còn”, lợi ích này không chỉ có 5 hoặc 10 năm mà cả cho các thế hệ mai sau. Hàng Việt cần tập trung giải quyết 2 vấn đề chính là mẫu mã bao bì và chiến lược phân phối. Nếu có sản phẩm chất lượng đảm bảo, mẫu mã đẹp, giá cả vừa phải cộng thêm với các bước xây dựng kênh phân phối hợp lý, hàng Việt Nam hoàn toàn có cơ hội.

“Kế sách” đưa hàng Việt vào thị trường châu Âu
Là một doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm tại thị trường Đông Âu, ông Phạm Ngọc Chu, Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Hungary chia sẻ: Muốn sản xuất và xuất khẩu hàng hóa sang châu Âu, phải hiểu được nền văn hóa châu Âu, hiểu được người dân và thị trường ở đó muốn gì, thích gì từ châu Á. Người dân châu Âu biết đến châu Á với những sản phẩm vải, lụa tơ tằm… hoặc những sản phẩm nông nghiệp của vùng nhiệt đới nhiều nắng nhiều mưa như lúa gạo, chuối, cam, dứa, dừa, lạc vừng… Dù rất thích ẩm thực châu Á nói chung, ẩm thực Việt Nam nói riêng nhưng không phải sản phẩm nào ngon bổ, đắt tiền chúng ta cũng nên mang sang châu Âu bán. Có những sản phẩm ta mang sang không những không bán được, có khi còn bị kiện vào tội “bạo hành với động vật” như gà con ninh (ở Việt Nam gọi là “Gà hầm thuốc Bắc”), trứng vịt lộn, con nhộng rang muối.
Theo kinh nghiệm của ông Phạm Ngọc Chu, người dân châu Âu rất thích ăn đồ ngọt nhưng sợ ăn nhiều sô-cô-la thì béo, cho nên thị trường đang rất cần một sản phẩm đồ ngọt thay thế sô-cô-la. Do đó, kẹo vừng, kẹo lạc nấu với bạch nha của Việt Nam, có thể sẽ là sản phẩm phù hợp nhất để xuất khẩu.
Cũng theo ông Phạm Ngọc Chu, hàng tiêu dùng ở châu Âu luôn thay đổi mầu sắc, hình dáng theo từng chu kỳ cho phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng. Nhà sản xuất Việt Nam không nên bỏ qua yếu tố này, phải bám theo nhu cầu của thị trường để sản xuất cho phù hợp.
Ông Phạm Ngọc Chu gợi ý: Các nhà sản xuất Việt Nam nên nghiên cứu chú trọng làm ra những sản phẩm tiêu thụ đại chúng, nhiều người mua, nhiều người dùng và dùng liên tục, vừa dùng vừa bỏ đi. Ngoài ra, chi phí cho văn phòng đại lý hoạt động ở châu Âu rất lớn, cho nên nếu một cơ sở sản xuất không đủ tài chính nuôi nó, doanh nghiệp có thể chung nhiều nhà máy, nhiều sản phẩm để mở văn phòng đại lý triển khai thị trường mới.
Tuy nhiên, xét về chiến lược lâu dài, ông Chu cho rằng hàng của mình nhất thiết phải tự mình đi bán và xây dựng thương hiệu – nhờ các công ty khác chào bán hộ sẽ bị xa cách thị trường, không bám chặt thị trường và người tiêu dùng, và có khi còn bị đánh cắp thương hiệu.

Theo Huyền Thanh