Chật vật để sống sót của các đại gia công nghệ Nhật

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn chung như hiện nay, không khó để có thể điểm mặt chỉ tên ra những ông lớn một thời của làng công nghệ nhưng nay đang phải ở trong thảm cảnh. Lợi nhuận giảm hoặc chịu lỗ, phải cắt giảm chi phí, nhân công, chậm trả lương cho người lao động, thậm chí phải phá sản hoặc may mắn là được mua lại… là những kịch bản thường thấy ở những công ty như vậy.

Căn bệnh chậm thích ứng

Hiện nay, Nhật Bản vẫn được đánh giá là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
Không có ai phải nghi ngờ về cái đầu và trí thông minh của người Nhật, cũng như những hàng hóa điện tử có xuất xứ từ Nhật Bản vẫn luôn chiếm được lòng tin của người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới.
Cũng không có ai phải lấy làm lạ với những cái tên như Sony, Panasonic hay Sharp bởi họ đã từng một thời thống trị ngành công nghiệp điện tử toàn cầu, bỏ xa các đối thủ đến từ Mỹ và Hàn Quốc. 
Thế nhưng, đó là chuyện từ cách đây ít nhất vài năm. Còn hiện tại, trong khi Apple và Samsung đang làm mưa làm gió trên thị trường smartphone và LG ngày càng chiếm được nhiều thị phần hơn trong mảng smart TV, thì người ta đã buộc phải đặt ra câu hỏi: “Những ông lớn của công nghệ Nhật Bản đang đi về đâu?”
Câu trả lời là trong suốt cả một thập kỷ qua, họ đã liên tục bị sảy chân vào vũng bùn của những tính toán sai lầm.
Quá tập trung vào những sản phẩm độc lập như TV, smartphone và máy tính, họ đã quên mất rằng mình cũng cần phải phát triển các phần mềm để chúng kết nối và đồng bộ được với nhau.
Thế nên, lẽ dĩ nhiên là người tiêu dùng thế giới sẽ quyết định chọn một chiếc iPhone có khả năng kết nối với laptop và kho nhạc số còn hơn là những chiếc smartphone Nhật, mặc dù xét về hiệu năng thì có thể thua kém.
Mặt khác, những công ty của Nhật dường như quá già để có thể thay đổi và thích ứng với nhịp độ phát triển ngày càng nhanh của công nghệ thế giới.
Ví dụ như Sony chẳng hạn. Họ đã sớm có ý tưởng về công nghệ sách điện tử e-book nhưng lại quá mất thời gian trong vấn đề tìm cách kết nối với các phần mềm ứng dụng và kho sách tải về.
Trong mảng smartphone cũng vậy, những hãng công nghệ Nhật Bản dường như đã để lỡ mất khoảng thời gian quý báu để phát triển những thiết bị di động cầm tay, để cho Apple và Samsung, thậm chí là cả những công ty Trung Quốc vượt mặt một cách nhanh chóng.
Thêm vào đó, do tình hình kinh tế thế giới nói chung đều đang gặp khó khăn, sức mua của người dân khắp nới đều giảm, thì việc bỏ nhiều tiền ra để rước về những sản phẩm “chất lượng đỉnh cao” là điều rất đáng cân nhắc.
Thay vào đó, họ sẽ chú ý nhiều hơn tới những sản phẩm “chất lượng cao” và có giá cả hợp lý. Smart TV của Sony so với LG (hoặc Samsung), nhìn không kỹ thì sẽ chẳng thấy được mấy những sự khác biệt trong chất lượng màn hình, trong khi giá cả lại chênh nhau khá nhiều.
Vậy là người tiêu dùng cứ thấy hàng rẻ hơn là “xuống tiền”, tâm lý chung là vậy. Nhưng quan trọng là Sony và những ông lớn đến từ Nhật Bản có nhận thấy để mà khắc phục hay không thì đó mới là vấn đề.

Loay hoay tìm đường sống sót
Có lẽ hiện tại Sharp đang là công ty có “vinh dự” đứng hàng top trong số những công ty điện tử… tụt dốc nhanh nhất.
Trước đây, họ từng được coi là biểu tượng đáng tự hào của ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản với những chiếc TV màn hình LCD hiện đại, cũng như lời hứa sẽ “tạo ra những sản phẩm khiến mọi người đều muốn được bắt chước.”
Thế nhưng, từ năm 2008, doanh số mảng LCD của hãng này đã sụt giảm tới 39%. Và chỉ mới vài tuần trước, một trong ba công ty xếp hạng tín dụng uy tín nhất thế giới là Standard & Poor (Mỹ) đã thẳng tay hạ mức tín dụng của Sharp xuống mức báo động, khiến hãng này phải vội vàng thế chấp gần như tất cả cơ sở của mình trên đất Nhật, bao gồm cả trụ sở chính ở Osaka để trang trải nợ nần.
Tháng 9 vừa qua nhẽ ra phải là tháng vui vẻ và tất bật nhất của Sharp khi họ kỷ niệm 100 năm ngày thành lập của mình (1912 – 2012).
Thế nhưng, không khí u ám lại mới chính là thứ bao trùm toàn công ty khi ban lãnh đạo phải tìm cách cắt giảm 10% lương và 7% số nhân công của mình. Thậm chí, họ còn phải đề ra những kế hoạch bán bớt một số nhà máy ở các quốc gia khác.
Trầm trọng hơn nữa, do đã đánh mất tới 70% giá trị cổ phiếu chỉ trong 1 năm khiến cho giá trị toàn công ty cũng lao dốc theo, ban lãnh đạo của Sharp đã và đang phải vắt óc nghĩ cách giữ lấy số tiền mà tập đoàn Hon Hai (Đài Loan) hứa sẽ đầu tư.
Số là hồi tháng 3, Hon Hai Precision Industry (công ty mẹ của Foxconn) đã đồng ý mua lại 10% cố phiếu của Sharp với giá 864 triệu USD, tức là khoảng 7,1 USD/CP.
Nhưng không may là ngay sau đó, giá CP đã giảm gần 1/3, khiến cho Hon Hai chẳng còn mặn mà với lời hứa của mình nữa.
Bằng chứng là trong chuyến viếng thăm Nhật Bản ngay tháng trước, nhẽ ra chủ tịch của Hon Hai là Terry Gou phải tạt qua trụ sở của Sharp để bàn bạc về vụ giao dịch, thì ông này lại rút ngắn lịch trình và bay thẳng về nước.
Nếu vẫn giữ nguyên mức đầu tư 864 triệu USD đó, Hon Hai sẽ được sở hữu tận 30% CP của Sharp chứ không phải chỉ 10% như trước.
Trong khi Sharp đang phải vật lộn với mớ cổ phiếu chỉ chực rớt giá không ngừng và tìm cách giữ chân nhà đầu tư, thì hai đại gia khác là Sony và Panasonic cũng chẳng có thời gian mà cười hả hê, vì bản thân họ cũng đang phải điên đầu với những rắc rối của riêng mình. Sony 4 năm nay kinh doanh không hề có lãi còn Panasonic cũng đang phải chịu lỗ trong 3 năm liền.
Sony và Panasonic đều đang thực hiện cắt giảm mạnh khâu sản xuất TV, một trong những thế mạnh hàng đầu của hai công ty này.
Riêng với Sony, bảo hiểm nhân thọ của mới là mảng kinh doanh có lãi nhất năm 2011, trong khi hãng lỗ 5,9 tỉ USD vì nhu cầu thiết bị điện tử sụt giảm.
Cả Panasonic và Sharp đều đang bán pin năng lượng mặt trời. Sharp tiến xa hơn một bước khi trong báo cáo thường niên năm 2012 có mục “tạo ra sản phẩm cần thiết mới” mà mọi người đều mong muốn là màn hình chuẩn đoán hình ảnh y tế, gương kĩ thuật số 3D độ phân giải cao và sách giáo khoa điện tử.
Chưa rõ trong tương lai sắp tới, tình hình sẽ có gì khả quan hơn hay không. Nhưng hiện tại, theo đánh giá của Bloomberg, tổng giá trị của cả 3 công ty này cộng lại chỉ vỏn vẹn khoảng 32 tỷ USD, bằng 1/5 giá trị của Samsung và 1/20 của Apple. Và sẽ thật đáng tiếc nếu như chúng ta phải chứng kiến những tượng đài công nghệ Nhật Bản sụp đổ.

Theo Genk