Thế giới công nghệ gần đây được phen dậy sóng khi một công ty Trung Quốc có tên Shenzhen Proview bất ngờ tuyên bố quyền sở hữu đối với tên gọi iPad – chiếc máy tính bảng đang lên như diều gặp gió của Apple – và tố “quả táo” xâm phạm tài sản trí tuệ này.
Proview đã có nhiều động thái để chiếc iPad bị loại khỏi sân chơi ở Trung Quốc, như đề nghị nhà chức trách nhiều địa phương thu hồi sản phẩm này, đâm đơn kiện Apple lên nhiều tòa án ở Trung Quốc và cả ở Mỹ… Công ty này thậm chí còn “dọa” Apple phải trả khoảng 1,6 tỷ USD tiền bồi thường và phải trả phí nếu muốn tiếp tục sử dụng tên gọi iPad.
Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, vào ngày 29/2, Apple và Proview đã được tòa thượng thẩm ở Quảng Đông, nơi trước đó Proview nộp đơn kiện, mời đến để giải quyết tranh chấp. Hai bên vẫn quyết liệt khẳng định quyền sở hữu đối với tên gọi iPad và tòa vẫn chưa ra quyết định cuối cùng. Trước đó ít hôm, một tòa án ở Thượng Hài đã từ chối đề nghị của Proview đòi ban lệnh cấm bán iPad ở thành phố này.
Một câu hỏi đặt ra là, tại sao Apple – doanh nghiệp hùng mạnh với giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới – lại có thể bị một công ty nhỏ con đang trong cảnh dở sống dở chết như Proview cản đường? Mà phiền toái lại xảy ra với chính iPad, sản phẩm đang làm mưa làm gió trên thị trường máy tính bảng toàn cầu, đóng góp không nhỏ cho lợi nhuận “hàng khủng” của Apple? Thêm nữa, sự việc lại diễn ra tại Trung Quốc, thị trường tăng trưởng nhanh nhất hiện nay của “đại gia” công nghệ Mỹ.
Trao đổi với một số chuyên gia của Trung Quốc, tờ BusinessWeek đã rút ra một số bài học cho những công ty nước ngoài đang có ý định tới nước này làm ăn, và thậm chí là cả những công ty đã tạo dựng được chỗ đứng ở nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới này.
Bài học thứ nhất khi tới Trung Quốc kinh doanh là phải làm thế nào đó để nhà chức trách đứng về phía mình.
Khi những rắc rối của với Proview loang rộng, các nhà chức trách trung ương của Trung Quốc có vẻ như chỉ đứng ngoài lề và muốn vụ việc được giải quyết ở tòa án. Đây xem ra là một động thái chuẩn xác, cho phép các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tránh việc phải đứng về một bên nào đó. Bởi vậy, Apple hay bất kỳ một doanh nghiệp nước ngoài nào khác rơi vào tranh chấp với một công ty địa phương của Trung Quốc, thì việc có được các quan chức chính quyền bênh vực là một lợi thế.
“Doanh nghiệp ở nước ngoài ở Trung Quốc cần có được sự che chở của chính quyền, để tránh phiền toái như đang xảy ra với Apple”, ông Mark Has, Chủ tịch công ty chuyên quan hệ công chúng và quan hệ với chính phủ Edelman China, nhận định.
Để đảm bảo có sự hậu thuẫn từ nhà chức trách Trung Quốc, các công ty được khuyến nghị nên thể hiện thái độ thiện chí thông qua hỗ trợ các ưu tiên quốc gia, chẳng hạn thúc đẩy sự phát triển của các thành phố nhỏ hay các khu vực xa xôi còn khó khăn của nước này. “Nếu được Chính phủ ủng hộ, thì những kiểu rắc rối như Apple đang gặp phải khó có thể xảy ra”, ông Hass noi.
Bài học thứ hai là doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc phải biết cách vận động hành lang các cơ quan điều hành.
Theo Business Week, quan hệ giữa doanh nghiệp với chính phủ ở Trung Quốc có phần phức tạp hơn ở nhiều quốc gia khác. Và câu chuyện càng phức tạp hơn với sự tham gia của GONGO – được lý giải là các tổ chức phi chính phủ nhưng lại do chính phủ tổ chức (government-organized nongovernmental organizations). Nghe thì có vẻ phi logic, nhưng ở Trung Quốc, các GONGO đóng một vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách và các công ty cần nhận thức rõ phải làm việc với các tổ chức này như thế nào – theo ông Greygory Gilligan, Giám đốc điều hành công ty Apco Worldwide tại Bắc Kinh.
“Các GONGO là một cánh tay khác của Chính phủ Trung Quốc. Trên phương diện nào đó, giống như họ thực hiện ‘dịch vụ thuê ngoài’ cho các chức năng của Chính phủ”, ông Gilligan nói.
Các công ty nước ngoài được khuyến nghị nên phát triển các mối quan hệ mật thiết với quan chức của các GONGO cũng như các bộ ngành có liên quan.
“Tùy thuộc vào việc công ty của anh kinh doanh ở lĩnh vực nào, anh có thể phải làm việc thường xuyên với hàng chục nhà điều hành khác nhau. Bởi thế, anh cần xác định rõ những nhân vật quan trọng. Mức độ tương tác giữa doanh nghiệp với các nhà điều hành tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với nước khác”, ông Gilligan nói. Ông cũng tiết lộ thêm rằng, việc duy trì mối liên lạc chặt chẽ với các nhà điều hành ở Trung Quốc sẽ tiêu tốn nhiều thời gian ở các nước khác, thậm chí là việc phải làm hàng tuần.
Bài học thứ ba là cần mua nhãn hiệu thương mại của doanh nghiệp mình.
Để xác định xem công ty nào sở hữu tên gọi nào, các doanh nghiệp nước ngoài thường thuê các chuyên gia chuyên theo dõi đăng ký nhãn hiệu thương mại ở Trung Quốc và các nước khác. Một khi nhận thấy vấn đề có khả năng xảy ra, các công ty liền cố gắng tìm cách mua lại quyền sở hữu đối với tên gọi đó. Trước đây, khi đàm phán với Proview để mua nhãn hiệu iPad, Apple đã thực hiện thông qua một trung gian là một công ty do chính Apple lập nên để thực hiện đàm phán và mua nhãn hiệu này.
Theo giáo sư luật Stan Abrams thuộc Đại học Tài chính và kinh tế Trung ương ở Bắc Kinh, đây là một cách phổ biến để các công ty nước ngoài đạt được thỏa thuận có lợi hơn cho họ. “Việc này diễn ra hàng ngày để đảm bảo rằng các công ty muốn mua tên gọi thương mại cho sản phẩm không bị lợi dụng về mặt giá cả”, ông Abrams nói.
Bài học thứ tư là cần thận trọng trong các thủ tục chuyển giao nhãn hiệu. Thiếu thận trọng ngay từ đầu có lẽ là một trong những sai lầm lớn nhất của Apple trong vụ tranh chấp tên gọi iPad – theo ông Abrams.
Giáo sư này cho rằng, lúc hoàn tất thỏa thuận với Proview, sau khi xem xét bản sao hợp đồng gốc giữa hai bên, Apple đã không yêu cầu đối tác Trung Quốc nộp đơn xin chuyển giao lên cơ quan đăng ký nhãn hiệu thương mại của nước này. Trong đó, theo quy định, bên sở hữu nhãn hiệu phải ký vào đơn xin chuyển giao thương hiệu thì mới đủ thủ tục. “Nếu Apple làm việc này, thì đơn xin chuyển giao nhãn hiệu iPad của Proview đã được nộp lên nhà chức trách, và Apple sẽ không gặp rắc rối như hiện nay. Nhưng vì một lý do nào đó, họ đã không yêu cầu Proview ký vào đơn xin chuyển giao ở thời điểm ký hợp đồng”, ông Abrams nói.
Ông Abrams cho biết thêm, gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã bổ sung thêm một thủ tục nữa, là cơ quan đăng ký nhãn hiệu sẽ liên lạc với bên bán sau khi nhận được đơn xin đã có chữ ký, để đảm bảo rằng bên bán muốn bán nhãn hiệu đó.
Thủ tục mới này đem lại nhiều lợi thế cho bên bán nhãn hiệu trong trường hợp bên bán muốn “chơi khó” bên đối tác nước ngoài. Bởi thế, giáo sư Abrams khuyên các các công ty mua nhãn hiệu ở Trung Quốc nên đợi cho tới khi hoàn tất mọi thủ tục mới thanh toán đủ tiền cho bên bán. Apple đã trả đủ tiền cho Proview trước khi thủ tục hoàn tất.
Theo Marketingchienluoc