Để trở thành “công ty tốt nhất thế giới” : Bí quyết của Wegmans

Hơn 90 năm tuổi đời với doanh thu hàng năm lên tới gần 6 tỷ USD, Wegmans thường xuyên được các công ty nghiên cứu và truyền thông lớn liệt vào chuỗi siêu thị tốt nhất trên đất nước Mỹ.
Có thể nói nếu các công ty lớn được chấm điểm 10 thì Wegmans phải được chấm điểm 11. Tuy là công ty gia đình nhưng chuỗi siêu thị ở Bờ Đông (Mỹ) này đã có hơn 90 năm tuổi đời với doanh thu hàng năm lên tới gần 6 tỷ USD. Sở hữu 77 cửa hàng với một lượng lớn khách hàng rất mực trung thành, Wegmans thường xuyên được các công ty nghiên cứu và truyền thông lớn liệt vào chuỗi siêu thị tốt nhất trên đất nước Mỹ. 
Phải nói Wegmans là trường hợp hiếm có. Ít công ty tư nhân nào đạt tới mức tỷ đô – ở Mỹ chỉ có vài ba trăm công ty như thế – mà Wegmans không những vượt mức đó mà còn đứng thứ 55 trong danh sách những doanh nghiệp lớn nhất của Forbes 2010. Đã thế, công ty này còn có thâm niên cả gần thế kỷ – mấy ai mà lại trúng số độc đắc như thế?
Vậy chuỗi siêu thị này đã làm gì để đạt được tới độ hoàn hảo như vậy và giữ cho sự hoàn hảo đó trường tồn? Bí quyết thành công của Wegmans có thể tóm lược như sau:

Là ông chủ trên cả tuyệt vời: 
Từ năm 1998, Wegmans đã được liệt vào danh sách “những nơi tốt nhất để làm việc” của tạp chí Fortune. Năm 2005, chuỗi siêu thị này được vinh danh là doanh nghiệp có đãi ngộ tốt nhất cho nhân viên ở Mỹ. 
Liên tục được nêu tên như thế chắc chắn không phải là do may rủi mà là do những nỗ lực không mệt mỏi của công ty để đảm bảo cho 41.000 con người làm việc ở đó được hạnh phúc, được hưởng sự chăm sóc đầy đủ, trọn vẹn và được phát huy tối đa khả năng của mình. Giờ giấc linh hoạt, con đường học hành và sự nghiệp rộng mở là những thứ mà nhân viên của Wegmans được hưởng lợi từ công ty. 
Được biết, công ty có chương trình học bổng rất hấp dẫn dành cho nhân viên và chương trình này hiện đã hỗ trợ cho hơn 25.000 người nâng cao học vấn với số tiền trao tặng lên tới hơn 81 triệu USD. Công ty cũng rất biết cách làm thân với cả gia đình nhân viên và hỗ trợ đối tượng này theo những cách hết sức đặc biệt, như hỗ trợ nhận con nuôi chẳng hạn. 
Nếu muốn tìm một người thiếu nhiệt tình và không mỉm cười ở Wegmans thì e là giống như mò kim đáy bể. Sự vui vẻ và tận tụy của nhân viên chuỗi siêu thị này là lý do khiến khách hàng đi mua sắm nhiều hơn, lâu hơn và ít khi chạy sang siêu thị khác.

Giúp khách hàng có những trải nghiệm tuyệt vời: 
Wegmans trở thành một điểm du lịch thực thụ tại những nơi nó có mặt. Đối với nhiều khách hàng, đi mua sắm ở Wegmans giống như là đi thư giãn, giải trí. Là một siêu thị nhưng Wegmans lại có một không gian mở y như một cái chợ lớn chứ không phải là một tòa nhà khép kín lạnh lẽo với đèn tuýp, thảm trải sàn như truyền thống của ngành từ bao đời nay. 
Khách mua hàng ở Wegmans không vội vội vàng vàng chạy từ khu này sang khu khác để mua nhanh cho xong mà đi từ từ, vừa đi vừa ngắm nghía như thể trong bảo tàng mỹ thuật. Họ có thể ngồi nghỉ tại những quán trà độc đáo, chọn đủ các món ăn do đầu bếp chế biến để ăn tại chỗ hay mang về, thậm chí tự phối trộn những thứ mình muốn ăn tại quầy phối trộn. 
Từ kinh nghiệm của mình, công ty liên tục thử nghiệm để tạo ra những điểm nhấn mới độc đáo, khiến khách hàng thấy thuận tiện hơn và hào hứng hơn. 

Sáng tạo ra những cách làm mới: 
Wegmans luôn luôn đi trước thời đại. Chuỗi siêu thị này đã khơi nguồn cho sự ra đời của mã vạch vào đầu những năm 70, là một trong số những siêu thị đầu tiên sử dụng thẻ chiết khấu và thẻ khách hàng thường xuyên bằng điện tử, làm mới cách thiết kế cửa hàng và bán hàng, “đầu têu” phong trào “người Mỹ dùng hàng Mỹ”… 
Lúc nào Wegmans cũng tìm cách áp dụng công nghệ mới – từ những tính năng “recipe” (cho phép tìm kiếm công thức nấu ăn, cách chế biến món ăn từ những từ khóa tên món ăn hoặc nguyên liệu, v.v…), “shopping list” (cho phép tạo và in danh sách mua sắm dựa trên các công thức nấu ăn trong mục recipe hoặc các thứ khách hàng muốn mua) cho đến ứng dụng iPhone cho phép sắp xếp shopping list theo số kệ hàng trong siêu thị. 

Là một tổ chức làm việc thiện cho cộng đồng: 
Wegmans nổi tiếng với những hành động nhân ái và những nghĩa cử cộng đồng. Ngoài chương trình học bổng đã nêu, công ty còn hỗ trợ vô số các chương trình, sự kiện tương thân tương ái trong quá trình mở rộng “lãnh địa” của mình. Tên công ty luôn gắn với những việc thiện, cả trong và ngoài công ty. Điều này càng làm những người làm việc và mua sắm thêm gắn bó với công ty. 
Và đáng ghi nhận nhất sau tất cả là Wegmans vẫn “giữ mình” là công ty gia đình thực sự. Vào những ngày cuối tuần, người ta có thể thấy CEO Danny Wegmans đẩy xe mua hàng trong siêu thị, nói chuyện với nhân viên và khách hàng. Sự trung thành của khách hàng đối với Wegmans thì khỏi nói. Trong một chương trình truyền hình của David Letterman, diễn viên Alec Baldwin thậm chí đã nói rằng mẹ anh nhất định không rời ngoại ô New York để chuyển đến Los Angeles vì không có cửa hàng Wegmans nào ở nơi sắp chuyển đến cả. 
Nói tóm lại, Wegmans đã biến mình thành “cục cưng”, thành sức hút khó cưỡng đối với khách hàng, và vì thế nó xứng đáng gặt hái những thành công như hiện nay.

Theo Marketingchienluoc