Marketing Thiếu những hỗ trợ vĩ mô ở TTCK

Thiếu những hỗ trợ vĩ mô ở TTCK

13
Sự hồi phục của thị trường chứng khoán đã không thể được duy trì khi chỉ số VNIndex vấp phải ngưỡng kháng cự 390 điểm.
Biểu đồ diễn biến VN-Index từ 12 đến 17/11/2012

Hơn nữa, làn sóng bán ra chốt lời từ phía bên cung tỏ ra áp đảo so với sức cầu đã làm thị trường quay đầu giảm điểm.
Đáng chú ý là thanh khoản lại có chiều hướng ngày càng thấp hơn so với trung tuần tháng 11/2012. Khối lượng cổ phiếu được khớp lệnh mỗi phiên từ 60 – 70 triệu cổ phiếu thì nay chỉ còn khoảng 45 triệu cổ phiếu/phiên. Rõ ràng là thị trường đang thiếu đi sự hỗ trợ từ vĩ mô đã khiến cho dòng tiền bị hạn chế trên cả hai sàn HSX và HNX. Còn nếu quan sát một cách tổng thể thị trường chứng khoán thì kể từ tháng 10/2012 chỉ số VN-Index chủ yếu chỉ dao động đi ngang, quanh biên độ khá hẹp là 385 điểm. Chính vì vậy, mặt bằng giá các cổ phiếu đã không có quá nhiều biến động để có thể tạo nên những đợt sóng ngắn hạn đủ để hấp dẫn nhà đầu tư có thể tham gia một cách mạnh dạn hơn vào thị trường chứng khoán.

Mặt bằng giá các cổ phiếu đã không có quá nhiều biến động.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đang xây dựng dự thảo Quy chế hướng dẫn việc thiết lập hệ thống và thực hiện quản trị rủi ro trong Cty chứng khoán. Theo đó, các Cty chứng khoán phải thiết lập và vận hành hệ thống quản trị rủi ro để quản lý tối thiểu bốn loại rủi ro trọng yếu về rủi ro thị trường, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản và rủi ro hoạt động. Dự thảo cũng quy định đầy đủ về nguyên tắc quản trị và các thành viên tham gia ở mỗi Cty chứng khoán. Đồng thời, Hội đồng quản trị hoặc chủ sở hữu Cty chứng khoán phải chịu tránh nhiệm cuối cùng và cao nhất đối với hoạt động quản trị rủi ro. Điều này nhằm để đảm bảo hoạt động của các Cty chứng khoán đi vào ổn định minh bạch, tránh tình trạng xung đột về lợi ích giữa các bên trong quá trình quản trị rủi ro. Hơn nữa, nếu như xảy ra các vụ việc phát sinh dẫn đến tranh chấp giữa khách hàng đối với Cty chứng khoán hoặc giữa các nhà đầu tư thì sẽ có cơ sở rõ ràng để giải quyết và phần trách nhiệm của các bên liên quan.

Một thành viên trên thị trường đã từng có vai trò nhất định thời điểm trước đây là các Cty quản lý quỹ nhưng nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Với nghiệp vụ chính là quản lý tài sản ủy thác, quản lý nguồn vốn dư thừa của các tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, do giá các cổ phiếu xuống thấp cùng với sự suy giảm của các chỉ số Index đã khiến nhiều Cty quản lý quỹ không huy động được tài sản để quản lý và chỉ duy trì hoạt động cầm chừng.
Theo số liệu từ UBCKNN công bố thì có tới 25/47 Cty có lỗ lũy kế. Điển hình là Quỹ tầm nhìn SSI (SSIVF) ra đời từ năm 2007 với số vốn 1.700 tỉ đồng sẽ trả lại tiền cho nhà đầu tư mà không gia hạn thêm. Nếu so với mức thua lỗ từ 30% trở lên ở hầu hết các quỹ đầu tư thì SSIVF vẫn còn bảo toàn được nguồn vốn khi nhà đầu tư sẽ nhận được lượng tiền mặt và cổ tức bằng 90% số vốn góp ban đầu.
Các nhà tạo lập thị trường như các Cty quản lý quản quỹ, các quỹ đầu tư hay tự doanh của các Cty chứng khoán đều hạn chế giải ngân bởi chưa thấy có nhiều triển vọng của thị trường. Một số khác thì chuyển sang hình thức đầu tư dài hạn vào những mã cổ phiếu tiềm năng thay vì mua bán lướt sóng. Do vậy, thanh khoản của thị trường vẫn còn rất ảm đạm nên các chỉ số Index sẽ không có nhiều đột biến trong thời gian tới.

Theo dddn