Ngại cạnh tranh, JFE (Nhật Bản) tạm chưa đưa ra quyết định đầu tư ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư khác cũng đã bày tỏ mối quan ngại khi đầu tư vào ngành thép Việt Nam.
Chỉ ít ngày sau khi đại diện Tập đoàn JFE (Nhật Bản) làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi để báo cáo sơ bộ công tác khảo sát đánh giá tính khả thi của Dự án Nhà máy Thép Guang Lian Dung Quất, thì tại Nhật Bản, Chủ tịch Tập đoàn JFE Eiji Hayashida lại tuyên bố, tạm hoãn ra quyết định đầu tư vào dự án này ở Việt Nam. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, lý do cho sự trì hoãn này là JFE muốn đánh giá những rủi ro liên quan tới vấn đề cạnh tranh.
“Ban đầu, chúng tôi nói sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào cuối năm nay. Nhưng chúng tôi cần có thêm thời gian”, ông Eiji Hayashida, Chủ tịch JFE cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn vào hôm 5/12 tại trụ sở Tập đoàn ở Tokyo.
Tuy nhiên, theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, tuần vừa rồi, khi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đại diện JFE khẳng định, câu trả lời trên báo chí của Chủ tịch JFE không có nghĩa là JFE sẽ chấm dứt hay là hoãn vô thời hạn kế hoạch đầu tư vào Dự án Thép Guang Lian, mà chỉ là “cần thêm thời gian” để xem xét thêm một số vấn đề.
“Họ sẽ đưa ra các quyết định đầu tư khi nhận được câu trả lời từ phía Chính phủ Việt Nam, cũng như các bộ, ngành liên quan tới các đề xuất của họ”, nguồn tin của Báo Đầu tư cho biết.
Theo thông tin của phóng viên Báo Đầu tư, khi tới Việt Nam nghiên cứu tính khả thi của Dự án, JFE đã đề xuất một số vấn đề, như được cho thuê thêm 23 ha (hiện tại là 27 ha) để mở cảng chuyên dụng; được hưởng các ưu đãi về thuế tương tự Dự án Guang Lian hiện tại trong trường hợp Dự án nâng công suất từ 5 triệu tấn lên 7 triệu tấn, vốn đầu tư từ 3 tỷ USD lên 4,5 tỷ USD; tạm ứng trước tiền thuế để hỗ trợ đền bù giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, các công văn kiến nghị của JFE gửi tới các bộ, ngành, hiện vẫn chưa có được các câu trả lời cụ thể. Chính vì vậy, JFE chưa đủ cơ sở để ra quyết định đầu tư, cho dù hồi tháng 11 vừa qua, các bên bao gồm UBND tỉnh Quảng Ngãi, JFE, E-United (Đài Loan, chủ đầu tư hiện tại của Guang Lian) đã ký biên bản ghi nhớ (MOU) lần thứ nhất để làm cơ sở cho việc đánh giá đầu tư Dự án. Và vào cuối tháng 11, ông Nobuyuki Nada, Phó tổng giám đốc JFE cũng đã loan báo kế hoạch rằng, Nhà máy dự kiến khởi công vào tháng 6/2014.
Cũng cần phải nhắc lại rằng, trong cuộc trả lời phỏng vấn Hãng tin Bloomberg, ông Eiji Hayashida đã nhắc tới những lo ngại về vấn đề cạnh tranh khi có nhiều dự án thép đang nhảy vào khu vực phía Nam của Trung Quốc và Việt Nam. Tại buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây, đại diện JEF cũng đã bày tỏ mối quan ngại này, nhất là khi ở khu vực miền Trung, còn có một đại dự án thép khác đang được triển khai xây dựng là Dự án thép Formosa và số lượng thép nhập khẩu vào Việt Nam khá lớn.
“Chúng tôi cố gắng xây dựng một nhà máy có năng lực cạnh tranh cao, nhưng cũng muốn Chính phủ Việt Nam có chính sách hỗ trợ để làm sao việc nhập khẩu thép từ Trung Quốc vào không quá nhiều. Tương tự, chúng tôi cũng muốn được hưởng các chính sách ưu đãi để dự án có năng lực cạnh tranh cao hơn, đảm bảo hiệu suất đầu tư và tránh được các rủi ro”, ông Nada đã từng phát biểu như vậy tại cuộc Đối thoại công – tư Việt – Nhật lần thứ hai, tổ chức vào tháng 8/2012 vừa qua.
Thực tế, cũng không chỉ JFE lo ngại vấn đề cạnh tranh tại thị trường Việt Nam. Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) vừa qua, Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại cũng đã bày tỏ mối quan ngại việc Việt Nam thiếu chính sách phát triển công nghiệp thép, dẫn tới sự mất cân bằng giữa khả năng cung ứng và nhu cầu thị trường, thậm chí dẫn tới một ngành công nghiệp thép đang ở trong “trạng thái hỗn loạn”.
“Dòng sản phẩm giá rẻ tràn vào có vẻ như là bán phá giá đã gây ra những khó khăn về tài chính cho các nhà sản xuất thép trong nước. Vì thế, cần phải ưu tiên điều tra cách thức bán phá giá và kiểm soát chúng để nuôi dưỡng một ngành công nghiệp thép lành mạnh trong nước, mà không làm mất tính cạnh tranh trên thị trường”, ông Fred Burker, đồng Chủ tịch Nhóm công tác Đầu tư và Thương mại của VBF phát biểu.
Liên quan đến vấn đề này, khi trả lời kiến nghị của các nhà đầu tư, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, thừa nhận, tình trạng mất cân đối cung – cầu trong ngành thép như vừa qua là do các địa phương thực hiện không đúng và đủ quy hoạch của ngành thép. Chính vì vậy, một quy hoạch ngành thép mới đang được xây dựng và chờ Chính phủ thông qua. Các biện pháp để giải phóng hàng tồn kho, cũng như tình trạng nhập khẩu thép tràn lan cũng sẽ được thực hiện.
Theo Nguyên Đức