Lĩnh vực nào sẽ M&A nhiều trong năm 2013?
Thị trường mua bán – sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 đã trải qua một năm kém sôi động, nhưng lại xuất hiện những thương vụ có giá trị giao dịch lớn. Dự báo năm 2013, thị trường này sẽ có những thương vụ “khủng”.
Năm 2012: kém sôi động nhưng gia tăng giá trị
Đúng như dự báo của GS.TS Christopher B. Kummer, Chủ tịch Viện Nghiên cứu M&A, có trụ sở tại Áo và Thụy Sỹ, năm 2012 hoạt động M&A tại các thị trường mới nổi thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương giảm khoảng 25% cả về số thương vụ và giao dịch. Trong đó, thị trường Việt Nam cũng trải qua một năm kém sôi động.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Công ty Dữ liệu và Truyền thông tài chính StoxPlus cũng đưa ra thông tin tương tự, “số thương vụ ít đi, nhưng giá trị giao dịch lớn”.
Theo số liệu thống kê chưa chính thức, tổng giá trị các thương vụ tại thị trường Việt Nam đạt gần 2 tỷ USD, chủ yếu đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan. Trong khi đó, năm 2011 đạt 4,7 tỷ USD, tăng gần gấp ba lần so với giá trị 1,7 tỷ USD của năm 2010.
Một số thương vụ đáng chú ý như, Mizuho Corporate Bank chi 567 triệu USD mua 347,6 triệu cổ phiếu của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Hãng bánh kẹo Glico (Nhật Bản) chi 31 triệu USD mua 10,5% cổ phần Công ty CP Kinh Đô; Công ty NawaPlastics Nhựa Thái Lan, sau khi âm thầm mua và nắm giữ 20% cổ phần Nhựa Bình Minh và 23% cổ phần của Nhựa Tiền Phong, thì còn có tham vọng nâng tỷ lệ sở hữu của cả hai công ty này lên 49%. Tuy nhiên, việc thu gom gặp khó, khi ở Nhựa Bình Minh đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, có Công ty cổ phần Điện tử Hà Nội (Hanel) đã mua 70% cổ phần của liên doanh Daeha (Công ty Quản lý khách sạn Daewoo – Hàn Quốc) và sở hữu 100% cổ phần công ty này. Giá trị thương vụ khoảng 100 triệu USD.
Trong nửa cuối năm, thị trường trầm lắng đã làm cho hoạt động M&A không còn sôi động như trước, nhưng vẫn có những thương vụ đáng chú ý. Trong số đó có vụ Tập đoàn Masan đã chi gần 96 triệu USD mua lại 40% cổ phần của Công ty Sản xuất thức ăn gia súc Việt Pháp (Proconco) từ Quỹ Prudential.
Mặc dù, đây là thương vụ M&A thứ 3 có liên quan đến Masan Consumer trong hai năm qua, sau thương vụ phát hành 10% cổ phần cho KKR và thâu tóm Vinacafe Biên Hòa, tuy nhiên, với thực lực của mình, Masan Consumer vẫn còn rất sẵn sàng cho việc tìm kiếm các thương vụ M&A mới. Bởi ngay sau đó, vào đầu tháng 11, Công ty đã đăng ký mua thêm 369.630 cổ phần, tuy nhiên chỉ thỏa thuận mua được thêm 155.280 cổ phần của Vinacafe Biên Hòa.
Ngoài ra, còn nhiều thương vụ khác trong lĩnh vực bất động sản, ngân hàng nhưng chủ yếu theo hình thức hợp nhất, không đem lại dòng tiền mới và khó đánh giá được hiệu quả thành công. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài theo hình thức M&A cũng không có.
Lý do chính không xuất hiện nhiều thương vụ M&A quy mô nhỏ, theo ông Thuân, là do những ách tắc ở khâu định giá doanh nghiệp. “Chỉ trừ doanh nghiệp nào thực sự thiếu tiền và phải bán công ty con để cứu ngành kinh doanh cốt lõi, hoặc công ty nào đang thừa tiền mặt và bị áp lực về tăng trưởng mới quyết định mua”, ông Thuân nói.
Hé lộ những thương vụ khủng
Mới đây, thông tin Công ty Quản lý quỹ VinaCapital rao bán 50% cổ phần trong Metropole Hà Nội, một trong những khách sạn nổi tiếng nhất tại Việt Nam được báo chí nước ngoài tung ra. Theo đó, Quỹ Vietnam Opportunity (niêm yết tại thị trường London) của VinaCapital đã ủy quyền cho Công ty Môi giới bất động sản Jones Lang LaSalle đi “kén rể”. Số cổ phần này có giá trị sổ sách là 58,7 triệu USD. Được biết, 50% cổ phần còn lại trong Metropole Hà Nội hiện do Tổng công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist – đơn vị trực thuộc UBND thành phố Hà Nội) nắm giữ.
Theo những thông tin không chính thức thì, nhà quản lý quỹ này đang rơi vào áp lực từ phía cổ đông và buộc phải tìm cách bán tài sản vì liên tục được giao dịch với mức giá thấp hơn nhiều so với giá trị tài sản ròng. Song động thái của VinaCapital được cho là một cơ hội tốt, khi các nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội mua bất động sản đang bị giảm giá ở Việt Nam.
Ông Andy Hồ, Giám đốc điều hành và là Trưởng bộ phận đầu tư VinaCapital tại Việt Nam, cho hay: “Chúng tôi đang tiến hành tái cơ cấu lại danh mục đầu tư. Khi thời điểm chín muồi và xuất hiện nhiều nhà đầu tư có nhu cầu thì chúng tôi quyết định thoái vốn. Và chúng tôi vẫn chờ đợi một mức giá trị thật, cao hơn nhiều so với giá trị sổ sách”.
Bất chấp bối cảnh ảm đạm của thị trường và sự đi xuống trong hầu hết các chỉ số kinh doanh của khối các khách sạn 5 sao tại Hà Nội, VinaCapital vẫn có cơ sở để kỳ vọng, bởi Metropole sở hữu một trí trí đắc địa, dịch vụ tối ưu và đang hoạt động rất tốt. Hơn nữa, thể hiện trách nhiệm với các cổ đông khi là một quỹ đầu tư có danh tiếng, VinaCapital sẽ phải tính toán bán mức giá giống như khi bán Khách sạn Hiltol Hà Nội cho Ngân hàng SeaBank.
Thị trường M&A không chỉ chờ đợi tín hiệu tốt từ thương vụ trên, mà còn hồi hộp chờ đón một thương vụ “khủng” đang được cho là có giá trị lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay. Đó là, Ngân hàng Mitsubishi Tokyo UFJ (Nhật Bản) chi 720 triệu USD để nắm 20% cổ phần Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), với mức giá 22.800 đồng/cổ phiếu (VietinBank đang giao dịch trên thị trường chứng khoán là 20.000 đồng/cổ phiếu). Dự kiến thương vụ này sẽ được hoàn tất vào quý I/2013.
Hàng tiêu dùng, cơ sở hạ tầng vẫn thuộc hàng top
Hiện kế hoạch thoái vốn và huy động vốn đã được sẵn sàng, nhưng ông Andy Hồ vẫn lo ngại về sự phục hồi của nền kinh tế thế giới và Việt Nam. Đặc biệt, huy động vốn từ nhà đầu tư mới sẽ rất khó khăn. Song không vì thế mà ông ngừng săn đuổi những khoản đầu tư mới và kỳ vọng vào sự sáng sủa của thị trường M&A. “Chúng tôi sẽ ưu tiên và tiếp tục tìm kiếm các khoản đầu tư vào các công ty trong ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng thiết yếu. Đây là những ngành hàng có thể bị ảnh hưởng bởi yếu tố lạm phát, nhưng vẫn có tốc độ tăng trưởng tốt, khoảng 20-25%/năm”.
Cùng chung kỳ vọng như vậy, ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, năm 2013 thị trường M&A sẽ sôi động hơn nếu khơi thông được các thương vụ bị tắc còn tồn lại từ năm 2012. Trong đó, lĩnh vực hàng tiêu dùng, đồ uống, dược phẩm luôn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. “Không giống như trước đây, hiện nay, doanh nghiệp nước ngoài mua lại doanh nghiệp Việt Nam không phải để làm bàn đạp xuất khẩu, mà để trực tiếp kinh doanh khai thác thị trường 90 triệu dân”, ông Thuân nói.
Ngoài ra, lĩnh vực cơ sở hạ tầng, xi măng đang xuất hiện tình trạng mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân trong và ngoài nước vào khai thác. Đây là lĩnh vực sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư dài hạn, dù trước mắt thị trường chưa được sáng sủa.
Liên quan đến lĩnh vực bất động sản, ông Andy Hồ cho rằng, nhà đầu tư không nên mua từng dự án, mà mua cả tài sản của công ty thông qua thị trường chứng khoán. Bởi lẽ, với diễn biến hiện tại trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu của các công ty bất động sản luôn có giá trị giao dịch thấp hơn giá trị tài sản thực tế (bao gồm cả các dự án). Riêng lĩnh vực tài chính – ngân hàng, sẽ được nhà đầu tư quan tâm, nhưng không phải hai bên tự nguyện, mà buộc phải hợp nhất lại với nhau theo lộ trình tái cấu trúc, vì vậy, “sự chuyển biến về chất vẫn là ẩn số”.
Ngoài ra, ông Thuân đặc biệt lưu ý đến xu hướng các ngân hàng chuyển từ nợ xấu sang vốn cổ phần sẽ rất sôi động. Trong năm 2012, có rất nhiều nợ xấu buộc ngân hàng phải cõng. Chẳng hạn, cùng với việc sáp nhập Habubank, thì SHB cũng phải “ôm” 50% cổ phần của Bianfishco; Maritime Bank đã mua lại Dự án Thái Hòa Điện Biên của Tập đoàn Thái Hòa, với giá hơn 40 tỷ đồng, tuy vậy, với số nợ còn lại là 60 tỷ đồng, để giải quyết, Thái Hòa có thể sẽ thuyết phục Maritime Bank mua nốt 51% cổ phần một công ty cafe bên Lào (thuộc sở hữu của Thái Hòa), trong khi giá trị tài sản của công ty đó lên tới 200 tỷ đồng.
Theo nhipcaudautu