Cuối năm 2011, Việt Nam mới chỉ có khoảng 151 mạng xã hội đăng ký hoạt động thì đến cuối năm 2012, con số này đã tăng lên 263. Đây là Một con số không nhỏ đối với hình thức mới ra đời không lâu như mạng xã hội. Ngoại trừ những cái tên lớn như Facebook, Twitter, Zingme…, những mạng xã hội nhỏ và ít tên tuổi hơn đang hoạt động như thế nào và kiếm tiền từ đâu?
Đầu tư không dễ
Từ một chàng sinh viên đại học, Mark Zuckerberg xây dựng nên mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 1 tỉ người dùng và thu về 16 tỉ USD nhờ vụ IPO lớn nhất lịch sử ngành công nghệ. Ông chủ của Facebook cũng thành tỉ phú sau một đêm khiến cho nhiều người nghĩ rằng, mạng xã hội là kho tiền và dễ kiếm.
Nhưng, câu chuyện đầu tư một mạng xã hội có đơn giản? Hầu hết những mạng xã hội lớn đều thuộc về những ông chủ mạnh về tài chính và được đầu tư bài bản.
Còn tại Việt Nam, những mạng xã hội đình đám như Zingme, Go.vn, nivi.vn đều thuộc sở hữu của những công ty lớn như VNG, VTC, NCT. Ông Phan Anh Tuấn, trưởng dự án Go.vn, cho biết mạng này đã được đầu tư trên 150 tỉ đồng.
Rõ ràng, đầu tư cho mạng xã hội không phải là câu chuyện dễ dàng. “Kinh doanh mạng xã hội không hẳn dễ ăn vì 100 người làm có thể chỉ 1, 2 người thành công”, ông Paul Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Công ty VON, đơn vị sở hữu mạng xã hội YuMe cho biết.
Cùng chung nhận định, ông Nhan Thế Luân, nhà sáng lập và Giám đốc của NCT (chủ quản mạng xã hội đang chạy thử nghiệm nivi.vn) cho rằng đây là cuộc chơi khó khăn, vì riêng đầu tư công nghệ cho mạng xã hội đã cần kỹ thuật cao hơn những website thông thường khác và vướng khá nhiều khó khăn.
Như Nivi.vn đã bắt đầu xây dựng được khoảng 1,5 năm với đội ngũ 10 người làm việc với vốn đầu tư kha khá nhưng vẫn đang là bản thử nghiệm và phải chờ một thời gian nữa mới ra mắt như mạng xã hội chính thức.
Chưa thể tính đến lợi nhuận
Các mạng xã hội kiếm tiền từ đâu? Facebook gây ấn tượng bởi câu “Free and always will be” (Miễn phí và sẽ luôn như thế). Tuy nhiên, Facebook vẫn có mức doanh thu khổng lồ nhờ quảng cáo và bán ứng dụng.
Với lượng người dùng lớn như thế, Facebook là nền tảng được các nhà khai thác quảng cáo và doanh nghiệp để mắt đến. Thêm vào đó, có những ứng dụng Facebook bắt đầu thu tiền người dùng để tăng doanh thu.
Nhưng không phải mạng xã hội nào cũng có người dùng lớn như Facebook, vậy câu chuyện có dễ dàng đối với những mạng xã hội nội? Ông Luân, Giám đốc NCT cho rằng, đây là thị trường tiềm năng nhưng đầy khó khăn, bởi lẽ người dùng tập trung chủ yếu vào Facebook và Zingme, do đó những mạng xã hội ra sau sẽ gặp không ít khó khăn để thu hút người dùng.
Ngay cả Zingme, một mạng xã hội được coi là đang cạnh tranh với Facebook tại Việt Nam cũng tập trung vào việc xây dựng một nền tảng để bên thứ ba khai thác, kiếm tiền. Ông Vương Quang Khải, Phó Tổng Giám đốc VNG cho biết, chiến lược của Zing Me là triển khai nền tảng mở cho phép doanh nghiệp, đại lý quảng cáo sử dụng hạ tầng, cổng thanh toán của mình để kinh doanh.
Zingme hướng tới nguồn thu từ quảng cáo, thu phí xem phim hoặc lưu trữ file và chia sẻ doanh thu với các đối tác nội dung. Tỉ lệ ăn chia được Zingme ấn định là Zingme thu 30% doanh thu nếu ứng dụng chỉ chạy trên Zingme và 50% nếu ứng dụng chạy trên các nền tảng khác. Tương tự, Go.vn cũng công bố chiến lược biến Go.vn trở thành hệ thống nền tảng mở với sự tích hợp và hội tụ cả 3 là internet, di động và truyền hình.
Ngoài Facebook, các mạng xã hội tại Việt Nam đều phát triển như là một bộ phận để phát triển các dịch vụ, ứng dụng đi kèm và hoàn thiện một nền tảng hoàn chỉnh, như Zingme có Zingnews, Mp3.zing, TV.zing, 123mua.vn hay Go.vn là một sản phẩm của VTC, Nivi.vn có NCT.vn, nava.vn, nhaccuatui.com. Và mỗi công cụ trong nền tảng đó là một bộ phận để tương tác hoàn chỉnh mang tới cho người dùng tiện ích tốt nhất. Tiền kiếm từ đó.
Hầu như tất cả mạng xã hội nội đều chỉ công bố con số doanh thu mà không đưa ra con số lợi nhuận. Năm 2010, Go.vn công khai con số doanh thu khoảng 70 tỉ đồng hay Zingme của Công ty VNG đã công bố doanh thu đạt khoảng 100 tỉ đồng/tháng từ gần 100 ứng dụng đang chạy trên mạng xã hội này.
“Đây là một thị trường mới và đầy tiềm năng mà các nhà lập trình ứng dụng nên khai thác”, ông Nguyễn Văn Đức Trọng, Giám đốc Phát triển Kinh doanh Zing, cho biết.
Đồng tình rằng các mạng xã hội có cửa kiếm tiền từ quảng cáo, ứng dụng và các dịch vụ đi kèm, nhưng ông Luân, cho rằng 3-5 năm đầu các nhà đầu tư đừng nghĩ đến lợi nhuận. Đó là giai đoạn xây dựng nền tảng và thu hút người dùng chứ không phải lúc kiếm lời.
Theo strategy