“Phao cứu sinh” cho doanh nghiệp

Để vượt qua khó khăn, các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ của Việt Nam đang ngày càng chú trọng vào hoạt động giao thương quốc tế, chuyển hướng phát triển từ bán buôn trong nước sang hoạt động xuất khẩu tới các thị trường nước ngoài với sự giúp sức của thương mại điện tử (TMĐT).

Thương mại điện tử: “Phao cứu sinh”
Trong bối cảnh “khủng hoảng đầu ra” thì TMĐT được xem là “phao cứu sinh” của nhiều DN, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Theo kỳ vọng của Chính phủ, đến năm 2015, TMĐT sẽ giúp gia tăng 6 tỷ USD trong giá trị xuất khẩu của Việt Nam.
Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã, đang và sẽ giúp cho kỳ vọng này sẽ thành hiện thực. Bởi, hiện tại, đã có hơn 30 triệu người dùng Việt Nam đang sử dụng internet trong hoạt động mua bán, đọc tin tức, tìm kiếm thông tin và giải trí, chiếm 35% tổng dân số.
Không chỉ thế, số lượng các DN dùng các sàn TMĐT như một kênh xuất khẩu chính cũng đang dần phổ biến.Theo số liệu từ Alibaba.com, tính đến tháng 5/2012, đã có tới 210.000 DN chọn kênh này để xuất khẩu hàng hóa ra các nước.

Ông Võ Trấn Thành, Giám đốc VCCI, chi nhánh TP.HCM, cho biết, hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang ngày càng được thị trường nước ngoài ưa chuộng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng. Tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm theo báo cáo của Bộ Công Thương đã đạt 53,1 tỷ USD.
Mục tiêu xuất khẩu cả năm là 109,5 tỷ USD, nhiệm vụ còn lại của xuất khẩu Việt Nam phải đạt 56,4 tỷ USD, tức là 9,4 tỷ USD/tháng. Điều đáng mừng là xuất khẩu bình quân mỗi tháng trong tháng 5 và tháng 6 vừa qua đều đạt trên 9,72 tỷ USD. Đây là một tín hiệu khá lạc quan.

“Với sự hỗ trợ của các kênh giao dịch trực tuyến đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng còn số này sẽ còn tăng trong thời gian tới”, ông Thành tin tưởng.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, trong buổi tọa đàm “Bàn về bài toán tăng trưởng xuất khẩu trong bối cảnh khủng hoảng” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Công ty OSB tổ chức trong tháng trước cũng cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong quý I/2012 là khá cao so với các nước trong khu vực với tỷ lệ 24,2%. Cụ thể, tỷ lệ này ở Trung Quốc là 7,6%, Indonesia là 6,9%, Malaysia là 4% và Thái Lan thậm chí tăng trưởng âm với mức -3,9%.

Một trong những yếu tố giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh là nhờ TMĐT. “Chúng tôi thấy TMĐT thay đổi cơ sở khách hàng của các DN Việt Nam như thế nào chỉ trong một thời gian ngắn”, ông Timothy, Phó Chủ tịch phụ trách Phát triển và Kinh doanh toàn cầu Tập đoàn Alibaba cho biết.
“Khi ngày càng nhiều các DN vừa và nhỏ của Việt Nam tìm đến TMĐT, nhu cầu của các nhà nhập khẩu nước ngoài đối với các sản phẩm chất lượng từ Việt Nam được ghi nhận chắc chắn sẽ tăng lên rất nhiều trong thời gian tới. Đây chính là lý do tại sao chúng tôi liên tiếp tổ chức các buổi hội thảo đào tạo để giúp các thành viên chuẩn bị tốt nhất cho những thay đổi trong xu hướng tìm nguồn cung toàn cầu hiện tại cũng như tương lai của TMĐT Việt Nam”, ông Timothy nói thêm.

Doanh nghiệp chủ động tìm đầu ra
Các chuyên gia cho rằng, trước đây, các nhà nhập khẩu lớn thường tìm kiếm nguồn hàng từ các thị trường quen thuộc như Ấn Độ và Trung Quốc. Tuy nhiên, xu hướng này đang thay đổi khi họ đang chuyển sang tìm kiếm các sản phẩm từ những thị trường mới với chất lượng và chi phí hợp lý hơn.
Tại trang mạng Alilbaba, các ngành hàng được nhà nhập khẩu thế giới chú ý nhiều nhất là nông sản (20%), thực phẩm và đồ uống (19%), xây dựng và bất động sản (8%)…
Điều đáng chú ý là có tới 9% người mua từ Mỹ, 8% từ Trung Quốc và 8% từ Ấn Độ. Điều này cho thấy sự thay đổi đáng kể trong hoạt động tìm nguồn cung toàn cầu hiện nay khi Ấn Độ và Trung Quốc – hai thị trường cung ứng lớn nhất thế giới cũng đang tìm kiếm sản phẩm từ Việt Nam. Thông qua kênh giao dịch này, nhiều công ty vừa và nhỏ đã có những khách hàng lớn từ Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc… 
Điển hình như, 80% doanh thu của các Công ty Secoin (kinh doanh vật liệu xây dựng), Công ty Safe Seafood (thủy hải sản đông lạnh), Công ty Visimex (quế, hồi, hạt tiêu, sắn, mật ong, hành, tỏi… ) có được từ việc xuất hàng qua TMĐT, 60% doanh số xuất khẩu của Gepimex 404 (các mặt hàng lương khô) đến từ Trung Quốc, các nước Trung Đông và châu Âu cũng nhờ ứng dụng tích cực TMĐT…
Dù hoạt động xuất khẩu đã có những tín hiệu khởi sắc, nhưng để vượt qua khó khăn trong năm 2012 và hoàn thành mục tiêu đề ra, chuyên gia Phạm Chi Lan khuyên rằng, các DN cần chủ động trong việc tìm kiếm đầu ra, không quá trông chờ vào Chính phủ.

DN phải chuẩn bị tốt nhất để sẵn sàng cho mọi cơ hội hay thách thức trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu của mình, đặc biệt cần tận dụng các hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký với các nước.
Ngoài ra, để thúc đẩy hoạt động xuất khẩu thì một trong những nhân tố quyết định cải thiện vấn đề này chính là định hướng và tầm nhìn của lãnh đạo DN đối với bài toán tăng trưởng xuất khẩu trong giai đoạn hiện nay.

Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nhấn mạnh vai trò của việc đa dạng hóa kênh tìm kiếm khách hàng.
“DN cần tăng cường liên doanh, liên kết, tham gia các hiệp hội DN, hiệp hội ngành hàng để trao đổi thông tin, tìm kiếm thị trường… Ngoài ra, DN cũng cần tận dụng một kênh bán hàng ít tốn kém nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc mở rộng thị trường, tìm kiếm khách hàng mới là TMĐT”.

Theo strategy