Hai hãng lớn nhất trên Internet đang thực hiện những bước đi đầy bất ngờ và táo bạo nhưng cùng thể hiện một tham vọng: lôi kéo người sử dụng chia sẻ ảnh càng nhiều càng tốt.
Facebook đang là nền tảng chia sẻ ảnh hàng đầu thế giới, vượt qua tất cả các dịch vụ khác từ Flickr, Picassa cho đến Twiiter, dù chất lượng ảnh của nó không cao. Các thành viên đăng lên Facebook khoảng 250 triệu ảnh mỗi ngày và đây cũng là chức năng được người dùng khai thác nhiều nhất trên mạng xã hội này. Tạp chí Forbes tin rằng, nếu một ngày nào đó, một dịch vụ khác chiếm mất ngôi vị số một về ảnh số, Facebook chắc chắn sẽ lao đao.
Do đó, việc Facebook bỏ tiền tỷ ra để mua lại một ứng dụng chỉ hoạt động trên iPhone và Android cũng là điều dễ hiểu. Không những thế, họ còn tự phát triển một công cụ với chức năng không khác Instagram là bao: Facebook Camera. Cả hai cùng cung cấp các bộ lọc để tạo các hiệu ứng cho ảnh, chẳng hạn khiến nó nghệ thuật hơn, hoài cổ hơn hay trông ảo ảnh hơn.
Mạng xã hội vừa trở thành công ty có giá trị 100 tỷ USD này hiểu rằng họ không thể yên tâm tận hưởng dù đã có tới 900 triệu người sử dụng. Facebook được cho là đang đàm phán mua lại Face.com – dịch vụ nhận diện khuôn mặt có thể tự động tag (đính tên) những người trong ảnh của một công ty Israel.
Trong khi đó, Google cũng khẳng định mạng xã hội là một trong những chiến lược phát triển quan trọng. Nhưng nếu Google Plus là nỗ lực duy nhất nhằm đối đầu với Facebook thì hãng này sẽ gặp khó khăn chồng chất. Google+ đã đáp ứng gần như mọi thứ mà Facebook cũng có, thậm chí còn thêm vài tính năng tốt hơn nhưng vẫn không đủ để thay đổi thói quen người dùng.
Thói quen người dùng là lợi thế của mạng xã hội này thì sẽ là bất lợi của mạng xã hội khác. Nếu không tạo được sự mới mẻ thôi thúc người ta muốn khám phá thì một dịch vụ tốt hơn đối thủ thôi là không đủ. Điều này có thể thấy rõ qua việc dịch vụ chat Yahoo Messenger vẫn thịnh hành ở VN dù nhiều công cụ khác được đánh giá cao hơn như Skype. Google hiện nay giống như một quán ăn đẹp trong thị trấn với quầy bar phong phú, thực đơn đa dạng, chiếc ngồi thoải mái, nội thất trang trí đẹp mắt. Tuy nhiên, người ta chỉ thi thoảng điểm qua vì họ và bạn bè đã quen với “quán ruột” gần đó.
Một lãnh đạo Google thừa nhận ảnh số chính là nguồn sống của Google+. Và họ đã có một thứ, ra đời từ phòng thí nghiệm tối mật X Lab, để khiến Facebook phải lo lắng: kính Project Glass mà tạp chí New York Times ví như vũ khí trong phim Kẻ hủy diệt (Terminator). Thiết bị này về lâu dài sẽ được bổ sung tính năng để trở thành một smartphone. Còn hiện nay nó cho phép chụp ảnh, quay video theo một cách khác thường. Hãy thử hình dung bạn đang làm việc gì đó trên máy tính, điện thoại và muốn khoe điều đó với bạn bè. Bạn không phải tìm tripod (giá đỡ) để cố định máy quay, hay loay hoay một tay giữ camera còn tay kia thao tác trên màn hình, hoặc bạn cũng không cần nhờ đến người thứ hai quay giúp nữa. Với Project Glass, bạn thoải mái thao tác trên thiết bị trong khi cặp kính trên mắt ghi lại mọi hoạt động.
Thú vị hơn, Google Glass thể hiện sát nghĩa đen của mạng xã hội nhất: chia sẻ thế giới qua con mắt bạn thay vì qua ống kính điện thoại hay máy ảnh (dù thực chất nó cũng vẫn là một camera). Nói cách khác, Google Glass mang đến cảm giác lạ và hấp dẫn hơn việc chia sẻ ảnh như trên Facebook hiện nay.
Chuyên gia phân tích Robin Sloan đặt vũ khí của Facebook và Google cạnh nhau: Instagram/Camera so với Project Glass và nhận ra sự khác biệt tương ứng ở đây là: Hình ảnh so với Tầm nhìn. Nói cách khác, Facebook đang cố gắng nâng cấp và mang đến cho người sử dụng những tiện ích tốt nhất mà họ có. Trong khi Google hướng tới mục tiêu xa hơn và có phần viển vông hơn là thay đổi cách con người tương tác.
Trong tương lai, khi Google Glass có thêm khả năng gửi tin nhắn, thực hiện cuộc gọi, chỉ đường, nó sẽ còn đe dọa cả iPhone. Không ai phủ nhận iPhone đang là vua trong thế giới điện thoại, nhưng mỗi sản phẩm không thể mãi ngự trên đỉnh cao mà rồi cũng sẽ có lúc đi xuống. Nếu thành công, Project Glass sẽ là “điều tuyệt vời tiếp theo” ở thời kỳ hậu iPhone.
Theo strategy