Nắm bắt cơ hội với Internet

Cùng với sự tăng trưởng của internet, nhiều doanh nghiệp (DN) đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, biến nó thành kênh kinh doanh hiệu quả. Có thể nói đây là kênh quảng bá và tiếp thị toàn cầu với chi phí thấp. Nhất là trong lúc kinh tế khó khăn, thương mại điện tử càng có ý nghĩa, bởi nó tiết giảm được nhiều chi phí như việc thuê cửa hàng, mặt bằng, nhân viên phục vụ… DN cũng không cần xuất ngoại mà vẫn có được khách hàng nước ngoài.

Bùng nổ “chợ ảo”!
Hiện nay, có thể thấy việc mua bán hàng hóa qua mạng trở nên phổ biến với các hình thức website DN, quảng cáo, forum, sàn giao dịch… Các sản phẩm được rao bán ở chợ ảo này cũng rất phong phú như vé máy bay, điện thoại di động, laptop, thiết bị điện tử, quần áo, thời trang…
Việc mua sắm trên mạng có ưu điểm là tiết kiệm được khá nhiều thời gian bởi chỉ cần bấm nút chọn sản phẩm là hàng được giao tận nơi. Hoặc trong tích tắc, người mua có thể so sánh được giá cả của cùng một mặt hàng tại rất nhiều nguồn cung cấp khác nhau, từ đó chọn được sản phẩm có giá rẻ nhất nhưng chất lượng phù hợp. Điều này có ý nghĩa là trong lúc khó khăn, người tiêu dùng rất cân nhắc về giá cả khi mua hàng.

Về phía DN, cùng lúc có nhiều khách hàng, thay vì phải tốn kém một khoản lớn cho việc giới thiệu, quảng bá. Còn nhà cung cấp thì cũng sống được nhờ vào các khoản chi phí chiết khấu từ DN.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển cũng đặt ra nhiều vấn đề về quản lý chất lượng sản phẩm cũng như rào cản tâm lý của khách hàng. Bởi thực tế, không phải ai cũng có niềm tin vào các trang web bán hàng qua mạng. Có khá nhiều trường hợp người tiêu dùng mua phải sản phẩm có chất lượng không đúng như quảng cáo hay gặp phải rắc rối trong thanh toán.
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó tổng thư ký Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, rào cản lớn hiện nay là tâm lý người tiêu dùng, do có một số người lợi dụng hình thức kinh doanh này để làm chuyện không đúng đắn.
Tuy đã có Luật Bảo vệ người tiêu dùng, nếu mua nhầm hàng không đúng chất lượng thì người mua có quyền trả lại và khiếu nại, nhưng ít người thực hiện vì mất thời gian. Cho nên, khi mua phải hàng không chất lượng, họ tẩy chay việc mua hàng qua mạng.

Theo ông, bên cạnh nỗ lực của DN, bản thân người tiêu dùng cần có sự hiểu biết để tránh cảnh “tiền mất tật mang”, cụ thể là cần tham khảo những website được các bộ ngành cấp phép, hoặc tìm các công ty có thương hiệu và địa chỉ rõ ràng…
DN xuất khẩu nhạy bén với thương mại điện tử
Theo thống kê từ Trung tâm Internet Việt Nam, đến tháng 2/2012, lượng người sử dụng Internet đã đạt 30,8 triệu người. Như vậy là chiếm 35,26% dân số và trên mức trung bình của thế giới.

Sự tăng trưởng của internet kéo theo sự chuyển biến của nhiều DN về phương thức tiếp cận khách hàng hay quảng bá thương hiệu tới người tiêu dùng. Theo khảo sát của Bộ Công Thương năm 2011 trên 2.000 DN trong cả nước, Việt Nam có trên 94% DN vừa và nhỏ và 100% DN này đều ứng dụng Internet.
Mới đây, website của Công ty Thương mại điện tử – đấu giá trực tuyến Alibaba.com đã chào đón thành viên thứ 200.000. So với hơn 600.000 DN đang hoạt động hiện nay, đây là con số ấn tượng, thể hiện sự nhạy bén của DN Việt Nam trong việc ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất khẩu.

Ông Trần Đình Toản, Phó tổng giám đốc Công ty OSB – Đại lý ủy quyền của Alibaba.com tại Việt Nam chia sẻ : “Sự kiện đạt mốc 200.000 thành viên Việt Nam đánh dấu một bước phát triển vượt bậc về nhận thức và tính sẵn sàng của cộng đồng các DN xuất nhập khẩu Việt Nam trong ứng dụng thương mại điện tử. Nếu như phải mất 10 năm (1999-2009) để đạt được mốc 100.000 thành viên thì chỉ chưa đầy 3 năm sau chúng tôi đã thu hút thêm 100.000 thành viên Việt Nam mới tham gia”.
Như vậy, với ưu thế về hạ tầng internet và lực lượng lao động trẻ, nhanh nhạy về công nghệ thông tin, Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ cho việc phát triển kinh doanh online.

Nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay, kênh giao dịch trực tuyến đang đóng vai trò quan trọng khi vừa đáp ứng được mục tiêu tối ưu hóa quảng bá, vừa giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Theo strategy