SMS Marketing – Chống chọi với nạn spam

Doanh nghiệp làm dịch vụ SMS Marketing đang phải “chống chọi” với tin nhắn rác cùng cái nhìn thiếu thiện cảm từ người dùng.
Hiện nay Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao điện thoại di động, xếp thứ 17 trên thế giới và thứ hai ở khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, người dùng có thói quen sử dụng điện thoại gần như suốt cả ngày, kể cả trong lúc làm nhiều công việc khác. Những yếu tố trên được xem là cơ hội cho các doanh nghiệp kinh doanh SMS Marketing (quảng cáo qua tin nhắn). Tuy nhiên, cơ hội này chỉ thực sự rõ ràng và có lợi nếu như dẹp loạn được tin nhắn rác.

Mất tín vì nạn spam
SMS Marketing đang trở thành một xu hướng quảng cáo hiệu quả cao, được nhiều doanh nghiệp trên thế giới tin dùng. Theo một số nghiên cứu, có khoảng 90% các thương hiệu trên thế giới đang và đã tiến hành quảng cáo thương hiệu, sản phẩm của mình thông qua SMS Marketing. Trong khi đó, nếu so sánh với quảng cáo bằng các hình thức khác thì doanh nghiệp thường mất thời gian khá dài và chi phí phải bỏ ra nhiều hơn.
Mặc dù còn khá mới nhưng ngành SMS Marketing cũng thu hút được sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Có không ít doanh nghiệp dù mới thành lập đã thu hút được khách hàng là những thương hiệu lớn.
Ông Vũ Hoàng Tâm, Giám đốc Công ty HHT, một doanh nghiệp đang triển khai nhiều dịch vụ SMS Marketing cho các thương hiệu lớn như Samsung, Coca-Cola, BMW, Heineken… cho biết SMS Marketing là một thị trường tiềm năng lớn, có khả năng thu hút nhiều khách hàng. Hiện nay có rất nhiều đối tác cần triển khai các dịch vụ SMS Marketing như làm chiến dịch truyền thông, tin nhắn thay thẻ bảo hành, bán hàng qua mạng, khuyến mãi sản phẩm… Rõ nhất hiện nay là phần lớn trong khoảng 90 ngân hàng ở Việt Nam, ngoại trừ VietinBank, cần thuê các hệ thống SMS Marketing để thực hiện các thao tác giúp khách hàng kiểm tra tài khoản và thông báo tiền gửi.
Thế nhưng ngành kinh doanh SMS Marketing lại đang bị lẫn lộn và mang tiếng xấu bởi nạn tin nhắn rác. Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh SMS Marketing cho rằng: “Nguyên nhân là một số doanh nghiệp khi triển khai mô hình SMS Marketing chỉ thấy lợi trước mắt nên đi mua bán, thu thập thông tin cá nhân vô tội vạ, không chọn lọc đối tượng. Họ đem bán thông tin cá nhân khắp nơi hoặc là spam tin về phía người dùng, bất chấp nhu cầu của họ. Bên cạnh đó, nạn tin nhắn lừa đảo do kẻ xấu lợi dụng SIM khuyến mãi để lừa người dùng cũng góp phần gây hiểu nhầm về SMS Marketing”.
Các chuyên gia công nghệ phân tích SMS Marketing ở Việt Nam đang trở thành con dao hai lưỡi khi một số doanh nghiệp lợi dụng cài đặt tin nhắn rác gây ra phản cảm. Tệ hại hơn là điều này đã khiến người dùng bắt đầu nghĩ SMS Marketing là lừa gạt, hay chỉ là spam bằng tin nhắn rác.

SMS Marketing không xấu
Ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc khối Admarket của Admicro thuộc Công ty Truyền thông Việt Nam, cho rằng thực chất những tin nhắn quảng cáo sẽ trở nên hữu ích nếu đánh đúng vào nhu cầu của người dùng. Chẳng hạn tin nhắn mà các nhà mạng thường gửi như thông báo khuyến mãi, mở dịch vụ mới… thường rất được thuê bao điện thoại di động quan tâm. Các dịch vụ khác như mua chung, bán các gói sản phẩm, thông tin khuyến mãi của mỹ phẩm, chúc mừng sinh nhật khách hàng… cũng là hình thức SMS Marketing được người dùng đón nhận.
“Trước nhiều khó khăn hiểu lầm, doanh nghiệp kinh doanh SMS Marketing chính thống phải chọn các giải pháp thận trọng hơn, nắm thông tin chính xác liên quan đến từng đối tượng khách hàng. Bởi nếu một ngày tôi nhận 10 cái tin quảng cáo về máy bay mà tôi không quan tâm đến nó lắm thì không hiệu quả. Làm sao khi khách hàng đọc tin nhắn thì trong tin nhắn phải có những thứ khiến họ quan tâm. Đầu tiên là tên thương hiệu quen thuộc, nội dung tin hấp dẫn và hướng trực tiếp đến người nhận. Ngoài ra, cách gửi tin nhắn phải hợp với văn hóa chứ không chiều theo ý của đối tác kinh doanh kiểu “tôi muốn gửi cái này cái kia”. Phải đảm bảo cả ba bên cùng có lợi SMS Marketing mới không gây phản cảm” – ông Tuấn chia sẻ.
Còn ông Vũ Hoàng Tâm, Giám đốc Công ty HHT, cho biết để chống chọi với nạn tin nhắn rác, HHT chọn hẳn các đầu số theo tên doanh nghiệp hay các đầu số mà doanh nghiệp quy định. Ví dụ, một doanh nghiệp công nghệ thì chỉ lấy cơ sở khách hàng của họ. Bên cạnh đó, đầu số phải gắn hẳn với thương hiệu của doanh nghiệp đối tác để tránh nhầm lẫn. “Trước áp lực từ tin nhắn rác, chúng tôi chọn các giải pháp tổ chức hội thảo nhiều hơn để các doanh nghiệp kinh doanh lẫn người dùng đều hiểu hơn về SMS Marketing” – ông Tâm nói thêm.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng chuyện mất thiện cảm với SMS Marketing hiện chỉ có ở Việt Nam và một số nước có nhiều người sử dụng SIM điện thoại kiểu tràn lan. Các nước tiến bộ quản lý thuê bao rất chặt, thường mỗi người một SIM điện thoại, mỗi tin nhắn nhà mạng đều kiểm soát rất chặt và hoàn toàn có thể xử lý tin nhắn rác. Vì thế SMS Marketing ở các nước trên mới có điều kiện phát triển hiệu quả theo hướng đúng đắn.

Sẽ hết tin nhắn rác
SMS Marketing sẽ bùng phát sau khi nạn tin nhắn rác được quản lý tốt hơn nhờ các quy định chặt chẽ, hợp lý của Nhà nước. Bên cạnh đó, SMS truyền thống dần bị cạnh tranh, thay thế bằng quảng cáo dạng phần mềm ứng dụng (app) hay phần mềm nghe nhạc, game… phục vụ cho smartphone tăng lên. Đặc biệt, dịch vụ tin nhắn miễn phí trên Internet thông qua các phần mềm như Viber, Tango… phát triển cũng góp phần làm giảm vấn nạn tin nhắn rác.

Theo Bá Huy