Quảng cáo trực tuyến – cơ hội đón đầu và kỳ vọng

Dù chưa đem lại nguồn thu lớn cho các nhà kinh doanh nhưng quảng cáo trực tuyến đang là xu hướng phát triển được nhiều doanh nghiệp kỳ vọng bởi cộng đồng truy cập Internet đang tăng nhanh và rất năng động trong việc truyền bá thông tin.

Theo tìm hiểu của người viết, giá đặt các thanh quảng cáo (banner) trên các báo mạng trong vòng 1 tháng tương ứng với giá 1 trang quảng cáo một kỳ trên báo giấy ở các tờ báo hàng đầu trong nước, tức khoảng 30-50 triệu đồng. Khách hàng quan trọng của các trang web hiện là các công ty lớn thuộc lĩnh vực như sản xuất ôtô, địa ốc, ngân hàng, các sản phẩm viễn thông và CNTT… Tuy nhiên, mật độ quảng cáo dưới hình thức này vẫn còn khá khiêm tốn.

Tích cực đón đầu
Về lý thuyết, thị trường quảng cáo trực tuyến tăng trưởng tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển Internet. Thế nhưng, trên thực tế ở Việt Nam loại hình dịch vụ này phát triển khá chậm và manh mún, dù lượng người truy cập Internet đã tăng nhanh trong vài năm gần nay. Hình thức quảng cáo trên mạng được xem là dễ dàng thu hút người đọc đến với các trang web để tìm hiểu sâu hơn về sản phẩm, dịch vụ doanh nghiệp… Nhưng trong thực tế, đa số doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với loại hình quảng cáo này.
Có thể dễ dàng nhận thấy điều đó khi mà doanh thu quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam năm 2005 chỉ khoảng 60 tỷ đồng, tương đương 0,5% tổng giá trị thị trường quảng cáo trong nước và chủ yếu thuộc về các tờ báo mạng hàng đầu như VnExpress, VietNamNet, Thanh Niên Online, Tuổi Trẻ Online… còn các trang quảng cáo trực tuyến chuyên nghiệp chưa tạo được những chuyển biến hay thay đổi đáng kể trên thị trường…
Cũng chính vì sức hút của thông tin mà xuất hiện xu hướng các trang quảng cáo trực tuyến dần dần biến thành các trang web thông tin khá phong phú và hữu ích, nhiều trang web đã phát triển thành báo mạng hoặc xuất bản báo giấy để tạo sức cộng hưởng, thu hút nguồn quảng cáo. Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra là bản quyền. Các nhà kinh doanh sẽ phải đối mặt với vấn nạn bản quyền nếu không khai thác nguồn thông tin hợp pháp.
Nắm bắt xu hướng phát triển của quảng cáo trực tuyến, nhiều công ty thương mại điện tử đã mở rộng sang lĩnh vực này và xem đó là một chiến lược dài hạn. Bên cạnh nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử đã được biết đến lâu nay, có hàng loạt trang web quảng cáo trực tuyến ra đời. Họ tung ra các dịch vụ với giá rẻ để thu hút cộng đồng truy cập, mức giá khá thấp như duy trì logo hàng năm trên dưới 300.000 đồng, 10-20 triệu đồng để duy trì các banner hoặc cho phép mở những gian hàng miễn phí thời gian đầu.
Tuy nhiên dù có dự báo lạc quan về quảng cáo trực tuyến nhưng do vẫn còn hạn chế trong việc ứng dụng CNTT nên doanh nghiệp ở Việt Nam vẫn chưa quen với hình thức quảng cáo mới này. Và đó là khó khăn lớn nhất trong việc tiếp cận khách hàng và cũng như nguyên nhân khiến quảng cáo trực tuyến Việt Nam chưa được nâng lên tầm tương xứng. Việc tạo thương hiệu trên mạng đang là xu hướng. Tuy nhiên, xu hướng này vẫn chưa phổ biến vì môi trường thương mại điện tử ở Việt Nam còn khá hạn hẹp. “Việc kinh doanh hiện nay chủ yếu là “tập” cho doanh nghiệp quen dần với việc quảng cáo trực tuyến với kỳ vọng mở rộng thị trường”
Theo ông Phan Minh Tâm Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần quảng cáo trực tuyến, đơn vị quản lý trang web 24h.com.vn, thị trường quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển đúng nghĩa và còn rất sơ khai, các trang web sống được nhờ quảng cáo còn rất ít. “Các doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức đến thị trường này, trong khi công nghệ quảng cáo trực tuyến của Việt Nam còn lạc hậu, nhận thức và lòng tin khách hàng đối với hình thức quảng cáo này ở mức thấp. Vì thế khó khăn thuyết phục khách hàng về tính hiệu quả của nó”, ông Tâm nói: “Để thay đổi điều này cần có thời gian và chi phí lớn cùng với nỗ lực của những nhà kinh doanh trong việc nâng cao nhận thức của khách hàng”.
Kỳ vọng còn xa
Dù còn rất sơ khai nhưng quảng cáo trực tuyến đã chứng tỏ được rất nhiều ưu điểm như chi phí thấp, tính tương tác cao và cộng đồng sử dụng năng động trong việc truyền bá thông tin. Chính vì vậy, quảng cáo trực tuyến đang trở thành một đối thủ của các loại hình quảng cáo khác. Tính đến cuối tháng 12/2008. Việt Nam đã có 20 triệu người sử dụng Internet, tương đương với 23%% dân số tiếp cận với mạng thông tin. Con số này dự báo sẽ còn tăng cao và do đó sẽ trở thành tiêu điểm của những nhà kinh doanh, cung cấp dịch vụ nhắm đến từ loại hình này.
Môi trường Internet sẽ tăng thêm giá trị khi có nhiều người cùng tham gia và lan tỏa nhanh chóng hơn. Ví dụ, quảng cáo trực tuyến ở Mỹ năm 2005 bằng khoảng 4% so với quảng cáo truyền thống. Điều này có nghĩa là nó tác động đến thông tin truyền thống, người tiêu dùng sẽ chuyển từ cách thu nhập thông tin và tương tác với cộng đồng, đồng thời cũng chia sẻ các nguồn dữ liệu trên mạng sang phương thức chủ động tìm kiếm thông tin trên mạng và tải về máy tính của họ. Đây sẽ là cơ sở kết nối các thị trường mà nếu không quan tâm, các doanh nghiệp sẽ bỏ qua nguồn quảng cáo hữu ích này.
Tuy nhiên, để tạo được sự chủ động trong tìm kiếm thông tin của người sử dụng, các nhà kinh doanh quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm. Các phương thức truyền tải hiện còn quá lạc hậu, tính tuyên truyền chưa cao để các doanh nghiệp sẵn sàng đưa quảng cáo trực tuyến vào chiến lược tiếp thị, mặc dù kênh truyền thông mới được xem là có ưu điểm vượt trội. Đặc biệt là chưa có nhiều sàn quảng cáo trực tuyến chuyên nghiệp đủ tạo được sức hút đối với cộng đồng truy cập ngoài một vài tờ báo điện tử.
Nhìn chung các loại hình quảng cáo trực tuyến ở Việt Nam hiện còn đơn điệu, chủ yếu bằng các banner, logo, pop-up (màn hình riêng), video. Trong khi đó, nhiều công nghệ quảng cáo có hiệu quả chưa được phổ biến như điều tra trực tuyến, các tập tin âm thanh, hình ảnh truyền phát, quảng cáo bằng các nội dung đa phương tiện, lồng ghép nội dung; các thống kê để đo lường hiệu quả quảng cáo cũng mới chỉ dừng lại ở chỉ số truy cập… Những dịch vụ quảng cáo trực tuyến của Việt Nam, vì vậy còn có một khoảng cách rất xa so với thế giới khi mà nguồn thu chính của hình thức này ở các quốc gia phát triển chủ yếu từ các dịch vụ tìm kiếm mang lại.
Ngành công nghiệp Internet trong tương lai ngày càng thách thức các nhà cung cấp dịch vụ xuất bản truyền thống và tác động lên ý thức của các nhà kinh doanh. “Đối với Việt Nam, thách thức ở thời điểm hiện tại còn nhỏ, nhưng vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp cần thay đổi quan niệm kinh doanh để sẵn sàng theo kịp các xu hướng phát triển của nền công nghệ mới”.

Theo marketing.24h.com.vn