Trong bối cảnh khủng hoảng của nền kinh tế toàn cầu hiện nay, các chi tiêu và hoạt động thương hiệu dường như bị doanh nghiệp cắt giảm và thậm chí bỏ qua, hy sinh cho các vấn đề thời sự khác của doanh nghiệp. Thực tế, xây dựng thương hiệu là một quá trình bền bỉ và không ngắt quãng, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn, doanh nghiệp càng cần phải chú trọng bảo vệ hình ảnh của mình trên thương trường nhằm gia tăng tính cạnh tranh, thể hiện bản lĩnh kinh doanh và tạo niềm tin cho đối tác, khách hàng, cán bộ nhân viên…
Trong bài viết này, tác giả đề cập đến việc tận dụng chính những nguồn lực sẵn có của mình để duy trì và làm nổi bật thương hiệu.
Phần lớn các doanh nghiệp đều cho rằng câu chuyện thương hiệu liên quan đến vấn đề chi phí, là câu chuyện của “nhà giàu”, là hình ảnh quảng bá với cộng đồng bên ngoài bằng những hoạt động quảng cáo, giao tế… Thực tế, câu chuyện xây dựng thương hiệu còn đến từ chính trong các hoạt động nội bộ doanh nghiệp.
Lý giải quan điểm này, ông Nguyễn Hoàng Thắng – Chuyên gia tư vấn của Công ty Cổ phần Phát triển doanh nghiệp Việt nam (BRANDKEY) cho biết: “Thời buổi kinh tế khó khăn, người lao động bị dao động trước những khó khăn của doanh nghiệp và cũng muốn tìm những cơ hội tốt hơn, việc truyền thông nội bộ tốt sẽ tạo niềm tin và sự hứng khởi cho nhân viên làm việc tốt hơn và có sự cống hiến, gắn kết với doanh nghiệp. Nhân viên là hình ảnh đầu tiên của doanh nghiệp tiếp xúc với khách hàng, đối tác hay cộng đồng xã hội. Một nhân viên luôn tự tin khi nói về công ty của mình sẽ để lại ấn tượng tin cậy vào tổ chức đó và có hiệu ứng thực sự tích cực. Từ văn hoá của một nhân viên người ta có thể nhận diện ra văn hoá một doanh nghiệp, nhận ra giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp mang lại cho nhân viên và cho chính cộng đồng xã hội. Nói cách khác, không kênh thông tin nào tốt cho thương hiệu của doanh nghiệp bằng chính nhân viên của doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Thắng, quan hệ nhân sự nhiều khi không phải là việc cất nhắc chức vụ hay những khoản lương, thưởng lớn mà có thể chỉ là một câu nói động viên, khích lệ, sự cùng chia sẻ với nhân viên những khó khăn của công ty, về hoàn cảnh gia đình, về lý tưởng sống hoặc là những khóa đào tạo do công ty tự tổ chức và diễn giả là lãnh đạo doanh nghiệp. Một nhân viên có thể có cơ hội thăng tiến với những khoản lương bổng hậu hĩnh ở doanh nghiệp khác nhưng họ sẽ không lựa chọn cơ hội làm việc mà chỉ biết vắt kiệt sức lao động, nhận lương và đi về. Thứ mà nhiều lao động hiện nay hướng đến đó là sự chia sẻ, bởi một người lao động bình thường đã gắn bó cả ngày với công việc, với đồng nghiệp nếu không có sự chia lửa, không có sự trân trọng thì sẽ rất khó để tiếp tục vượt qua những khó khăn của cuộc sống.
Trong lúc thị trường khó khăn, khủng hoảng, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao, các doanh nghiệp thiếu hợp đồng, thiếu nguồn thu, và phải cạnh tranh khốc liệt với các đối thủ. Doanh nghiệp cũng phải viện đến các biện pháp “thắt chặt chi tiêu”, thu quy mô gọn lại. Sau những quyết định cắt giảm để tiết kiệm tối đa các chi phí, nhiều doanh nghiệp kể cả những doanh nghiệp lớn chọn lựa phương thức cắt giảm nhân sự để có thể tiết kiệm hơn. Chuyện cắt giảm nhân sự không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp nhỏ trong nước mà kể cả những doanh nghiệp được coi là “mạnh về gạo, bạo về tiền” cũng phải đi đến những quyết định cắt giảm từ 10-20% nhân sự để có thể bảo toàn lực lượng còn lại và duy trì hoạt động qua cơn khó khăn.
Thị trường đã chứng kiến hàng trăm, hàng ngàn nhân viên kinh doanh, nhân viên môi giới chứng khoán, nhân viên văn phòng bị nghỉ việc với tâm trạng thất vọng về doanh nghiệp và cảm thấy những cố gắng của mình không được ghi nhận và không nhìn thấy trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người lao động. Những quyết định cắt giảm nhân sự như thế hoàn toàn mang tính chất quan hệ lao động giữa chủ và người làm thuê mà không tính toán đến những ràng buộc khác của người lao động như việc họ sẽ đi đâu, làm gì để duy trì cuộc sống khi bị mất việc, chưa kể đến gánh nặng gia đình, cơm áo gạo tiền mà mỗi người đều phải duy trì hàng ngày. Hình ảnh thân thiện, trân trọng người tài mà các doanh nghiệp muốn giới thiệu với người lao động trong ngày đầu tuyển dụng đã bị lung lay. Việc sa thải một nhân viên không chỉ là chuyện một người phải nghỉ việc, doanh nghiệp bớt đi một khoản chi, nếu nhìn xa trông rộng hơn thì hình ảnh doanh nghiệp đã sứt mẻ ít nhiều sau mỗi sự việc như vậy.
Có thể nói, thời kỳ khủng hoảng vừa là thách thức, khó khăn nhưng cũng là cơ hội tốt cho những người làm công tác quản trị nói chung và làm thương hiệu nói riêng. Thay vì dừng hoặc cắt giảm các kế hoạch phát triển cho nhân viên, vốn là những điểm cốt lõi của chuỗi giá trị cho chiến lược phát triển mạnh và bền vững của các doanh nghiệp, những người đứng đầu doanh nghiệp nên tiếp tục tạo niềm tin cho nhân viên, tạo cho nguồn nhân lực của doanh nghiệp có sự tin tưởng, hứng khởi để làm việc, truyền được lửa nghề nghiệp trong mỗi trái tim nhân viên, biến mỗi nhân viên thành một kênh thông tin cho doanh nghiệp, đó cũng chính là cách để xây dựng thương hiệu và phát triển thương hiệu. Một nhãn hiệu tốt được xây dựng trên niềm tin của những người tiêu dùng và niềm tin ấy được truyền đến từ chính những nhân viên của doanh nghiệp.
Theo bansacthuonghieu.com