Theo ông Hồ Quốc Thịnh- Giám đốc Maketing Công ty TNHH Bia Huế: Đây là tin đồn ác ý, với động cơ hạ thấp uy tín thương hiệu bia Huda Huế, phá hoại môi trường kinh doanh lành mạnh. Khi vừa bị “dính” tin đồn (cách đây 3 tháng), sản lượng tiêu thụ bia Huda Huế trên thị trường Quảng Trị (là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất của tin đồn) đã giảm nghiêm trọng.
“Cũng may là người tiêu dùng khá tỉnh táo, sau một thời gian kiểm chứng thấy thông tin không đúng, đã quay trở lại với bia Huda Huế”- ông Thịnh nói.
“Thiệt hại của vụ tin đồn này khá lớn, tuy nhiên, bài học để lại cho Bia Huế vô cùng quý giá. Một trong những kinh nghiệm xương máu mà Bia Huế mong muốn chia sẻ là: Luôn đề phòng và cảnh giác cao với các kiểu cạnh tranh không lành mạnh!” – ông Thịnh cho biết thêm.
Theo tiếng nói từ phía doanh nghiệp, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn một số hạn chế, đã tạo “mầm mống” cho các doanh nghiệp bỏ qua các quyền lợi của người tiêu dùng, tiến hành các hoạt động cạnh tranh không lành mạnh. Vì vậy để Luật thực sự đi vào cuộc sống và phát huy hiệu quả, các nhà quản lý cần sớm nghiên cứu để hoàn thiện Luật.
Hiện nay, các hành vi cạnh tranh không lành mạnh chính là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường. Các cơ quan chức năng cần có chế tài và hình thức xử lý mạnh hơn để răn đe các DN thiếu tôn trọng khách hàng, cạnh tranh bằng những chiêu thức không lành mạnh.
Bên cạnh đó, vai trò của các hiệp hội, hội cần được phát huy tích cực hơn nữa. Khi có các sự cố xảy ra, hiệp hội, hội sẽ có kênh thông tin một cách khách quan, trung lập về các sự việc, giúp công chúng có cái nhìn đúng về bản chất sự việc.
Từ tình trạng xuất hiện các tin đồn, cạnh tranh không lành mạnh, nhìn rộng ra toàn ngành chế biến thực phẩm, ông Nguyễn Phương Nam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết: Do mức độ cạnh tranh cao cho nên thị trường cũng tiềm ẩn các hành vi cạnh tranh không lành mạnh để loại bỏ đối thủ khỏi một số thị trường nhất định.
Theo dõi của Cục Quản lý cạnh tranh cho thấy có các hành vi cạnh tranh không lành mạnh như: Gây rối hoạt động của doanh nghiệp khác; quảng cáo nhằm cạnh tranh không lành mạnh; chỉ dẫn gây nhầm lẫn…
Để bảo đảm môi trường cạnh tranh trong ngành chế biến thực phẩm, Cục Quản lý cạnh tranh khuyến nghị các doanh nghiệp tăng cường tuân thủ pháp luật, đặc biệt là pháp luật cạnh tranh (tố giác doanh nghiệp vi phạm pháp luật cạnh tranh…) để tự bảo vệ mình cũng như bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp.
Theo Hà Nội mới.