Khó khăn để tìm thương hiệu nông sản xuất khẩu

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, có tới 90% lượng hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới dạng thô, phải mang thương hiệu nước ngoài. Các giao dịch mua bán vẫn diễn ra theo phương thức truyền thống.

10% mang thương hiệu Việt
Thương hiệu không chỉ thuần tuý là dấu hiệu nhận biết và phân biệt sản phẩm và doanh nghiệp mà quan trọng hơn là tạo dựng hình ảnh đẹp, bền vững về sản phẩm, về doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng và công chúng. 
Vì thế, hoạt động xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ dừng lại ở việc thiết lập được một hệ thống nhận diện thương hiệu hoàn chỉnh (có thể gồm tên thương hiệu, logo, khẩu hiệu…) Điều quan trọng trong xây dựng thương hiệu là phải tạo ra và cung cấp ra thị trường những sản phẩm thỏa mãn cả nhu cầu thực dụng và nhu cầu mở rộng của người tiêu dùng, tạo dựng giá trị cá nhân cho người tiêu dùng. 
Soi vào thực tế hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thì sao? Chỉ cần dẫn chứng ngay câu chuyện hạt cà phê đen Việt Nam. Việt Nam tự hào có cà phê Buôn Ma Thuật, có cà phê Đắc Lắk nhưng năm 2011, ngành cà phê nước nhà điêu đứng vì nhận ra thương hiệu café hàng đầu thế giới “Buôn Ma Thuột” đã bị đăng ký nhãn hiệu bảo hộ ở Trung Quốc.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam – Nguyễn Duy Lượng cho biết: với phần lớn các loại nông sản tiềm năng, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. 90% nông sản xuất khẩu chỉ ở dạng thô, sau khi nhập về các DN nước ngoài chế biến và sử dụng tên, thương hiệu của họ. Ngay cả gạo là sản phẩm xuất khẩu đứng đầu thế giới, vẫn chưa có thương hiệu. 
Đứng ở cương vị sản xuất, ông Vũ Đình Bác – Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) khẳng định, thực trạng trên là có thật. “Từ nhiều năm nay, bà con phải xuất khẩu vải tươi nên khi sang một số nước lân cận, họ chỉ cần qua vài công đoạn sơ chế, bóc vỏ, đóng gói, dán nhãn với thương hiệu khác là có thể bán với giá cao hơn nhiều lần”. 
Vì lẽ đó mà sản lượng nông sản xuất khẩu của Việt Nam thường rất lớn, nhưng giá thành và lợi nhuận lại rất thấp. Ngay trên thị trường nội địa, hơn 80% nông sản cũng không có nhãn hiệu. Hiện nay, trên thị trường, người bán hàng sẵn sàng thay tên đổi họ xoài Cát Lái, nho Bình Thuận chuyển thành xoài Úc, táo Newzelan, nho Mỹ để bán hàng được dễ hơn, kiếm lời nhiều hơn. 
Gạo Việt Nam đứng đầu thế giới, đó là mục tiêu bao năm qua Việt Nam hướng tới và đã đạt được nhưng ngay trong thị trường nội địa, gạo Việt Nam vẫn phải nhờ mác thơm Nhật, dẻo Hàn Quốc để vào siêu thị, nhà hàng. 
Lâu nay câu chuyện liên kết 4 nhà để nâng cao chuỗi giá trị nông sản Việt Nam vẫn được nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng thật đáng buồn cho nông sản Việt Nam khi chỉ có 10% sản phẩm nông sản của Việt Nam mang thương hiệu Việt. 

Những mặt hàng nông sản tiềm năng cần đăng ký thương hiệu 
Bộ NN&PTNT vừa yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp với các tỉnh, thành phố rà soát những sản phẩm nông sản đã được xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đồng thời xây dựng kế hoạch những mặt hàng nông sản có tiềm năng cần đăng ký thương hiệu.
Nhưng tại sao các DN xuất khẩu nông sản Việt Nam lại không đầu tư xây dựng thương hiệu? Một chuyên gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương chia sẻ: vì các DN của Việt Nam phần lớn chỉ quan tâm đến doanh số và doanh thu bán hàng. Tức là chỉ chăm chăm kiếm lợi từ việc hưởng chênh lệch thu mua – thu bán, mà ít quan tâm đến thương hiệu. Trong khi đó, nếu gắn thương hiệu vào sản phẩm, uy tín sẽ được nâng lên, đồng nghĩa với việc tiêu thụ sản phẩm nhanh, thuận lợi hơn.
Chuyên gia kinh tế độc lập Bùi Kiến Thành cũng khẳng định, Việt Nam có hàng hóa là nông sản, trong khi các nước bạn có thị trường, muốn thu lợi từ xuất khẩu, không đơn thuần là bán cho đối tác hàng thô. Hàng chục ngàn ha cánh đồng dứa từ Tiền Giang đến Đồng Tháp mà không xuất khẩu được, hay như khoai lang và sắn lát đều là những sản phẩm tiềm năng nhưng do không có thương hiệu nên khó bán, khó mua.

Theo Đại đoàn kết