Theo Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến, so với các TTCK phát triển, mức rủi ro của TTCK mới nổi thường cao nhưng bù lại, NĐT có thể đặt ra mức lợi tức kỳ vọng lớn.
Ths. Nguyễn Thị Phương Luyến – Phó chủ nhiệm bộ môn Chứng khoán – Học viện Ngân hàng, trả lời phóng viên TBNH.
Thị trường chứng khoán (TTCK) vừa qua có nhiều thời điểm chịu sự ảnh hưởng của dòng vốn ngoại. Có nguy hiểm nào ở đây hay không?
Quan sát thị trường có thể nhận thấy khi các nhà đầu tư (NĐT) trong nước bán ròng thì NĐT nước ngoài thường tranh thủ mua vào sau một vài phiên và vì vậy thị trường có thể bật xanh trở lại. Sau đó, khối này sẽ dần dần chốt lời. Còn khi khối ngoại bán ròng chứng khoán thì thị trường giảm điểm sâu hơn và thường phục hồi chậm. Như vậy, các NĐT trong nước chịu ảnh hưởng không nhỏ trước những động thái của NĐT nước ngoài. Diễn biến thị trường thời gian gần đây cho thấy rõ điều này.
Có những quan điểm trái chiều về ảnh hưởng của NĐT nước ngoài lên TTCK Việt Nam. Nhưng theo tôi, khi kinh tế khó khăn, vốn của các NĐT nội trở nên khan hiếm hơn, lượng vốn đổ vào thị trường bị hạn chế và kỳ vọng với thị trường cũng không như trước đây. Khối ngoại bán ròng, chuyển hướng đầu tư làm lòng tin với thị trường càng lung lay. Đó là vấn đề tâm lý, đặc biệt ở những NĐT cá nhân. Vì vậy, khi tham gia thị trường, để tránh thua thiệt thì các NĐT trong nước cần cân bằng với NĐT nước ngoài về vốn và trí tuệ, hay hiểu biết về đầu tư…
Tuy nhiên, khi quy mô thị trường phát triển đến mức độ nhất định, nếu để thị trường chịu ảnh hưởng quá lớn bởi NĐT nước ngoài thì đây là vấn đề không nhỏ đặt ra cho các nhà quản lý. Cuộc khủng hoảng ở Thái Lan năm 1997 là một bài học về hiện tượng đảo chiều các dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Một vấn đề khác là quan ngại những biểu hiện làm giá trên TTCK gần đây. Bà có thể nói gì về ý kiến này?
Hiện tượng làm giá chứng khoán đã được đề cập nhiều trên báo chí, đã có không ít những cá nhân, tổ chức bị xử phạt vì hành vi này. Với các cá nhân, việc làm giá được thực hiện bằng cách mở nhiều tài khoản tại các Công ty chứng khoán (CTCK) khác nhau, tạo ra cung cầu giả. Còn với các CTCK, họ có thể tạo ra cung cầu giả thông qua các tài khoản tự doanh hoặc của NĐT. Họ thường bán sàn để kéo giá xuống rồi sau một thời gian mua liên tiếp đẩy giá lên rồi bán ra với giá cao hơn giá mua vào để thu lợi.
Dù HSX hay HNX, về cơ bản việc làm giá cũng tương tự như nhau. Nhưng, việc làm giá trên HNX đơn giản hơn do quy định giao dịch và khối lượng chứng khoán giao dịch thường nhỏ.
Trên thực tế, có những cổ phiếu mà thị giá của nó vượt xa giá trị thực. Thời điểm cổ phiếu đó sẽ về với giá trị thực là khi nào?
Là khi đại đa số NĐT không quá kỳ vọng vào sự tăng trưởng và phát triển của một DN, không quá kỳ vọng vào sự tăng giá của cổ phiếu đó thì giá sẽ được điều chỉnh. Vì TTCK là thị trường của lòng tin. Phân tích cơ bản sẽ là cơ sở để xác định giá trị thực của chứng khoán, nhưng thị giá chứng khoán chịu tác động của yếu tố tâm lý.
Với rất nhiều vấn đề của TTCK như vừa phân tích, theo bà vì sao lại có những điểm yếu như vậy?
Không chỉ TTCK Việt Nam mà những TTCK mới nổi đều có nhiều điểm hạn chế. Đứng ở góc độ NĐT, những điểm hạn chế thứ nhất của TTCK Việt Nam thời gian vừa qua là số lượng các cổ phiếu có tính thanh khoản cao chiếm tỷ trọng không nhiều trong số các cổ phiếu được niêm yết ở hai sàn HSX và HNX. Thứ hai, biến động giá của TTCK Việt Nam khá mạnh so với các TTCK khác. Đây là cơ hội nhưng cũng là rủi ro cho các NĐT. Trong khi đó, các NĐT còn thiếu công cụ để bảo hiểm rủi ro trong đầu tư (các hoạt động bán khống, giao dịch phái sinh chưa được phép mặc dù nhu cầu thực tế đã xuất hiện).
Ngoài ra, mắt xích kết nối NĐT và thị trường là CTCK còn yếu kém trong quản trị rủi ro và cung cấp dịch vụ đáp ứng được mong muốn của NĐT. Thị trường dường như bị ảnh hưởng mạnh trước các động thái của NĐT nước ngoài. Với những hạn chế đó, các NĐT cá nhân sẽ thận trọng hơn khi tham gia thị trường và thị trường dần dần sẽ dành cho các NĐT chuyên nghiệp và có tổ chức. Đây cũng là xu thế tất yếu trong quá trình phát triển.
Vậy bà có thể nói rõ hơn về mức độ rủi ro của TTCK Việt Nam hiện nay?
Để trả lời một cách thuyết phục câu hỏi này e rằng cần phải có sự phân tích và so sánh đầy đủ các nhân tố cấu thành nên rủi ro của TTCK Việt Nam với các quốc gia trong khu vực và thế giới mà không thể khẳng định trong một vài câu nói. Rủi ro quốc gia của Việt Nam có thể thấp hơn một số nước trong khu vực và thế giới, nhưng rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất, tỷ giá… là vấn đề các NĐT cần phải lưu tâm. So với các TTCK phát triển, mức rủi ro của TTCK mới nổi thường cao nhưng bù lại, NĐT có thể đặt ra mức lợi tức kỳ vọng lớn.
Bà đánh giá thế nào về thị trường từ nay đến cuối năm?
Kể từ nay đến cuối năm, phân tích kỹ thuật dự báo VN-Index có thể tăng trong khoảng 530 – 560 điểm, theo kịch bản lạc quan. Còn nhìn nhận đánh giá triển vọng kinh tế, P/E và mặt bằng giá chứng khoán ở thời điểm hiện tại thì dự đoán VN-Index từ nay đến cuối năm có thể tăng, nếu không có biến động gì quá bất thường.
Một vấn đề cần lưu ý là nhiều quỹ đầu tư thoái vốn trong năm nay và năm sau nên cầu chứng khoán yếu thì VN-Index khó có thể tăng được. Đây là bài toán về cung cầu không dễ có lời giải.
Theo Thời báo ngân hàng