Gục ngã trước những khó khăn

Trong lúc doanh nghiệp làm ăn kinh doanh khó khăn, lợi nhuận sụt giảm, thua lỗ kéo dài dẫn đến mất cân đối tài chính.

Số doanh nghiệp (DN) niêm yết bị bế tắc rất lớn khi sức mua yếu, hàng tồn kho tăng, lãi suất cao… thể hiện trên báo cáo tài chính (BCTC) khiến các đơn vị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Cho tới thời điểm này, trên cả 2 sàn vẫn còn nhiều DN chưa nộp BCTC 6 tháng đầu năm 2013. Mặc dù chưa “vạch lá tìm sâu” hay nghi ngờ khả năng gian lận, làm đẹp BCTC, nhưng các đơn vị kiểm toán đã ghi chú về khả năng hoạt động liên tục.

Cú đấm cuối cùng
Các DN này đều có vấn đề vi phạm về tài chính, như: các khoản nợ ngắn hạn, dài hạn phải trả lớn hơn tài sản nhưng không có khả năng thanh toán, thị phần sụt giảm, nhân lực yếu, lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu… Tất cả điều đó được kiểm toán quy trách nhiệm, tạo nên cú đấm cuối cùng khiến DN gục ngã.
Thống kê trên thị trường có rất nhiều cổ phiếu vướng vào tình trạng trên, chỉ cần kéo dài thêm thời gian nữa thì sẽ bị loại khỏi cuộc chơi là hủy niêm yết bắt buộc.
Số DN bị đặt dấu hỏi nghi ngờ hoạt động liên tục ngày càng nhiều thêm như: VNA, VID, XMC, VCR, BHV, PXM, TNG, VOS, BHC, SHN, GGG, HHL, VNI… Những cổ phiếu này đều đang rơi vào vòng xoáy thua lỗ suốt nhiều quý liên tiếp, vốn chủ sở hữu đang dần bị bào mòn và nguy cơ hủy niêm yết cận kề.
Cổ phiếu PXM của Công ty CP xây lắp miền Trung chỉ còn 500 đồng/cổ phiếu đang đối mặt với án huỷ niêm yết khi HoSE đưa ra cảnh báo sự thực này. Công ty này đã kinh doanh thua lỗ luỹ kế lên tới 141,40 tỷ đồng, tạo ra khoản lợi nhuận chưa phân phối âm 249 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ thực góp là 150 tỷ đồng. Các thông tin trên được công khai khiến không ít nhà đầu tư bị sốc nặng. Lẽ ra, cổ phiếu này đã bị giao dịch âm từ lâu, nhưng đến giờ vẫn còn thoi thóp trên mặt đất.
Một cổ phiếu khác cũng trong tình trạng bi đát là BHV của Công ty CP Viglacera Bá Hiến. Doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu là 8,5 tỷ đồng, nhưng đã âm vốn hơn gấp đôi mức này, trong khi nợ ngắn hạn vượt quá tài sản hiện có. Việc lỗ lũy kế vượt quá vốn chủ sở hữu, thiếu hụt vốn lưu động, nên việc bị hủy niêm yết là khó tránh khỏi.
Các DN khác như NVC của Công ty CP Nam Vang đã lỗ lũy kế 232,8 tỷ đồng, vượt cả vốn điều lệ chỉ có 160 tỷ đồng.
Chẳng những âm vốn, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh rất thấp khiến công ty chẳng thể nào trả nổi hàng trăm tỷ đồng nợ ngân hàng. Điều này có nghĩa là toàn bộ tài sản hiện có của NVC không đủ chi trả cho những khoản vay hoặc nợ phí. Hiện tài sản cầm cố là quyền sử dụng đất, nhà xưởng, văn phòng…
Thị giá cổ phiếu NVC hiện chỉ ở mức 500 đồng/cổ phiếu và từ 6 năm nay, Nam Vang không có đồng cổ tức nào cho cổ đông. Hay nói cách khác, cổ đông ôm cổ phiếu nhìn thị giá rơi hàng ngày và với việc thua lỗ triền miên đến thì câu chuyện cổ tức lại càng trở nên hão huyền. Tình hình quả là bi đát và đôi khi lời cảnh báo khả năng hoạt động liên tục hay không chẳng còn ý nghĩa gì cả.
Trước đây, cổ phiếu SHN của Công ty Tổng hợp Hà Nội đã gây ấn tượng mạnh với giới đầu tư, từng tạo nên sóng gió tiêu cực khi bị xù trên 200 tỷ đồng với công ty Beta BQP, đẩy SHN vào tình trạng khốn đốn, thanh khoản cạn kiệt.

Ai đủ sức vượt qua vực thẳm?
Trong 6 tháng đầu năm 2013, kết quả kinh doanh của công ty tiếp tục khó khăn với khoản lỗ ròng lên đến 56 tỷ đồng. Hiện SHN đang nằm trong top các DN có lỗ lũy kế lớn nhất trên sàn niêm yết với khoản lỗ lũy kế ở mức 313,7 tỷ đồng.
Đơn vị kiểm toán cho rằng Công ty có hoạt động liên tục được hay không phụ thuộc rất nhiều vào khả năng thu hồi các khoản công nợ liên quan đến Công ty CP Beta BQP. SHN đã giải thể nhiều chi nhánh, giảm tối đa nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí để mong có lãi vài chục triệu đồng, nhưng xem ra cũng khó đạt được.
Một DN đặc biệt khác có tài sản rất lớn lên tới hàng nghìn tỷ đồng, nhưng giá trị vốn hoá trên thị trường chỉ còn vài chục tỷ đồng. Đó chính là Công ty Đầu tư xây lắp Dầu khí Sài Gòn (PSG) khi thua lỗ đến quý thứ 7 liên tiếp thì dù tài sản có lớn đến mấy, khi hạch toán âm chắc chắn sẽ bị hủy niêm yết. Với tình trạng thua lỗ như trên, khả năng các cổ phiếu PXM, BHV, NVC, PSG bị hủy niêm yết là rất lớn.
Các cổ phiếu bị cảnh báo, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục do nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là VCR, của Công ty CP Đầu tư và Phát triển du lịch Vinaconex. Thực tế, hoạt động chính của VCR là kinh doanh bất động sản, nhưng tỷ lệ nợ phải trả đã tăng rất cao. Công ty đang trong tình trạng thiếu hụt vốn lưu động để có thể thanh toán cho các khoản công nợ đến hạn trả.
Cổ phiếu TNG cũng có các khoản nợ ngắn hạn của Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn số tiền 135 tỷ đồng và dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh âm 146,875 tỷ đồng do TNG sử dụng vốn lưu động để đầu tư tài sản cố định.
Còn PXI cũng có công nợ ngắn hạn phải trả của công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền khoảng 106 tỷ đồng.
Trong khi đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ âm 133 tỷ đồng. Riêng VOS thì vừa bị thua lỗ nặng và nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản trên 500 tỷ đồng là điều khó chấp nhận được.
Như vậy, chẳng thể nào thống kê hết doanh sách cổ phiếu bị thua lỗ triền miên và nợ ngắn hạn cao bị nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Các BCTC dù chưa phản ánh hết thực trạng bi thảm của DN nhưng cũng là cú đấm cực mạnh để hạ gục DN.
Dựa theo đó, nhà đầu tư sẽ quyết định mua vào hay bán ra mà chẳng cần quan tâm đến khả năng hoạt động liên tục hay không. Vì cơ bản, nếu tiếp tục hoạt động mà không có chiến lược thay đổi triệt để, cải tổ toàn bộ DN thì chẳng thể nào vực dậy doanh nghiệp thoát khỏi vực sâu.

Theo Thời báo kinh doanh