HĐQT của CTCP Đầu tư và Sản xuất Việt Hàn (VHG) vừa công bố kế hoạch phát hành thêm 37,5 triệu CP cho cổ đông hiện hữu đã được thông qua tại ĐHCĐ thường niên 2014 (ngày đăng ký cuối cùng dự kiến 12/6). Mức giá chào bán được đưa ra bằng mệnh giá, 10.000 đồng/CP, tức cao hơn mức giá hiện hành của VHG tại thời điểm công bố khoảng 2.000 đồng/CP.
Ảnh minh họa
Nếu phát hành hành thành công, vốn điều lệ của VHG sẽ tăng lên gấp đôi (đạt 750 tỷ đồng). Tổng số tiền thu được dự kiến 375 tỷ đồng sẽ được VHG sử dụng để nâng cao năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn lưu động, đẩy mạnh việc triển khai các dự án tiềm năng thông qua đầu tư vào các công ty con.
Theo Nghị quyết ĐHCĐ diễn ra 26/3 vừa qua, VHG lên kế hoạch rót 200 tỷ đồng vào công ty con là CTCP Cao su Việt Hàn nhằm đầu tư dự án 13.300ha cao su (cao su được coi là mảng hoạt động mà VHG đẩy mạnh khai thác trong năm 2014).
Từ lâu VHG được giới đầu tư xếp vào nhóm CP có tính chất đầu cơ trên sàn HOSE, thế nên việc VHG thường xuyên biến động không khiến nhà đầu tư bất ngờ. Tuy nhiên, việc VHG tăng mạnh sau thông tin phát hành thêm này khiến không ít nhà đầu tư ngỡ ngàng. Thống kê cho thấy, nếu tính từ mức đáy 5.900 đồng/CP được thiết lập giữa tháng 5 thì đến thời điểm hiện nay 9.100 đồng/CP, tính ra VHG đã tăng hơn 50% chỉ trong vòng nửa tháng.
Thời điểm này, VHG không có thông tin gì nổi bật, ngoại trừ thông tin VHG lãi hơn 4,5 tỷ đồng trong quý I vừa qua (tương đương EPS 116 đồng/CP), nhưng cũng đã được phản ánh vào giá trong đợt sóng trước đó giúp VHG chạm mốc 11.000 đồng/CP. Chính vì vậy, đợt sóng tăng này được cho là có động lực từ thông tin VHG sẽ phát hành CP tăng vốn với mức giá cao hơn 25% so với giá thị trường thời điểm công bố. Chính vì vậy, đã có nhiều câu hỏi được đặt ra cho đợt sóng tăng của VHG như: “đội lái” nào dứng sau đợt tăng nóng này; VHG sẽ tăng đến bao nhiêu và thời điểm điều chỉnh giảm.
Những tháng đầu năm 2014, mã ASM của CTCP Đầu tư và Xây dựng Sao Mai An Giang chỉ đi ngang ở mức giá dưới 7.000 đồng/CP, nhưng bất ngờ tăng vọt lên mức 12.600 đồng/CP trong phiên giao dịch 14/4. Tương tự VHG, thời điểm mã ASM tăng giá gấp đôi, doanh nghiệp này không có thông tin thật sự nổi bật. Thông tin tích cực nhất là việc ĐHCĐ đã thông qua kế hoạch cổ tức 5% bằng tiền mặt cho năm 2013.
Do vậy có thể thông tin nổi bật là ĐHCĐ cũng đã thông qua phương án phát hành thêm CP tăng vốn điều lệ với tỷ lệ phát hành thêm đạt 145,97%, tương đương số lượng CP phát hành thêm xấp xỉ 70 triệu đơn vị.
Cụ thể, ASM sẽ phát hành cho cổ đông hiện hữu, cán bộ công nhân viên và đối tác chiến lược 60 triệu CP, trong đó phát hành cho cổ đông hiện hữu 47,7 triệu CP (giá phát hành 10.000 đồng/CP); phát hành theo chương trình ESOP 2,4 triệu CP cũng với giá bán 10.000 đồng CP, phát hành 10 triệu CP dành cho cổ đông chiến lược; phát hành 9,5 triệu CP thưởng từ nguồn thặng dư vốn, tương đương tỷ lệ thực hiện 20% vốn điều lệ.
Theo kế hoạch, ước tính số tiền thu về từ các đợt phát hành nói trên khoảng trên 600 tỷ đồng sẽ được ASM đầu tư vào các dự án: Khu đô thị cao cấp Sao Mai Bình Khánh 5 (300 tỷ đồng), Khu dân cư thị trấn Tân Hiệp (100 tỷ đồng); góp vốn vào công ty con, công ty liên kết liên doanh (100 tỷ đồng). Số tiền còn lại được bổ sung vốn lưu động.
Mặc dù doanh thu tăng trưởng liên tục trong giai đoạn từ 2009 trở lại đây, nhưng lợi nhuận của ASM lại có xu hướng giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào năm 2010.
Nguyên nhân chính không nằm ngoài sự vận động theo xu hướng chung của nền kinh tế và đặc biệt là thị trường bất động sản. Chính vì vậy, việc ASM tiếp tục rót thêm tiền vào bất động sản được xem là bước đi đầy mạo hiểm trong bối cảnh thị trường này vẫn hết sức ảm đạm. Cũng vì lý do này, việc nhà đầu tư bỏ qua yếu tố pha loãng CP để kỳ vọng vào những dự án bất động sản của ASM khiến nhiều người đặt dấu hỏi.
Theo SÀI GÒN ĐẦU TƯ