Công việc nhàm chán, không có cơ hội phát triển, người quản lý tồi…là một trong những lý do khiến bạn không thể chịu đựng thêm. Tuy nhiên, môi trường làm việc, năng lực phát triển tiềm tàng của công ty lại khiến bạn không muốn rời xa. Lúc này bạn nên làm gì?
Ảnh minh họa
Giúp bạn không phạm bất cứ sai lầm nào khi chuyển đổi công việc, hãy chú tâm thực hiện những gợi ý sau.
Không “nhảy” quá đột ngột
Chẳng có gì là ngạc nhiên khi trước tiên bạn cần có một vị trí trong công ty mình mơ ước mà chưa cần quan tâm nó có ổn định hay không. Sau đó, chờ thời cơ đến bạn có thể chuyển đổi công việc. Nhà tuyển dụng thừa hiểu tâm lý này của các ứng viên. Tuy nhiên, khi đã “nhắm” ứng viên vào vị trí nào, họ đều cân nhắc đến tính lâu dài, ít nhất cũng phải từ 6 tháng đến 2 năm. Do vậy, đừng chuyển đổi vị trí quá đột ngột, mà ngược lại, thật vững vàng tại vị trí vốn có rồi mới tìm hiểu hướng phát triển phù hợp trong công ty.
Cập nhật thường xuyên tình hình công ty
Nhiều công ty lớn muốn thúc đẩy phát triển từ bên trong và sử dụng toàn thể sức mạnh nhân lực nội bộ. Do đó, trước khi có ý định nhảy sang vị trí khác, bạn nên cập nhật thường xuyên về tình hình công ty, chú trọng đến vị trí nào bạn nhắm tới. Nếu cảm thấy chưa đủ năng lực cho một số vị trí bạn thích, nên tìm hiểu những khó khăn công ty đang gặp phải và giải quyết chúng. Cứ theo hướng đi đầu này, bạn có nhiều cơ hội đổi việc hơn.
Học hỏi kinh nghiệm người đi trước
Tất nhiên, sự táo bạo mới mẻ là điều nên làm nhưng để có sự chắc chắn và tỷ lệ thành công cao hơn cần phải học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Hãy chú ý xung quanh xem có ai đã từng nhảy vị trí thành công để học hỏi kinh nghiệm của họ để bạn tự tin hơn khi đối diện với những “chất vấn” của sếp về chuyện chuyển đổi vị trí công tác.
Tìm được người thế chỗ bạn
Người quản lý của bạn có lẽ không dễ dàng đồng ý để bạn chuyển đổi vị trí bởi họ biết năng lực của bạn có phù hợp với vị trí đó hay không. Để được chuyển việc nhanh chóng hơn, bạn nên lên kế hoạch tìm người thay thế để bạn có thể bàn giao ngay sau khi có được sự chấp thuận của cấp trên.
Nên nhớ rằng việc tìm người thay thế rất quan trọng, bởi trình độ tiếp thu nhanh hay chậm của người thế chỗ cũng quyết định thời gian sớm hay muộn bạn được ngồi vào vị trí mới.