Một vị sếp tồi có thể biến một công việc và cả mức lương ấn tượng trên giấy trở nên không thể chịu đựng nổi. Vậy có cách nào để nhận diện những vị sếp không-ai-muốn- làm-việc-cùng này hay không?
Ảnh minh họa
Có nhiều điều cần nghĩ tới trước khi bạn chấp nhận một lời đề nghị làm việc, nhưng có một điều chúng ta thường quên cân nhắc là: Liệu mình có thể hình dung được là mình sẽ làm việc cho vị sếp này không?
Trong một bài đăng trên mạng xã hội LinkedIn gần đây, Abhilash Mishra, phó giám đốc tiếp thị của CresTech Software Systems đã nói rằng: “Một vị sếp có thể thực sự tạo ra hay phá vỡ sự nghiệp của bạn. Một người sếp tuyệt vời có thể khiến bạn cảm thấy gắn kết, có quyền tự chủ tại nơi làm việc, có thể xác định được và phát triển các thế mạnh của bạn. Nhưng một sếp tồi có thể biến một công việc và cả mức lương ấn tượng trên giấy trở nên không thể chịu đựng nổi”.
Mishra cho rằng mặc dù có nhiều cách để chống lại những ảnh hưởng của một vị sếp tồi, nhưng không chiến thuật nào trong số đó đảm bảo được sự cải thiện, và thường là chúng sẽ dẫn tới nhiều căng thẳng hơn.
Đó là lý do tại sao bạn muốn nhận diện một vị sếp tồi trước khi họ trở thành vị sếp tồi của bạn.
Dưới đây là ba cách nói lên liệu người phỏng vấn bạn có phải là một nhà quản lý tồi hay không:
1. Sử dụng đại từ
Hãy chú ý đến cách vị sếp đó sử dụng đại từ và hoàn cảnh sử dụng nó. Mishra giải thích rằng: Nếu người phỏng vấn bạn dùng từ “anh” trong khi đưa ra các thông tin tiêu cực, chẳng hạn như “anh sẽ phải giải quyết nhiều điều không rõ ràng”, thì đừng mong đợi vị sếp đó sẽ là một người hướng dẫn bạn. Nếu người sếp chọn từ “tôi” để mô tả thành công của tập thể, thì đó cũng là một dấu hiệu báo động đỏ. Và nếu người phỏng vấn nói “chúng tôi” khi nói về một thách thức cụ thể mà cả nhóm hoặc cả công ty đã từng đối mặt, thì chứng tỏ họ phủi trách nhiệm và đổ lỗi cho người khác.
2. Họ bị phân tâm
Mishra cho biết: “Thời đại của email, BlackBerry và điện thoại thông minh khiến mọi người cảm thấy không có vấn đề gì khi có thói quen giao tiếp thiếu tôn trọng người khác với lý do là công việc. Đặc biệt là trong môi trường công sở làm việc điên cuồng, thì việc đọc email khi ai đó đang nói, làm nhiều việc trong cuộc hội thảo qua điện thoại và kiểm tra thư đến nhấp nháy trên màn hình điện thoại BlackBerry giữa cuộc trò chuyện đã trở thành một quy tắc tiêu chuẩn của việc giao tiếp kinh doanh”.
Nhưng bất kể họ giữ vai trò gì trong công ty, thì người phỏng vấn cần cố gắng tạo ra ấn tượng tốt và nên hoàn toàn tập trung vào cuộc trò chuyện – điều này bao gồm tắt các thiết bị để chăm chú theo dõi bạn tối đa. Nếu người phỏng vấn bạn liếc nhìn email khi bạn đang nói, nhận các cuộc gọi đến hay tới buổi phỏng vấn muộn, thì đừng hy vọng vị sếp đó sẽ dành thời gian cho bạn”.
3. Họ không thể đưa ra câu trả lời thẳng thắn cho bạn
Một tín hiệu hé lộ khác là những câu trả lời mơ hồ cho những câu hỏi của bạn. Mishra khuyên bạn: “Lắng nghe những khoảng dừng, sự lúng túng hoặc những câu trả lời quá chung chung khi bạn hỏi về điều đã xảy ra với người từng giữ vị trí mà bạn đang ứng tuyển hoặc lý do tuyển dụng. Ví dụ nếu họ nói với bạn rằng người từng làm ở vị trí này “không phù hợp” thì có thể là công ty đã không dành thời gian đủ nhiều để phát triển nhân viên và đổ lỗi cho họ khi mọi việc không có kết quả”.
Bạn cũng nên đặt câu hỏi về thời hạn luân chuyển nhân sự, mọi người thực hiện các vai trò nhất định trong bao lâu và con đường nghề nghiệp của họ như thế nào. Tất cả những câu trả lời này sẽ không chỉ chứng tỏ liệu đó có phải là vị sếp mà mọi người muốn làm việc cho họ hay không mà còn chỉ ra xem liệu mức lương có cạnh tranh không và liệu nhân viên có được cung cấp một kế hoạc phát triển nghề nghiệp không”.
Theo Businessinsider/hoclamgiau