Là nhà quản trị, khi cảm thấy bực tức với nhân viên, hãy dành một phút suy nghĩ lại, để nhận ra rằng chưa hẳn họ đã có lỗi. Nói chung, các nhân viên đều hiểu được trách nhiệm của họ, nhưng không phải lúc nào họ cũng đầy nhiệt huyết để cống hiến công sức cho doanh nghiệp.
Ảnh minh họa
Nếu cảm thấy thất vọng vì không thể điều khiển được nhân viên, đừng vội nản chí hay nổi nóng. Hãy tự nhìn lại mình, nhiều khi chỉ cần một chút thay đổi trong suy nghĩ, nhà quản trị sẽ cải thiện được tình hình, làm tăng nhuệ khí cũng như sự gắn kết của các nhân viên với doanh nghiệp. Sau đây là bốn ý tưởng giúp nhà quản trị làm chủ tình thế và khiến đội ngũ nhân viên làm theo mong muốn của mình.
Xác định những điều quan trọng nhất. Thông thường, khi nổi giận với nhân viên, nhà quản trị bắt đầu để ý đến những điều nhỏ nhặt, vặt vãnh nhất thay vì kết quả cuối cùng. Hãy nhớ rằng nhà quản trị phải theo đuổi những mục tiêu lớn, những kết quả tổng thể, đừng quá xét nét đến các biểu hiện có vẻ không chuẩn mực của nhân viên. Chẳng hạn, có nhân viên hay đi trễ nên nhà quản trị e ngại người ấy sẽ tạo ra nếp đi làm không đúng giờ. Thế nhưng nếu chính nhân viên ấy đang đạt được những chỉ tiêu bán hàng cao nhất thì nhà quản trị nghĩ sao?
Đặt ra những kỳ vọng. Nhiều nhà quản trị tỏ thái độ không hài lòng về những phẩm chất mà các nhân viên dưới quyền còn thiếu, nhưng khi được hỏi rằng họ có đặt ra những kỳ vọng rõ ràng cho cấp dưới của mình không thì phần lớn đều trả lời không. Đừng nghĩ rằng các nhân viên đều thấu hiểu nhà quản trị muốn gì. Cho dù nhà quản trị luôn trao đổi với nhân viên về công việc chung, nhưng điều quan trọng hơn là họ có đề ra được những kỳ vọng có thể đong đếm được và thông báo rõ ràng cho từng nhân viên hay không.
Đi đầu về tinh thần trách nhiệm để làm gương cho nhân viên. Thiếu đi tinh thần trách nhiệm sẽ tạo ra thói quen xấu và nếp vô tổ chức trong doanh nghiệp. Vì vậy, một khi nhân viên không đạt được những kỳ vọng đã được nhà quản trị đặt ra một cách rất rõ ràng thì đó mới là vấn đề cần được giải quyết ngay.
Nếu trì hoãn hay né tránh, nhà quản trị càng đứng trước nguy cơ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro, trong đó thói quen “không đạt chỉ tiêu” của một số nhân viên sẽ ngày thêm trầm trọng, đến mức trở thành căn bệnh nan y. Để tránh được tình trạng ấy, trước hết nhà quản trị phải làm gương cho mọi người, cụ thể là dám thừa nhận sai sót của mình và chịu trách nhiệm về hậu quả. Một khi sếp đã thể hiện đầy đủ tinh thần trách nhiệm thì các nhân viên cũng sẽ làm như thế.
Cởi mở với mọi ý kiến đóng góp. Nhiều nhà quản trị thường nhân cuộc họp sơ kết, tổng kết cuối năm mới đưa ra những nhận xét cho cấp dưới. Vẫn biết rằng đóng góp ý kiến hiệu quả nhất đối với nhân viên là thực hiện thường xuyên, hằng ngày, hằng tuần, nhưng nhiều người vẫn ngại. Họ ngại gây va chạm, ngại nhân viên “tố ngược” mình, sợ rằng hành động ấy sẽ làm giảm uy tín của họ. Tiếc rằng suy nghĩ như vậy chỉ càng làm cho mối quan hệ giữa sếp và các nhân viên thêm hời hợt, giả tạo.
Tốt hơn cả là tỏ thái độ chân thành lắng nghe ý kiến đóng góp của nhân viên, đồng thời đưa ra những nhận xét và quan sát xem các nhân viên đón nhận chúng ra sao. Chính nhà quản trị phải là người nêu ra những cách nghĩ, cách làm mới để đội ngũ nhân viên dưới quyền vận dụng nhằm cải thiện hiệu quả làm việc. Khi nêu ra những nhận xét với thái độ chân thành, nhằm nâng cao năng suất làm việc, vì kết quả tốt đẹp của cả một tập thể, nhà quản trị sẽ được các nhân viên nể phục, tôn trọng và cố gắng làm theo.
Theo Entrepreneur/DNSGCT