Học gì từ Starbucks ?

Sau không khí im ắng của việc khai trương cửa hàng Starbucks thứ 3 tại TP HCM, nhiều người cho rằng, khó có thể có cảnh chen chúc khi Starbucks mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội – như cảnh trong lễ khai trương của hàng Starbucks đầu tiên tại TP HCM. Nhưng nhiều người đã nhầm…

Bài học trong cách làm thị trường từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới rất cần được các DN trong nước quan tâm.
Sau lễ khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội (ngày 23/7), đến nay vẫn tiếp diễn cảnh người xếp hàng dài bên ngoài các cửa hàng Starbucks để được nếm thử mùi vị của hãngđồ uốngnổi tiếng thế giới này.
Có hơn 23.000 cửa hàng tại 64 quốc gia, trong đó tại Việt Nam có 8 cửa hàng ở TP HCM. Khi tấn công ra thị trường Hà Nội, Starbucks quyết định lựa chọn 3 vị trí cực đắc địa trên 3 con phố “vàng” là Lý Thái Tổ, Bà Triệu và Hàng Bài.
Thực tế, với mức giá bán cho một cốc Starbucks từ 55.000 – 150.000 đồng – giá bán sản phẩm của những thương hiệu này khá cao so với những thương hiệu cà phê Việt, nhưng Starbucks vẫn được khách hàng lựa chọn. Nhờ điều gì?
Theo các chuyên gia, đó chính là phong cách chuyên nghiệp. Có thể thấy, chính sức hút thương hiệu, sự tò mò của khách hàng đã làm nên sự đình đám của Starbucks tại Việt Nam với đa phần là khách hàng trẻ, kể cả học sinh trung học.
Bà Patricia Marques – Tổng Giám đốc Starbucks Việt Nam nhấn mạnh, đối tác đặc biệt của thương hiệu này là những người đứng phía sau quầy bar (nhân viên pha chế). Họ sẽ là những người làm nên điều khác biệt và giúp cho Starbucks “hơn cả cà phê”. Cửa hàng tuyên bố phục vụ 87.000 loại đồ uống kết hợp khác nhau và bất kỳ nhân viên pha chế nào cũng có thể tạo ra một loại trong số đó mà không hề lúng túng.
Trong khi đó, một chuyên gia ngành cà phê nhận xét: Sự khác biệt giữa cà phê Starbucks với nhiều loại cà phê VN không phải là do cà phê nguyên chất hay không nguyên chất mà là do 2 phương thức chế biến hoàn toàn khác nhau. Người VN thường thích thưởng thức cà phê theo kiểu pha phin nên cho ra vị rất đậm nhưng rất chậm, không đáp ứng được nhu cầu pha chế công nghiệp (do cà phê pha xong không uống ngay sẽ bị chua), còn Starbucks thì pha theo kiểu Âu Mỹ bằng cách cho hơi nước với áp suất rất cao phun qua bột cà phê, thành phẩm sẽ rất thơm do tinh dầu cà phê chảy ra gần hết, nhưng vị lại nhạt và chua hơn cà phê pha phin rất nhiều.
Bên cạnh đó, các thương hiệu nước ngoài rất quan tâm đến marketing, khung cảnh, không gian (chỉ chọn mở cửa hàng ở những điểm có mặt tiền đẹp, trung tâm), trang trí nội thất có phong cách riêng nên luôn được nhóm người tiêu dùng trung lưu, giới văn phòng, giới trẻ ưa thích.
Nhiều ý kiến cho rằng: Văn hóa cà phê đã ăn sâu của người VN – vốn nổi tiếng với hương vị cà phê mạnh và thường được pha với sữa đặc có đường – có thể sẽ cản trở những bước tiến của chuỗi cửa hiệu cà phê lớn nhất thế giới đến từ Mỹ. Và điều này cũng phần nào có cơ sở bởi khi mở cửa hàng thứ hai, thứ 3 tại TP HCM, Starbucks đã phải chứng kiến cảnh vắng khách ngay ngày đầu khai trương.
Tuy nhiên, với một nước đứng thứ hai thế giới về sản xuất cà phê, chủ yếu dành cho xuất khẩu như VN, gần đây, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu và rào cản thương mại nên các DN đã chú trọng hơn đến thị trường nội địa. Hội nhập quốc tế, chắc chắn DN Việt sẽ phải cạnh tranh với nhiều DN đến từ nước ngoài. Chính vì thế, bài học trong cách làm thị trường từ những thương hiệu nổi tiếng thế giới rất cần được các DN trong nước quan tâm để khẳng định mình mạnh mẽ hơn, giành lại chỗ đứng ngay trên sân nhà.

Theo dddn