10 sai lầm phổ biến nhất của các nhà tuyển dụng

Để tuyển được những nhân viên như ý không phải là điều dễ dàng. Rất nhiều nhà tuyển dụng đã mắc sai lầm trong khâu tuyển chọn người để rồi sau đó lại phải vất vả “tống” người đi.

Ảnh minh họa


1. Không kiểm tra lại thông tin của ứng viên
Nếu bạn thực sự quan tâm tới một vài ứng viên cụ thể thì phải đảm bảo rằng mọi thông tin bạn biết về họ phải hoàn toàn chính xác. Bạn nên kiểm tra tối thiểu 2 thư giới thiệu mà họ gửi cho bạn. Thêm vào đó, sẽ cẩn thận hơn nếu bạn có thời gian kiểm tra hầu hết những thông tin cơ bản trong hồ sơ của ứng viên và đối chiếu giữa resume và thư đính kèm liệu thông tin có khớp chưa?

2. Bị “choáng ngợp” bởi bằng cấp của ứng viên
Nhiều bộ hồ sơ có kèm vô số các loại bằng cấp khiến bạn bị choáng. Đừng vội nghĩ người có nhiều bằng cấp sẽ làm việc tốt. Đôi khi những kiến thức sách vở chẳng mấy phát huy tác dụng trong môi trường làm việc hàng ngày. Hơn nữa, nhiều tấm bằng chỉ cần bỏ tiền ra mua.

3. Không có kế hoạch sử dụng lâu dài
Nhiều nhà tuyển dụng chỉ tuyển thêm người để lấp chỗ trống đang thiếu hay vì thời gian gần đây họ có quá nhiều việc. Nếu bạn tuyển nhân viên chỉ vì những mục đích tạm thời, bạn khó có thể nhận được những cống hiến tối đa từ họ, vì các nhân viên thường chỉ bộc lộ hết khả năng trong môi trường làm việc ổn định và dài hơi.

4. Hứa khi bạn không thể thực hiện
Việc hứa hẹn trước bất cứ điều gì với ứng viên là sai lầm lớn nhất mà bạn nên tránh. Khi bạn không biết chắc về thời điểm mà bạn có thể nhận họ vào làm việc thì bạn không nên nói chắc với ứng viên đó bất cứ điều gì.

5. Tuyển dụng dựa trên những yếu tố khách quan
Thật không may, đây là một lỗi mà khá nhiều nhà tuyển dụng mắc phải. Họ tuyển dụng ai đó chỉ vì có người nhờ vả họ hay chỉ vì họ thấy ấn tượng với ngoại hình và cách nói chuyện của ứng viên đó. Bạn nên tập trung vào ứng viên có mọi yếu tố để trở thành nhân viên giỏi nhất cho vị trí đang ứng tuyển chứ không chỉ vì một vài điểm nhỏ.

6. Không “dẫn dắt” tốt buổi phỏng vấn

Để có thể “điều khiển” và có được một buổi phỏng vấn tốt là một kỹ năng mà không phải người nào cũng có. Điều quan trọng nhất là bạn cần phải hỏi đúng câu hỏi để quyết định liệu ứng viên đó có phải là người mà công ty đang cần và là người có kiến thức phù hợp với loại công việc mà công ty đang tuyển hay không.

7. Tuyển dụng nhầm ngành
Bạn tuyển một người có kỹ năng làm việc và có bằng cấp giỏi nhưng lại “lệch pha” với chuyên ngành mà vị trí ứng tuyển yêu cầu? Bạn cần xem xét kỹ mọi yêu cầu của vị trí ứng tuyển và đối chiếu với những gì mà ứng viên có để đảm bảo họ có thể làm tốt khi được nhận vào làm.

8. Không đưa cho ứng viên thư mời

Thư mời liệt kê tất cả những thông tin chi tiết và quan trọng như mức lương, cơ cấu tiền thưởng, ngày bắt đầu làm việc cùng những thông tin về quyền lợi khác. Để ứng viên hiểu rõ về quyền lợi và những thông tin cơ bản khi được nhận vào làm bạn cần đưa cho họ bức thư này khi đồng ý tuyển họ.

9. Không được chuẩn bị

Bạn có thể dễ dàng mắc sai lầm trong quá trình tuyển dụng nếu không có sự chuẩn bị trước cho quá trình xem nhận hồ sơ và quá trình phỏng vấn. Biết rõ bạn nên đặt những câu hỏi nào cho ứng viên và bạn mong đợi câu trả lời như thế nào từ phía họ.

10. Quá mong đợi
Một vấn đề phổ biến hiện nay là nhà tuyển dụng thường mong chờ tìm kiếm một người có thể chèo lái công ty thậm chí trong cả những thời điểm khó khăn nhất của nó. Họ đưa ra một danh sách dài những điều phi thực tế về chất lượng và yêu cầu bằng cấp mà ít ai có khả năng đáp ứng. Bạn nên thu hẹp những yêu cầu đó lại và chỉ tập trung vào những yếu tố quan trọng nhất mà công việc đó đòi hỏi.