Có một thực tế là khi tìm việc, những ứng viên tài năng nhất không có cùng nhu cầu với những ứng viên bình thường. Không chỉ đơn thuần muốn tìm việc mới, họ còn muốn công việc ấy phải thật hấp dẫn. Tuy nhiên, đa số quảng cáo tuyển dụng hiện nay đều nhắm đến những ứng viên “phổ thông” nên chúng có một đặc điểm chung là đầy ắp thông tin về kỹ năng, bổn phận và trách nhiệm nhưng lại vô hồn. Viết như thế thì khó lòng thu hút được sự chú ý của người tài.
Ảnh minh họa
Đọc đến đây chắc các nhà tuyển dụng sẽ thắc mắc: dựa vào tiêu chí nào để phân loại ứng viên thành người tài và người “không tài”? Một trong những cách phổ biến là phân loại ứng viên theo tiêu chí sự chủ động trong tìm việc. Ứng viên tìm việc chủ động (active candidate) là những người tích cực “săn” việc bằng nhiều cách khác nhau, còn ứng viên tìm việc thụ động (passive candidate) là những người đã có việc làm ổn định, không thật sự muốn chuyển việc nhưng nếu có cơ hội nghề nghiệp mới hấp dẫn thì vẫn đón nhận. Tuy nhiên, cách này rõ ràng không tối ưu vì dễ gây ngộ nhận tất cả ứng viên tìm việc thụ động là những người tài giỏi còn tất cả ứng viên tìm việc chủ động là những người tầm thường. Tốt nhất là cứ phân loại theo tiêu chí năng lực: xuất sắc và bình thường.
Khi đăng quảng cáo tuyển dụng cho một công việc, tất cả doanh nghiệp đều hy vọng các ứng viên tài năng sẽ chủ động tìm đến họ. Tuy nhiên, một mẩu quảng cáo tuyển dụng bình thường sẽ không thể làm “xiêu lòng” dạng ứng viên này. Bạn nhất thiết phải có một mẩu quảng cáo thật lôi cuốn, trong đó nhấn mạnh những yếu tố có thể hấp dẫn người tài, những người thường chú ý những công việc có thể cho họ cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng và sự nghiệp. Những mẩu quảng cáo tuyển dụng lý tưởng nên mô tả những gì ứng viên sẽ đạt được từ công việc này trong tương lai, chứ không phải đề cập đến những gì họ đã đạt được trong quá khứ. Kỹ năng và kinh nghiệm quan trọng thật, nhưng bạn còn phải chú ý mô tả những trách nhiệm cụ thể của công việc và đặc biệt là đặt một tiêu đề thật hấp dẫn nữa.
Lấy mẫu quảng cáo tuyển dụng vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng sau đây làm ví dụ. Chỉ riêng tiêu đề: “Hãy giành lấy công việc nhân viên chăm sóc khách hàng!” thôi cũng đủ để thu hút sự chú ý. Phần nội dung ngắn gọn, gợi nhiều sự tò mò: “Cuộc xổ số sẽ được tổ chức vào ngày mai. Hãy gửi hồ sơ của bạn cho chúng tôi để đăng ký tham dự. Chúng tôi hy vọng bạn sẽ chiến thắng để có cơ hội làm việc với những khách hàng đáng mến, những người luôn rất cần sự giúp đỡ của bạn để có thể khai thác hết những tiện ích của trung tâm đào tạo trực tuyến của chúng tôi. Nếu am hiểu về những kỳ thi chuẩn hóa như ACT, thành thạo lướt web và thích đảm đương nhiều nhiệm vụ một lúc thì khi đến với chúng tôi, bạn sẽ có được nhiều thứ hơn là một công việc đơn thuần.”
Mẫu quảng cáo tuyển dụng nói trên được viết một cách dí dỏm, sống động và có sức lôi cuốn. Những quảng cáo có hồn như thế không chỉ thu hút được những người tìm việc chủ động, mà còn thu hút được một số nhân tài thích tìm việc thụ động, những người chỉ có thời gian lướt web vào cuối ngày. Suy cho cùng, hầu hết mọi người đều sẵn sàng đón nhận những cơ hội nghề nghiệp mới nếu nó tốt hơn công việc hiện tại. Nếu thể hiện được điều này trong mẩu quảng cáo của mình, bạn sẽ có nhiều cơ hội tuyển dụng được người mình muốn mà lại tiết kiệm được chi phí và thời gian cũng như không làm mình bị “mất giá” trong mắt ứng viên.
Tóm lại, dù dùng kênh nào để tuyển dụng: quảng cáo trên báo, hội chợ việc làm, mạng cộng đồng, giới thiệu của nhân viên, trang web việc làm .v.v., bạn cũng cần “thổi hồn” vào quảng cáo tuyển dụng của mình. Người tài thật sự nếu không bị những thông tin đó làm cho “mê mẩn” thì họ không bao giờ bỏ công đến gặp bạn để phỏng vấn. Bạn phải cho họ thấy bạn có thể cho họ một công việc tốt hơn cái hiện có, chứ không phải chỉ là một công việc đơn thuần.