Từ một hệ thống bán lẻ điện máy thống lĩnh thị trường miền Bắc, Trần Anh đang đối mặt với những khó khăn gì?
ảnh minh họa
Trong khi giá cổ phiếu Thế giới Di động đã tăng liên tục kể từ khi chào sàn, một ông lớn khác trên thị trường bán lẻ điện máy là Trần Anh vẫn tiếp tục chuỗi ngày chờ đợi tin vui. Lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm 2014 của hệ thống này chỉ vỏn vẹn 4,7 tỉ đồng, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. Giá cổ phiếu Trần Anh vì vậy cũng tiếp tục “lình xình”.
Trên thực tế, chiến lược tiếp tục mở rộng hệ thống siêu thị để thúc đẩy doanh thu và mở rộng thị phần vốn là hướng đi chủ đạo được Trần Anh kiên trì thực hiện trong các năm qua. Năm vừa rồi, Trần Anh đã liên tiếp mở thêm tới 7 siêu thị mới. Tuy nhiên, đây lại được xem là bước đi khá mạo hiểm trong bối cảnh sức mua chung của nền kinh tế vẫn chưa có dấu hiệu phục hồi nào đáng kể.
Năm 2014, Trần Anh tiếp tục chính sách mở rộng địa bàn hoạt động khi lên kế hoạch mở thêm 5 siêu thị. Tháng 6 vừa qua, Trần Anh đã mở một siêu thị rộng 2000 m2 tại Ninh Bình và dự kiến tháng 9 tới đây sẽ tiếp tục mở thêm hai siêu thị ở Hải Dương và Nam Định. Nhưng trong chiều ngược lại, mới đây Trần Anh đã đóng cửa siêu thị tại số 36 Cát Linh, Hà Nội. Như vậy, tổng số siêu thị điện máy mà Trần Anh sở hữu hiện dừng ở con số 10.
Có thể nói, chiến lược thâm nhập sâu hơn vào thị trường các tỉnh của Trần Anh có thể xem là phù hợp, hướng đến tiềm năng tăng trưởng còn khá lớn tại những địa phương này khi cạnh tranh ở thành thị đang quá khắc nghiệt. Tuy nhiên, chi phí mở một siêu thị mới ở tỉnh cũng là không hề nhỏ. Ví dụ, siêu thị mới mở ở Ninh Bình đã ngốn của Trần Anh hơn 100 tỉ đồng.
Ngoài chi phí đầu tư lớn, đặc thù của lĩnh vực bán lẻ mà Trần Anh đang hoạt động cũng có tỉ suất lợi nhuận khá thấp. Vì vậy, một trong những chiến lược quan trọng của các công ty trong ngành là phải có hệ thống quản trị hiệu quả cũng như năng lực đàm phán tốt để được hưởng mức chiết khấu tốt hơn từ nhà cung cấp, qua đó cải thiện hai yếu tố cực kỳ quan trọng là biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng. Nhưng ở khía cạnh này, Trần Anh cũng chưa cho thấy một sự cải thiện đáng chú ý nào so với các đối thủ.
Theo phân tích của Công ty Chứng khoán VPBS, biên lợi nhuận gộp vào quý I của Trần Anh chỉ khoảng 9%, thấp hơn rất nhiều so với mức gần 16% của Thế Giới Di Ðộng. Trong khi đó, biên lợi nhuận ròng của Trần Anh cũng chưa tới 1%. Chỉ số này ở Thế Giới Di Ðộng đã được cải thiện đáng kể từ mức 2,5% trong 2013 lên gần 5% trong quý I/2014. Dường như, sự góp mặt của nhà đầu tư chiến lược danh tiếng là Tập đoàn bán lẻ điện máy Nojima (Nhật) cũng chưa thể mang lại sự cải thiện về tính hiệu quả cho Trần Anh.
Thêm vào đó, để thành công trong lĩnh vực bán lẻ điện tử – điện máy thì ngoài sức mạnh tài chính, kinh nghiệm học hỏi từ các mô hình quản trị tân tiến thì khả năng mang lại những dịch vụ hay tiện ích mới cho khách hàng sẽ là yếu tố cạnh tranh tạo nên khác biệt lớn.
Hãy nhìn vào mảng bán hàng trực tuyến. Ðây là một trong những dịch vụ được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới. Ở khía cạnh này, hiện Thế Giới Di Ðộng và FPT Shop (tập trung chủ yếu vào mảng điện thoại) đang làm rất tốt. Theo dữ liệu tháng 7 của Alexa, website của Thế Giới Di Ðộng hiện đứng thứ 83 tại Việt Nam về lượng truy cập. Website của FPT Shop đứng vị trí 164, còn website của Trần Anh đứng ở vị trí thứ 380.
Ðặc biệt, bà Nguyễn Bạch Điệp, Giám đốc Điều hành FPT Shop cho biết trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu từ kênh bán hàng online của FPT Shop cũng đã tăng trưởng 600% so với cùng kỳ. Không dừng lại ở đó, theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong nửa cuối năm nay, FPT Shop dự định sẽ tích hợp mảng game dành cho di động vào website bán hàng trực tuyến nhằm mang lại thêm tiện ích cho khách hàng.
Hiện tại, chuỗi cửa hàng của FPT Shop cũng tăng thêm 20 cửa hàng so với cuối năm ngoái; và tiến đến việc hoàn thành cột mốc 150 cửa hàng cuối năm nay. Doanh thu của FPT Shop trong 6 tháng đầu năm 2014 cũng tăng trưởng ấn tượng, tăng 180% so với cùng kỳ.
Mặc dù về bản chất, so sánh FPT Shop hay Thế Giới Di Ðộng với Trần Anh sẽ không dễ, vì Trần Anh vẫn thiên về lĩnh vực bán lẻ điện máy tiêu dùng. Tuy nhiên, những bài học và kinh nghiệm phát triển mà FPT Shop hay Thế Giới Di Ðộng đã và đang thực hiện cũng là điều mà Trần Anh có thể học hỏi để nâng cao khả năng cạnh tranh của chính mình.
Thậm chí, Thế Giới Di Ðộng, vốn được xem là một trong những mô hình bán lẻ thành công nhất tại Việt Nam, cũng đang có những kế hoạch mới. Gần đây, ban quản trị của công ty này đã bất ngờ quyết định sẽ tổ chức Ðại hội Cổ đông bất thường để phát hành cổ phiếu và nâng vốn điều lệ lên thêm 349 tỉ đồng. Phải chăng phía sau việc nâng vốn này sẽ là những chiến lược kinh doanh mới? Trước những động thái của các đối thủ, liệu Trần Anh đang suy nghĩ gì?
Theo NCDT