Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy từ “may mắn” được sử dụng khi ai đó giành được một thành công quan trọng trong kinh doanh cũng như đời sống? Trong phần lớn trường hợp, cái được gọi là “may mắn” chính là khi có những cá nhân đã tập hợp lại trí tưởng tượng, tầm nhìn xa, sự nhạy bén để tạo nên một thứ gì đó khác biệt và đáng nhớ.
ảnh minh họa
Cách kiếm tiền của các nghệ sĩ đường phố ở Paris
Các nghệ sĩ đường phố ở Paris kiếm được một phần lớn thu nhập từ các món phụ kiện lặt vặt họ bán kèm.
Khi bạn mua một bức tranh, biếm họa hay ký họa, bạn sẽ hiếm khi thấy người nghệ sĩ trưng ra một mức giá. Khi bạn hỏi giá, có thể họ sẽ nói 50 euro. Sau đó, họ sẽ chăm chú theo dõi phản ứng của bạn. Nếu bạn do dự, họ sẽ bổ sung thêm vài giá trị gia tăng bằng cách hoàn tất câu nói của họ theo kiểu đại loại như: “…nhưng hôm nay tôi sẽ tặng thêm miễn phí một khung tranh giá 10 euro” và nếu bạn vẫn còn lưỡng lự, họ sẽ nói thêm “…và một chiếc hộp xinh xắn để giữ bức tranh an toàn trên đường về nhà, đáng ra chiếc hộp sẽ tốn thêm 10 euro nữa”. Vậy là ngã giá.
Thế chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ tìm được ai đó vui vẻ với mức giá 50 euro được đưa ra? Ngay vào thời điểm hoàn tất việc mua bán, khi bạn cảm thấy hạnh phúc với mức giá 50 euro họ sẽ nói “Ông có thích tôi lồng nó vào một cái khung xinh xắn không? Chỉ mất có 10 euro thôi”. Vị du khách hạnh phúc tiếp tục mỉm cười gật đầu, trong khi người nghệ sĩ nói thêm “… và ông nghĩ sao về một chiếc hộp tuyệt đẹp để giữ nó được an toàn trong chuyến quay về nhà, chỉ thêm 10 euro nữa thôi?”.
Đây là một cách tư duy xuất sắc theo Nghĩ khác mà chúng ta có thể sử dụng trong bất cứ cuộc mua bán nào. Hãy thử áp dụng nó khi bạn mua. Nếu bạn không thể thương lượng để giảm giá, hãy yêu cầu thứ gì đó bổ sung cho thứ bạn quan tâm. Và thử áp dụng nó khi bạn bán. Nếu giá bán có vẻ quá cao với khách hàng, bạn có thể thêm vào thứ gì mà không cần giảm mức giá bạn đưa ra? Nếu họ hồ hởi chấp nhận ngay mức giá, bạn có thể thêm vào thứ gì đây trong khi khách hàng vẫn còn tâm trạng hào hứng mua vào
Đặc biệt hóa
Smyth & Gibson sản xuất ra những chiếc áo sơmi hàng đầu thế giới. Nhà sản xuất có trụ sở tại Belfast này tập trung vào việc may áo sơmi, áo sơmi và không gì ngoài áo sơmi. Họ chấp nhận bảo hành 20 năm cho một chiếc áo sơmi.
Nhưng họ còn làm tốt hơn thế nữa. Smyth & Gibson sử dụng những nhân viên chỉ chuyên làm và may cổ áo vào thân áo. Họ cũng sử dụng những nhân viên khác chỉ chuyên cắt vải một cách hoàn hảo, khiến cho mọi đường may nối có vẻ như không hề tồn tại. Họ cũng có những nhân viên chuyên may tay áo vào thân và làm cho từng đường kẻ sọc trên vải khớp vào nhau một cách hoàn hảo. Trên thực tế, có tới 15 người tham gia vào việc làm ra mỗi chiếc áo sơmi.
“Vậy tại sao không huấn luyện cho người của các ông làm mỗi thứ một chút trong tất cả công đoạn? Hẳn nhiên các ông sẽ may được nhiều áo sơmi hơn?”, tôi hỏi Richard Gibson. Ông cho tôi biết cách tư duy theo Nghĩ khác của ông đã thay đổi cách họ sản xuất những chiếc áo sơmi như thế nào.
Trong khi tất cả những người khác đang tự động hóa và tìm kiếm sản lượng cao, họ đi theo hướng trở nên đặc biệt và tập trung vào các chi tiết. Tôi phản đối và hỏi: “Tại sao việc ghép chính xác các sọc vải lại quan trọng đến thế, vì phần lớn mọi người thậm chí còn không nhận ra các ông đã làm điều đó”. Ông chỉ đơn giản trả lời: “Nhưng chúng tôi thì có”. Tôi ngưỡng mộ sự tự tin và kiên định đó.
Nghĩ khác bằng cách sử dụng sự tiêu cực
Vào những năm 1970, Allen, Brady and Marsh (ABM) là một công ty quảng cáo với phong cách táo bạo đầy ấn tượng. Họ có thể có chút may mắn khi được lọt vào danh sách lựa chọn cuối cùng để làm nhà cung cấp quảng cáo cho British Rail. Vào thời kỳ đó, British Rail là một trong những khách hàng lớn nhất và được đánh giá cao nhất nước. Vậy bạn sẽ làm gì để giành được hợp đồng với một khách hàng như thế?
Một số công ty quảng cáo nằm trong danh sách ứng viên quyết định “phỉnh phờ” ông chủ tịch và hội đồng quản trị của British Rail với những khẩu hiệu bay bướm, những màn quảng cáo diễn kịch và thuyết trình hấp dẫn. ABM quyết định Nghĩ khác.
Một nhân viên tiếp tục với thái độ dửng dưng đón tiếp ông chủ tịch của British Rail cùng hội đồng quản trị trước khi dẫn họ vào một phòng họp bẩn thỉu. Mặc dù có bảy vị khách, trong phòng chỉ đủ ghế ngồi cho sáu người. Những tách trà nguội ngắt, bánh quy đã mềm ỉu và những chiếc sandwich khô cong được mang ra phục vụ và tệ hơn nữa, đoàn đại biểu của ABM lại đến muộn.
Sau một giờ bị hành hạ trong cảnh chờ đợi, khi vị chủ tịch đã chuẩn bị đứng dậy ra về, ông chủ của ABM, Rod Allen, bước vào phòng họp. Ông chẳng buồn xin lỗi và gần như không nhận ra vị chủ tịch của British Rail. Nói rằng các đại diện của British Rail lúc đó đang tím mặt lại sẽ là một cách diễn đạt quá giảm nhẹ.
Thế rồi, một trong những ý tưởng Nghĩ khác tuyệt diệu nhất để giành lấy một hợp đồng được vén màn. Rod Allen chỉ đơn giản đưa tay chỉ quanh phòng và nói: “Đây là những gì khách hàng của các ông nghĩ về các ông, và chúng ta sẽ thay đổi điều đó”. Và họ giành được hợp đồng.
Ồ, chẳng phải bọn họ là những gã may mắn sao? Đã bao nhiêu lần bạn nghe thấy từ “may mắn” được sử dụng khi ai đó giành được một thành công quan trọng trong kinh doanh cũng như đời sống? Trong phần lớn trường hợp, cái được gọi là “may mắn” chính là khi có những cá nhân đã tập hợp lại trí tưởng tượng, tầm nhìn xa, sự nhạy bén và một liều tinh quái vừa đủ để tạo nên một thứ gì đó khác biệt và đáng nhớ.
Theo “Nghĩ khác” – Michael Heppell/DNSG