Nếu tiếp tục giữ “chân dung” hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiến xa, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, TS. Trần Đình Thiên nhận định.
ảnh minh họa
Sang giai đoạn từ 2007 đến nay, số doanh nghiệp “ra đi” đã lên tới vài trăm ngàn.
Gửi tham luận đến Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam vừa diễn ra, ông Thiên gọi doanh nhân là “nhân vật mới” và doanh nghiệp – doanh nhân, ở Việt Nam là cặp phạm trù sinh sau đẻ muộn.
Theo Viện trưởng Trần Đình Thiên, trong 30 năm đổi mới, doanh nghiệp Việt đã trải qua hai giai đoạn phát triển và hai xu hướng ngược nhau.
Từ 1986 – 2006, giai đoạn chuyển đổi và xác lập cơ chế thị trường – mở cửa, số doanh nghiệp mới tăng chóng mặt. Dường như mỗi người chỉ cần “nhanh tay, nhanh mắt” chớp thời cơ là có thể đổi đời, nhanh chóng trở thành tỷ phú. Quản lý nhà nước cũng trở nên dễ tính.
Kết cục, sang giai đoạn từ 2007 đến nay, số doanh nghiệp “ra đi” đã lên tới vài trăm ngàn.
Việc chưa được chuẩn bị tốt cho một cuộc chơi lớn, theo Viện trưởng Thiên chính là lời giải thích vì sao trước đại dương hội nhập, lực lượng doanh nghiệp Việt Nam sau 20 năm trưởng thành trong thời đại “siêu tốc” vẫn được ví là “hạm đội thuyền thúng”.
Thiếu đủ thứ
Nhìn lại những tiêu chí đánh giá sức mạnh doanh nghiệp, ông Thiên đã nêu 6 đặc điểm “nhận dạng” lực lượng doanh nghiệp – doanh nhân Việt trong giai đoạn vừa qua.
Thiếu nền tảng tri thức kinh doanh, càng thiếu hơn những tri thức kinh doanh hiện đại là đặc điểm đầu tiên. Và, đây là kết quả của một quá trình khởi nghiệp không bài bản, ông Thiên nhìn nhận.
Đặc điểm thứ hai được vị Viện trưởng chỉ ra là thiếu tinh thần doanh nghiệp đúng nghĩa, ít tinh thần chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng và ngại học cách đương đầu với rủi ro.
Vẫn bắt đầu bằng chữ thiếu, đặc điểm thứ ba là thiếu tính liên kết, không định vị đúng chức năng và giá trị thực của mình trong cuộc chơi chung được tổ chức theo chuỗi trên quy mô toàn cầu.
Thiếu tầm nhìn chiến lược dài hạn, kinh doanh nặng phong cách chộp giật ngắn hạn, là đặc điểm thứ tư.
Tiếp theo, ông Thiên cho rằng doanh nhân Việt đi sau nhưng ít chịu học hỏi trí thức và kinh nghiệm quốc tế, mang nặng tư tưởng nông dân (chủ nghĩa kinh nghiệm) trong hoạt động kinh doanh. Thiếu tự tin và bản lĩnh cạnh tranh nên dễ định hướng kinh doanh theo kiểu “đẽo cày giữa đường” và dựa theo tâm lý “bầy đàn”.
Đặc điểm thứ sáu được ông Thiên đúc kết là, doanh nghiệp Việt phát triển trong không gian còn bi phân biệt đối xử, không bình đẳng và thiếu tính khuyến khích cạnh tranh sòng phẳng.
Phải “set-up” lại
Nếu tiếp tục giữ chân dung nói trên, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể tiến xa, khó có thể “thắng” trong cuộc đua tranh, canh tranh phát triển toàn cầu khốc liệt trong thời đại ngày nay.
Sau kết luận trên, Viện trưởng Thiên cho rằng cần phải tư duy lại từ đầu cách thức phát triển doanh nghiệp, doanh nhân. Nghĩa là phải “set-up” lại.
Ông Thiên cũng nhìn nhận đây là một công việc không dễ dàng, vì phải vượt qua thói quen “làm giàu dễ”, phải từ bỏ cách tư duy ngắn hạn, phải đoạn tuyệt với phong cách “chụp giật” đã và đang trở thành nếp nghĩ, cách làm.
Và “set-up” lại, theo quan điểm của vị chuyên gia này là phải bắt đầu từ khởi nghiệp bài bản, phải thoát khỏi cách làm “dựa dẫm” ăn theo cơ chế xin cho để bước vào quỹ đạo đổi mới, sáng tạo và tự tin vào năng lực của chính mình.
“Set-up” lại, theo Viện trưởng Thiên, còn là phải bắt đầu bằng ý thức tự cường dân tộc, bằng sự thấu hiểu thực chất của khái niệm độc lập – tự chủ kinh tế quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa.
Coi như bắt đầu lại từ đầu, không dễ dàng, song ông Thiên cho rằng “không có gì là không thể”. Nhất là khi nhìn vào tương quan so sánh số doanh nghiệp mới thành lập và đăng ký thành lập vẫn nhiều hơn số doanh nghiệp phải đóng cửa, trong điều kiện khó khăn kéo dài vừa qua.
Theo VnEconomy