Cách nào để các tập đoàn đa quốc gia chuyển giao công nghệ cho Việt Nam?

Một khi mà các dự án sản xuất thiết bị của các hãng tên tuổi như: Samsung Electronics Vietnam (SEV), Nokia hay LG… đều được các Tập đoàn đa quốc gia sở hữu 100% vốn đầu tư, thì kỳ vọng họ chuyển giao công nghệ cho Việt Nam như một số ý kiến đề cập là câu chuyện hết sức “lạ thường”.
ảnh minh họa

Với hình thức sở hữu 100% vốn nước ngoài tại các dự án công nghệ cao (high-tech) hiện nay, đang thiếu vắng hẳn một chủ thể tiếp nhận việc chuyển giao công nghệ là đối tác trong nước – người tham gia cùng góp vốn đầu tư và sẽ nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn đa quốc gia. Bởi không có lẽ nào, các tập đoàn đa quốc gia lại đi chuyển giao công nghệ cho Chính phủ nói chung hay cho một chủ thể nào đó chưa xác định theo chỉ định của Chính phủ.
Về nguyên tắc, nhà đầu tư nước ngoài chỉ có thể chuyển giao công nghệ cho đối tác cùng đóng góp vốn để cùng chia sẻ rủi ro và lợi nhuận với họ, một đơn vị cùng đồng cam cộng khổ, hiểu rõ thị trường và công nghệ qua quá trình làm ăn kinh doanh lâu dài, đơn vị sẽ nắm bắt được các yếu tố kỹ thuật, kinh tế và cả thị trường của mặt hàng mà các tập đoàn này sản xuất ra.
Tại thời điểm này, dư luận trong nước cũng như không ít chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách đang rất “hồ hởi” trước việc các đại gia công nghệ chuyển dịch đại bản doanh toàn cầu về Việt Nam. Những cái tên như: Canon, Samsung, LG, và giờ đến Nokia, Microsoft lần lượt xuất hiện tại Việt Nam. Như vậy, hầu hết các tập đoàn điện tử đa quốc gia đã hội tụ tại Việt Nam, biến Việt Nam từ một địa điểm lắp ráp đơn thuần thành nơi sản xuất và cung ứng cho toàn cầu.
Tuy nhiên, nhìn lại quá trình thu hút vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam cho thấy, chúng ta luôn luôn chỉ đóng vai “vị chủ nhà mến khách”, bằng cách đem tài nguyên đất đai cho thuê với giá rẻ và nhiều các cơ chế ưu đãi khác.
Cần có sách lược chuyển giao công nghệ
Vậy làm cách nào để kỳ vọng các tập đoàn đa quốc gia chuyển giao công nghệ cho Việt Nam trở thành hiện thực, khi mà cả một quá trình mấy chục năm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, chúng ta vẫn chưa tìm ra lời giải?
Ông Nguyễn Xuân Phong – một chuyên gia đã kinh qua các cương vị quản lý và đầu tư cấp cao tại nhiều công ty đa quốc gia như Philips, Shell, Cargill, Samsung C&T corporation và đồng thời từng giữ chức Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Đầu tư của Tập đoàn Eurowindow Holding cho rằng, chúng ta chưa có tầm chiến lược trong hoạch định chính sách để thu hút vốn đầu tư nước ngoài và cũng chưa có sách lược cụ thể để ràng buộc các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải chuyển giao công nghệ cho nước ta. Chính điều này đã khiến Việt Nam luôn ở vào vị thế yếu.
Ông Phong cũng cho biết, ở nhiều quốc gia trên thế giới, mà điển hình là Trung Quốc, các tập đoàn đa quốc gia khi đầu tư vào lãnh thổ của nước họ, đều có đối tác trong nước (theo sự chỉ định của Chính phủ) tham gia đóng góp vốn đầu tư để hình thành nên các liên doanh lớn hay các công ty cổ phần lớn, với các điều khoản rất cụ thể về lộ trình tăng dần vốn góp, từ thiểu số (minority) ban đầu lên thành đa số (majority) sau này. Điều này cũng được quy định chặt chẽ trong Điều lệ hoạt động của liên doanh hoặc công ty cổ phần.
Tương tự như thế, các công ty cổ phần hay liên doanh ban đầu đều có những điều khoản hết sức cụ thể trong hợp đồng (license agreement), trong đó quy định chặt chẽ lộ trình (timeframe) cũng như mức phí chuyển giao công nghệ một cách cụ thể theo tỷ lệ phần trăm đóng góp vốn điều lệ của của cổ đông, trong đó bao gồm việc sử dụng nhãn hiệu (brandname), sở hữu trí tuệ (intellectual property)…
“Đây là các cơ sở pháp lý để làm tiền đề cho việc đối tác nước ngoài sẽ chuyển giao công nghệ và các tài sản trí tuệ (bao gồm cả technology transfer, know-how kỹ thuật và quản lý,… ) cho Việt Nam” – ông Phong nói.

Theo Thời báo tài chính