Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) có rất nhiều việc để làm, song có thể bắt đầu bằng sự kiện “Cà phê doanh nhân” hồi tháng 8 vừa qua của Tuyên Quang, khi tỉnh này xếp hạng chót 63/63 về PCI 2013.
ảnh minh họa
Bất ngờ là khi một tỉnh xếp hạng cuối về PCI mà không có khiếu nại lên Thủ tướng hay phát biểu của chủ tịch tỉnh trong phiên họp thường kỳ Chính phủ về việc muốn rút khỏi PCI do phản ánh không đúng nỗ lực của địa phương, thay vào đó, hơn 70 doanh nghiệp (DN) hàng đầu trên địa bàn và hai phó chủ tịch tỉnh cùng nhiều lãnh đạo sở, ngành ngồi “cà phê” với nhau, nói về những khó khăn và cách tháo gỡ vướng mắc trong sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
Báo cáo PCI do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện, với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). PCI đo lường 10 yếu tố về chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh, gồm: gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động của lãnh đạo tỉnh, dịch vụ hỗ trợ DN, chất lượng đào tạo lao động và thiết chế pháp lý.
Qua 9 năm công bố, chỉ số PCI đã trở thành một công cụ trao quyền quan trọng. DN và chính quyền các địa phương ngày càng quan tâm, đánh giá cao về ý nghĩa, tác động của chỉ số này. Chỉ số PCI cũng cho thấy các tỉnh, thành có nhiều hạn chế. Đầu tiên và lớn nhất là nói mà không làm.
Thứ hai, các địa phương, đặc biệt là địa phương phát triển, thường có tư duy không cần làm gì, bởi đã hấp dẫn do có nhiều lợi thế. Thứ ba, tư duy nhiệm kỳ, dù vẫn thực hiện rầm rộ cải cách hành chính nhưng chỉ mang tính trình diễn. Chẳng hạn, tổ chức một hội nghị xúc tiến đầu tư rất lớn, mời lãnh đạo trung ương về xây dựng năng lực cạnh tranh cho địa phương nhưng thực hiện sau đó lại rất khác.
Việc cải thiện chất lượng điều hành, thủ tục hành chính không chỉ có ý nghĩa đối với việc thu hút đầu tư mà còn góp phần sàng lọc đầu tư của địa phương. Điều tra của VCCI nhiều năm liền cho thấy sẽ là “cạnh tranh xuống đáy” nếu các tỉnh đua nhau ưu đãi thuế thu hút đầu tư.
Một nhà đầu tư khi đã chọn Việt Nam là điểm đến, họ sẽ dạo qua một số tỉnh, xem xét và cân nhắc mức độ ưu đãi. Điều này khiến lợi ích quốc gia không đảm bảo, đó cũng là lý do hơn 30 tỉnh phá rào chính sách, buộc Thủ tướng phải “tuýt còi” mấy năm trước.
Một điều nữa, hiện nay các địa phương đều có nhu cầu thu hút đầu tư, nhưng muốn thu hút được đầu tư, thủ tục phải thuận lợi, phải sáng tạo, phải năng động, tức là cách tiếp cận phải rất thực tế. Đối với nhà đầu tư, đặc biệt các nhà đầu tư có chất lượng tốt, có giá trị gia tăng cao đến từ châu Âu hay Mỹ, thì những ưu đãi về thuế, về đất đai không phải là động lực chính.
Nhà đầu tư hiểu rằng thủ tục hành chính ách tắc sẽ phát sinh thêm chi phí, mà các chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều những ưu đãi mà họ nhận được. Họ kỳ vọng vào chất lượng điều hành của địa phương nhiều hơn, do đó, vai trò địa phương rất quan trọng.
Nhìn vào lịch sử cải cách kinh tế của Việt Nam, những thành công hầu hết là từ dưới lên, được thừa nhận rộng rãi, rồi mới được trung ương chấp nhận thành chính sách.
Như vậy, thứ hạng cao thấp trong PCI chỉ có ý nghĩa nhất định, cung cấp thông tin khách quan giúp các cấp chính quyền rà soát việc thực thi chính sách, điều chỉnh các quy định, chính sách không còn phù hợp, đồng thời đẩy mạnh khâu giám sát thực thi chính sách.
Nói cách khác, đánh giá PCI về thực chất là thúc đẩy động lực cải cách, hướng tới việc cải thiện chất lượng cung ứng dịch vụ cho DN, thúc đẩy quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam.
Ngày 18/3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Nghị quyết quan trọng này căn cứ vào hệ thống Chỉ số Kinh doanh của Ngân hàng Thế giới, để đề ra các mục tiêu Việt Nam phải đạt được trong 2 năm tới, trong đó có lĩnh vực thuế và hải quan.
Về thuế: “Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế, đạt mức trung bình các nước ASEAN-6”.
Về hải quan, Chính phủ yêu cầu “đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất, nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu cho DN, phấn đấu thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN – 6”.
Động thái này cùng với những kết quả tích cực PCI mang lại, cho phép hy vọng một sự thay đổi, chuyển đổi rất lớn về tư duy, đó là chuyển đổi từ tư duy nhà nước quản lý (đặc quyền, ban ơn, ban phát…) sang tư duy Nhà nước cung cấp dịch vụ công (tư duy nhà nước phục vụ) đồng hành với sự phát triển.
Theo Giám đốc Dự án PCI