Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có gần trăm doanh nghiệp thay đổi giám đốc điều hành (CEO) mà phần lớn nguyên nhân là hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng.
ảnh minh họa
Thấy gì khi gần trăm CEO phải rời ghế?
Nhiều thách thức đặt ra cho CEO mới của Ngân hàng Quốc Dân khi kế hoạch lợi nhuận mới đạt 4% trong 6 tháng đầu năm
“Ngã ngựa” vì sai phạm
Cuối tháng 7/2014, nguyên lãnh đạo cao cấp nhất Ngân hàng Xây dựng (VNCB) bao gồm Chủ tịch HĐQT Phạm Công Danh, Tổng Giám đốc Phan Thành Mai đồng loạt bị miễn nhiệm ngay trước khi cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt tạm giam vì hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngay sau đó, VNCB đã đề cử nhân sự thay thế và được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt với vị trí Chủ tịch HĐQT là bà Vũ Bạch Yến – nguyên thành viên HĐQT; còn Tổng giám đốc là ông Đàm Minh Đức – nguyên Phó Tổng giám đốc phụ trách khu vực Hà Nội.
VNCB là một trong số những doanh nghiệp có sự chuyển động lớn về nhân sự cấp cao thời gian qua mà nguyên nhân do đội ngũ này để xảy ra sai phạm, bị bắt giữ. Trước VNCB, cuối quý I/2014, Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng rơi vào tình huống tương tự: Nguyên Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Trần Trọng Phúc bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” ngay sau khi thôi chức vụ này.
Từ đó đến nay, vị trí của ông Phúc đã có hai người đảm nhiệm, đó là ông Dương Đức Chuyển (đến 24/6) và ông Nguyễn Quang Phi (từ 25/6 đến nay).
Tại Công ty Cổ phần (CTCP) Vận chuyển Sài Gòn Tourist (STT), HĐQT đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc đối với ông Dư Hữu Danh với lý do được tuyên bố công khai là không đủ năng lực khi để doanh nghiệp liên tục thua lỗ trong năm 2013 và 6 tháng đầu năm 2014. Thay thế vị trí của ông Danh là CEO người Nhật Bản Kakazu Shogo…
Sức ép kế nhiệm
Có thể nói, từ đầu năm đến nay, thị trường nhân sự cấp cao chứng kiến sự xáo trộn mạnh tại hàng loạt doanh nghiệp. Ngoài một số trường hợp CEO “ngã ngựa” vì sai phạm hay quản lý yếu kém như tại VNCB, BVH hay STT kể trên, sự chuyển động vị trí quản lý, điều hành của nhiều doanh nghiệp là do những thay đổi trong đường hướng, chiến lược kinh doanh, hay nhằm tái cơ cấu, hoặc nhiều trường hợp không công bố nguyên nhân cụ thể mà chỉ nêu chung chung là “vì lý do cá nhân”.
Có thể nói, những trường hợp phải thay đổi vị trí quản trị, điều hành như tại VNCB hay BHV, STT là cực chẳng đã. Bởi ngoài sự xáo trộn trong hoạt động, lý do phải thay đổi đã tác động tiêu cực đến hình ảnh của doanh nghiệp, nhất là những trường hợp có tính chất đại chúng cao như VNCB hay BVH. Và rõ ràng, những vị trí thay thế cũng phải gánh trên vai những sức ép không nhỏ.
Chẳng hạn, tại VNCB, mặc dù được sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước, sự hợp tác của ngân hàng Vietcombank, VNCB đã đi qua giai đoạn khủng hoảng, song đến nay, chương trình tín dụng 50 nghìn tỷ của ngân hàng gần như dậm chân tại chỗ với không ít phản hồi nghi ngại.
Hay tại Ngân hàng Quốc Dân, báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm, sau một thời gian dưới sự chèo lái của CEO mới Trần Hải Anh, tăng trưởng huy động và cho vay của ngân hàng đạt 34% và 32,5%. Tuy nhiên, với một số hạn chế đang trong quá trình khắc phục, lợi nhuận 6 tháng của ngân hàng chỉ vỏn vẹn 3,76 tỷ đồng. Điều này tiếp tục đặt lên vai bà Hải Anh và ban lãnh đạo ngân hàng nhiều thách thức, khi kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm của ngân hàng là 96 tỷ đồng…
Theo giao thông vận tải