Alibaba và bí mật đằng sau câu thần chú

“…Cuối cùng thì Alibaba cũng đọc câu thần chú kỳ diệu mở cửa kho báu trong hang sâu”. Việc tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc từ số không đạt được thành công lớn chẳng khác nào cái kết có hậu trong câu chuyện cổ tích Ba Tư.
Ảnh minh họa

Cổ phiếu của Alibaba với mã “BABA” đã gây bão trên sàn chứng khoán New York vào ngày 19/9 vừa qua khi huy động được con số kỷ lục 20,8 tỷ đô la. Theo đó, giá trị thị trường của Alibaba sẽ đạt hơn 200 tỉ đô la Mỹ, vượt qua cả Facebook và Amazon và trở thành một trong 20 công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất nước Mỹ. Chỉ có điều, có đến 88% người Mỹ chưa hề biết đến công ty này.
Sau đây là một số thông tin thú vị về Alibaba có thể bạn chưa biết.
Alibaba và hơn thế nữa
Không chỉ sở hữu Alibaba.com, tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc còn là chủ của hàng loạt các trang con như:
· Taobao: Trang web mua sắm trực tuyến hàng đầu Trung Quốc và hiện cũng là ứng dụng thương mại di động phổ biến nhất tại quốc gia đông dân này.
· TMall: Website bán lẻ giúp khách hàng mua bán trực tiếp từ các nhãn hiệu lớn của Trung Quốc.
· Alibaba.com: Chuyên bán sỉ cho khách hàng quốc tế.
· 1688.com: Chuyên bán sỉ cho khách hàng nội địa.
· Alipay: Cung cấp dịch vụ tương tự PayPal và đã xử lý lượng thanh toán điện tử đạt hơn 623 tỷ đô la chỉ trong năm tài khóa 2014.
· Aliyun: Cung cấp dịch vụ đám mây và cơ sở hạ tầng. Alibaba đã kiếm được 102 triệu đô la từ các dịch vụ này, tăng hơn 26% so với năm ngoái.
Alibaba còn sở hữu rất nhiều website thương mại điện tử và nắm giữ cổ phần tại nhiều hãng công nghệ lớn trên thế giới. Về cơ bản, Alibaba là tổng hợp của eBay, PayPal , Amazon và Amazon Web Services. Một đế chế khổng lồ từ phương Đông được gầy dựng bởi một giáo viên dạy tiếng Anh – Jack Ma.
Những tính toán của Jack Ma
Lại nhắc một chút về nhà sáng lập Jack Ma. Hành trình của Jack Ma và Alibaba có thể viết thành một quyển sách ăn khách. Ông đã tay trắng thành lập công ty tại căn hộ của mình ở Hàng Châu vào năm 1999, và từng bước biến nó thành một tập đoàn trị giá nhiều tỷ đô la.
Jack Ma hiện nắm 8,9% cổ phần tại Alibaba và từng cùng vài người trong số 26 thành viên khác trong ban quản trị đã thực hiện các quyết định đầu tư chồng chéo công tư và sử dụng một số khoản vay được Alibaba tài trợ.
Trong hồ sơ IPO của mình, Alibaba khẳng định sẽ tiến hành một số bước để hạn chế lợi ích cá nhân của Jack Ma qua các giao dịch. Ma sẽ hoàn lại bất kỳ lợi nhuận nào từ các cụ đầu tư này Alibaba hoặc quyên góp cho các tổ chức từ thiện.
Có ý kiến cho rằng thành công của Alibaba ngày hôm nay ít nhiều nhận được sự hậu thuẫn từ chính phủ Trung Quốc. Alibaba cũng vừa tiết lộ rằng Boyu Capital, được cho là “sân sau” của cháu trai cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân đang nắm giữ 0,55% cổ phần.
Rapid Ratings, một công ty phân tích tài chính cho rằng, những mối quan hệ gần gũi với chính phủ có thể là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư kiếm tiền. Tuy nhiên, một số nhà đầu tư vẫn còn hoài nghi về tính minh bạch của công ty này. James Sanford, quản lý danh mục đầu tư của Sag Harbor Advisers, nói với tờ Wall Street Journal: “Không vì một số lượng lớn các nhà đầu tư Mỹ chấp nhận mua cổ phiếu của công ty này mà có nghĩa là nó không có vấn đề”.
Thật ra, Alibaba cũng phải đối mặt với không ít rủi ro về chính sách. Tiêu biểu là việc Alipay tách khỏi tập đoàn vào năm 2011.
Theo quy định của luật pháp Trung Quốc, những định chế tài chính ngoài ngân hàng phải được Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cấp phép thì mới được cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Do đó, Jack Ma đã quyết định tách Alipay ra thành một công ty độc lập. Sau đó, Alibaba phải đối mặt với cáo buộc của hai cổ đông lớn là Yahoo! và Softbank vì bí mật chuyển nhượng không có sự đồng ý của cổ đông, nhưng cuối cùng quyền lợi của các bên được giải quyết ổn thỏa.
Thế lực mới trong thương mại điện tử toàn cầu
Mặc dù Alibaba kiếm lợi nhuận khủng từ thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh chóng ở Trung Quốc, nhưng công ty này đang đầu tư mạnh vào thị trường Mỹ. Alibaba đã mở trang 11Main tại Mỹ, là một website thương mại điện tử chuyên bán các sản phẩm cao cấp như quần áo, hàng hóa và đồ trang sức.

Alibaba cũng chi mạnh tay để thâu tóm cổ phần các công ty công nghệ ở Mỹ, chủ yếu là các công ty mới khởi nghiệp trong lĩnh vực di động và thương mại điện tử. Tháng 3 vừa rồi, Alibaba đổ 215 triệu đô la cho ứng dụng tin nhắn Tango.
Alibaba cũng đầu tư vào Lyft của Andreessen Horowitz 250 triệu USD, tài trợ 170 triệu đô la cho Fanatics – một nhà bán lẻ trực tuyến kỷ vật thể thao.
Gần đây nhất, Alibaba đầu tư 120 triệu USD vào công ty video game Kabam mới thành lập và giành được một chỗ trong ban quản trị. Đó là chưa kể Shoprunner và các công ty khác mà Alibaba đầu tư trong năm ngoái. Chưa dừng lại ở đó, có tin đồn Alibaba từng muốn mua lại Snapchat.
Alibaba cũng triển khai các chương trình khuyến mại lớn ở châu Âu và Mỹ Latinh. Alibaba đang hợp tác với công ty dịch vụ bưu chính thuộc sở hữu của chính phủ Brazil là Correios cho phép các doanh nghiệp nhỏ sử dụng hệ thống thanh toán điện tử của Alipay để bán sản phẩm ở Trung Quốc.
Tại Ý và Pháp, Alibaba đã ký thỏa thuận với các chính phủ để bán hàng dễ dàng hơn trên TMall. Và đừng quên cổ phần trị giá 250 triệu đô của Alibaba tại Singapore Post. Để đổi lại, các công ty này có cơ hội tiếp cận trực tiếp thị trường Trung Quốc. Đây cũng là một giao dịch khá hời trong bối cảnh hầu hết các công ty này tập trung vào điện thoại di động và thương mại điện tử.
Trong quý 1/2014, 40% lượng điện thoại thông minh được bán ra trên toàn cầu được bán tại Trung Quốc.

Đối thủ đang ở sau lưng
Alibaba cũng phải cẩn thận các đối thủ mạnh đang bám theo sát nút. Dù Alibaba đã kiểm soát 76,4 % thị trường bán lẻ qua điện thoại di động của Trung Quốc nhưng không thể đánh giá thấp các công ty đang lên.
Mạng xã hội và công ty trò chơi trực tuyến Tencent đang là một đối thủ đáng gờm nhờ vào sự phổ biến rộng rãi ứng dụng tin nhắn WeChat. Tính đến tháng 5 năm nay, WeChat đã có 396 triệu người sử dụng hàng tháng mà hầu hết là ở Trung Quốc. Đó là con số rất đáng kinh ngạc khi so sánh với Whatsapp có 465 triệu người dùng trên toàn cầu.
Công ty thương mại điện tử lớn thứ hai của Trung Quốc là JD.com được hưởng lợi trực tiếp sau khi Tencent công bố đang giữ 15% cổ phần của JD. Đây là lần đầu tiên Alibaba đã phải đối mặt với một đối thủ cạnh tranh hùng mạnh đến vậy.
Từ thế giới ảo đến thế giới thực
Ai cũng biết Alibaba đã góp phần tạo ra một số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ thông qua các nền tảng thương mại điện tử như Taobao và TMall.
Tuy nhiên, nhiều người có thể không biết rằng có không ít nơi tại Trung Quốc, người dân kiếm sống chủ yếu vào việc kinh doanh trên Alibaba. Chúng được gọi là “Những ngôi làng Taobao”. Chẳng hạn như ngôi làng Qingyanliu ở tỉnh Chiết Giang.
Vài năm trước Qingyanliu là một ngôi làng yên tĩnh với khoảng 1.000 nông dân. Chỉ sau vài năm, toàn bộ dân làng đã mở cửa hàng trực tuyến Taobao để mua bán tất cả mọi thứ, từ đồ gia dụng đến quần áo, xe hơi. Quang cảnh nhộn nhịp ở trung tâm ngôi làng thật đáng kinh ngạc. Xe tải lớn nhỏ ra vào ngày đêm để giao hàng và các chủ tiệm dường như không thể kịp đóng gói để chuyển hàng trên toàn Trung Quốc.
Thực tế là phần lớn người dân Trung Quốc không sống gần đô thị hoặc trung tâm mua sắm lớn, do đó đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để bán lẻ trực tuyến bùng nổ.
Nếu so sánh với Mỹ, nơi khách hàng thích mua sắm tại các cửa hàng thì doanh số bán hàng thương mại điện tử trong quý đầu tiên của năm 2014 chỉ chiếm 6,2 % tổng doanh thu bán lẻ (theo Cục Điều tra dân số Mỹ). Con số này tăng trưởng chỉ 2,8 % so với năm trước.
Ở Trung Quốc, doanh số bán hàng thương mại điện tử chiếm đến 7,9 % tổng doanh thu (theo iResearch). Chỉ riêng Taobao, TMall và trang web mua theo nhóm Juhuasuan đã có 255 triệu khách hàng và 8 triệu cửa hàng hoạt động trong năm tài chính 2014. Trên toàn bộ cả các trang web Alibaba, đã có 12,7 tỷ giao dịch được xử lý trong năm 2013, tương đương với khoảng 34 triệu giao dịch mỗi ngày.
Thị trường thương mại điện tử tại Trung Quốc sẽ đạt 713 tỷ đô la. Thế nên không khó hiểu vì sao lại tồn tại những ngôi làng Taobao nhộn nhịp đến vậy.

Theo DNSG