Thép Việt Nam đang phải cạnh tranh gay gắt với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, nay lại chuẩn bị đối mặt với hàng nhập khẩu từ Liên minh Hải quan Nga, Belarus và Kazakhstan (VCUFTA).
Ảnh minh họa
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Trung Quốc là nước xuất khẩu mặt hàng thép sang các nước nhiều nhất. Thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào khiến doanh nghiệp (DN) phải giảm sản lượng, sản xuất cầm chừng, một vài DN đóng cửa, nhiều DN chỉ sản xuất 40-50% công suất, làm tăng chi phí cố định trên mỗi tấn sản phẩm.
Không chỉ chịu sức ép từ thép Trung Quốc, gần đây, việc Việt Nam sắp ký kết Hiệp định Thương mại tự do với VCUFTA lại dấy lên mối lo đối với ngành thép trong nước. Theo đó, Việt Nam sẽ cắt giảm thuế suất của các mặt hàng thép về mức 0% từ đầu năm 2015.
Trước tình trạng dư cung của ngành, đầu tháng 4, Bộ Tài chính đã nâng thuế nhập khẩu đối với một số mặt hàng thép lên mức từ 8-15%. Như vậy, nếu VCUFTA sớm được ký kết và thuế suất 0% được áp dụng ngay lập tức thì các DN thép trong nước sẽ đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn.
Theo phân tích của Công ty RongViet Research, trong Liên minh thuế quan trên thì chỉ có Nga có tổng sản lượng thép đứng thứ 5 toàn cầu trong năm 2013 (69,4 triệu tấn) và cách khá xa Trung Quốc (779 triệu tấn), so với Việt Nam là 5,6 triệu tấn (đứng thứ 26).
Xuất khẩu sắt thép của Nga đạt 23,6 triệu tấn (chiếm hơn 34% tổng lượng sản xuất của nước này), nhưng ngành thép nước này đang đối mặt với tình trạng dư cung với nhu cầu tiêu thụ nội địa thấp hơn 70% tổng công suất.
VCUFTA có thể được coi là một trong những cách giúp các DN thép tại Nga giảm bớt khó khăn. Việt Nam hiện nhập khẩu khoảng 100 triệu USD thép các loại từ Nga, chỉ chiếm 0,92% giá trị nhập khẩu thép của cả năm.
Theo VSA, với lợi thế về giá thành và nếu VCUFTA được thông qua, thép Nga sẽ nhanh chóng gia tăng sự hiện diện tại thị trường Việt Nam. Hoàn toàn có khả năng các DN thép Việt Nam sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa khi thép của Nga ồ ạt tràn vào.
Tuy bị áp lực và nhiều thách thức, nhưng tại Hội thảo Ngành thép và gia công kim loại do Motul Tech (thuộc Tập đoàn Motul) tổ chức mới đây, các chuyên gia cũng cho rằng: “Thị trường thép và gia công kim loại Việt Nam vẫn được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển.
Bởi vì, Việt Nam vẫn đang trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước, việc thu hút đầu tư nước ngoài đang có nhiều thuận lợi khi ngày càng có nhiều thương hiệu, tập đoàn đa quốc gia chọn Việt Nam là nơi đặt nhà máy như Samsung, Intel, Toyota… Đặc biệt, riêng trong ngành thép cũng có những dự án FDI quy mô hàng tỷ USD đang được triển khai như Formosa Hà Tĩnh, Posco SS Vina”.
Cũng theo đánh giá của RongViet Research, những DN có lợi thế về giá thành và vốn vẫn có khả năng cạnh tranh, còn lại sẽ dần bị đào thải cho dù có VCUFTA hay không.Vì vậy, các DN thép có nội lực mạnh đều đang chạy đua đầu tư để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Ông Mori Mitsuhiro, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thép Vina Kyoei, cho biết, cuối năm nay, Vina Kyoei sẽ hoàn thành nhà máy luyện thép và dây chuyền cán thép số 2 với tổng vốn đầu tư 20 triệu USD.
Ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Công ty Thép Việt, cũng cho biết: “Ngay giai đoạn suy thoái (2009 – 2012), Thép Việt đã đổ 300 triệu USD vào Nhà máy Pomina 3 (Phú Mỹ, Bà Rịa – Vũng Tàu). Mục đích là nắm bắt cơ hội trong khó khăn với chiến lược đầu tư dài hạn, dù biết rằng điều này góp phần làm tình hình kinh doanh của Thép Việt từ năm 2013 đến nay luôn gặp khó”.
Công ty Thép Nam Kim cũng có kế hoạch đầu tư thêm 1 dây chuyền cán nguội công suất khoảng 200.000 tấn/năm và một dây chuyền mạ hợp kim nhôm kẽm công suất khoảng 100.000 tấn/năm (dự kiến vận hành vào năm 2015) với tổng vốn đầu tư khoảng 400 tỷ đồng…
Tuy nhiên, TS. Nguyễn Duy Thông, Khoa Công nghệ Vật liệu – Đại học Bách Khoa, nhận định: “Chỉ một số ít công ty thép trong nước mới có đủ năng lực đầu tư đón đầu cạnh tranh, còn lại đa số đều có quy mô sản xuất nhỏ, công nghệ lạc hậu do ít đầu tư mà chỉ tập trung nhập phôi về để cán thép. Các DN phải nỗ lục thay đổi, đầu tư bài bản và cải tiến công nghệ là hết sức cần thiết. Đó cũng chính là cách tự cứu mình”.
Ông Duy Thái cũng thừa nhận: “Vấn đề của ngành thép Việt Nam hiện nay là có quá ít DN đầu tư bài bản, chủ yếu là đầu tư ngắn hạn. Một phần do DN còn nghi ngại chính sách.Vì thế, điều cần làm hiện nay là Nhà nước làm sao để khôi phục và xây dựng lòng tin nơi các DN, đặc biệt là các DN nội địa”.
VSA cũng kiến nghị hỗ trợ DN ngành thép xây dựng các biện pháp phòng vệ thương mại, như xem xét điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất thép chân chính.
Đồng thời, VSA cũng đề nghị đưa mặt hàng sắt thép vào danh mục hàng hóa cần được bảo hộ có lộ trình để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các nhà sản xuất thép trong nước.
Theo DNSG