Gắn nhãn hàng hóa như thế nào?

Hàng hoá nào cần gắn nhãn, nội dung trình bày như thế nào, cách thức gắn nhãn sao cho đúng,… là quy định mà doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối hàng hóa cần lưu ý.
Ảnh minh họa

Thứ nhất, về đối tượng ghi nhãn hàng hóa: Theo quy định pháp luật, hàng hoá lưu thông trong nước, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu đều phải ghi nhãn, ngoại trừ các loại hàng hóa sau: (i) hàng hoá là thực phẩm tươi, sống, thực phẩm chế biến không có bao bì và bán trực tiếp cho người tiêu dùng và (ii) hàng hoá là nhiên liệu, nguyên liệu, vật liệu xây dựng, phế liệu không có bao bì và bán trực tiếp theo thoả thuận với người tiêu dùng.
Đối với hàng hóa xuất khẩu, PLF lưu ý các tổ chức, cá nhân nước ngoài nhập khẩu có yêu cầu ghi nhãn hàng hoá theo hợp đồng mua bán hàng hoá và chịu trách nhiệm về yêu cầu của mình thì doanh nghiệp được thực hiện theo hợp đồng, với điều kiện những yêu cầu này không được làm sai lệch bản chất của hàng hoá, không vi phạm pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước nhập khẩu.
Thứ hai, về nội dung của nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hoá phải tuân thủ các quy định sau:
1. Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa gồm: tên hàng hoá; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; xuất xứ hàng hoá.
Ngoài các nội dung bắt buộc nêu trên, tuỳ theo tính chất của mỗi loại hàng hoá mà nhãn hàng hóa phải thể hiện các nội dung bắt buộc khác theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.
Ví dụ: Đối với hàng hóa là thực phẩm thì trên nhãn hàng hóa cần phải có các nội dung khác như: định lượng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thành phần;…
2. Ngôn ngữ trình bày:
Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hoá nêu trên phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ một số trường hợp như tên quốc tế, tên khoa học của thuốc, hóa chất hoặc tên, địa chỉ của nhà sản xuất ở nước ngoài thì được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh. Các nội dung khác trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác.
Trường hợp hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hoá. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Những nội dung ghi trên nhãn phụ không được gây hiểu sai so với nội dung của nhãn gốc và doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực đối với các nội dung này.
3. Hình thức trình bày:
Đối với những nội dung bắt buộc theo quy định thì chữ và chữ số phải có màu tương phản với màu nền của nhãn hàng hoá. Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.
Thứ ba, về cách thức gắn nhãn hàng hóa: Nhãn hàng hoá phải được gắn trên hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hoá.

Theo Công ty Luật PLF