Theo ông Nguyễn Văn Thông, Trưởng phòng Đào tạo trường CĐ nghề TP.HCM, doanh nghiệp nước ngoài rất “mê” tính chịu khó, cần cù, chuyên môn tốt của lao động Việt Nam, mà giá thuê lại tương đối rẻ hơn lao động trẻ nhiều nước.
Ảnh minh họa
Đó là lý do cơ bản khi nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến đối tác ở Việt Nam là các trường đào tạo nghề để “đặt hàng” các ngành như điện, hàn, cơ khí và sắp tới có một số ngành mới là điều dưỡng, thợ sửa tàu điện ngầm…
Tay nghề được đánh giá tốt
Ông Lâm Thế Xương, Tổng giám đốc Tập đoàn Hồng Hải của Đài Loan mới đây trong buổi hội thảo về Đào tạo nhân lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ theo nhu cầu doanh nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức, cho biết: “Giữa năm 2008, chúng tôi cần 20.000 nhân công và những năm sắp tới sẽ cần tới khoảng 100.000 lao động cho các nhà máy mà chúng tôi đang xây dựng ở Việt Nam”.
Không chỉ doanh nghiệp của ông Xương mà còn nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đã ký kết với nhiều trường ĐH-CĐ, các trường nghề để đào tạo và sẵn sàng đón nhận SV-HS sau tốt nghiệp.
Không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng các trường nghề là nơi đào tạo và cung cấp lao động đáp ứng nhu cầu của các đối tác trong khu vực ngày càng tăng mạnh. Mới đây, 99 học sinh ngành hàn của trường CĐ Nghề Lilama 2 cũng đã lên đường sang Vương quốc Ả Rập để làm việc trong các công trình ống dẫn khí, với mức lương khởi điểm từ 500 – 650 đô la/tháng, theo chương trình xuất khẩu lao động do Công ty dầu khí Petro Mê Kông tuyển chọn. Được biết trong nhiều chương trình đào tạo theo địa chỉ thì trường Lilama 2 cũng đã cử nhiều học sinh đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan, Nhật.
Rào cản ngoại ngữ
Theo ông Nguyễn Văn Thông, hiện trường đang đào tạo hơn 500 học viên ngắn hạn do các doanh nghiệp gửi gồm các chuyên gia lao động và kỹ thuật. Các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ trực tiếp qua trường kiểm tra trình độ chuyên môn, kiểm tra an toàn lao động, cách ứng xử, tác phong công nghiệp và ngoại ngữ… Các ngành xuất khẩu lao động nhiều nhất là điện tử, cơ khí, điện. Ông Thông cho biết thêm phía đối tác Hàn Quốc hoàn toàn hài lòng về chuyên môn của học viên. Họ chỉ băn khoăn về trình độ ngoại ngữ. Có nhiều bạn trẻ sang tới nơi nhưng do tiếng Hàn yếu, ngôn ngữ bất đồng nên chán nản, làm việc không hiệu quả phải nghỉ mặc dù mức lương họ trả rất cao, từ 1.000 – 1.800 USD.
Bên cạnh ngoại ngữ còn một rào cản khác. Đó chính là khoản tiền đặt cọc mỗi học viên cần phải đóng trước khi “xuất ngoại”. Ông Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng phòng Công tác chính trị HS-SV trường CĐ Cao Thắng cho biết có doanh nghiệp yêu cầu tiền thế chấp lên tới 9.000 đô la khiến phía HS không thể “chạy” được, trừ khi gia đình “liều” đi vay ngân hàng rồi hằng tháng người lao động gửi tiền về trả.
Ông Dũng cho biết thêm mới đây có công văn của Công ty cổ phần cung ứng nhân lực Việt Nhật đề nghị tuyển 60 công nhân các ngành tiện, phay, gò, hàn sang làm tại Nhật với mức lương năm đầu là 9,5 triệu đồng/tháng, các năm tiếp theo là 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên để được tuyển dụng, ngoài trình độ tay nghề, học viên phải tham gia một khóa học tiếng Nhật và nếu sau đó trình độ ngoại ngữ quá “í ẹ” thì vẫn bị loại như thường.
Vì thế việc trường CĐ Nguyễn Tất Thành (TP.HCM) đang xúc tiến thành lập Trung tâm dạy tiếng Nhật để tương lai đưa nhiều HS sang lao động tại Nhật, là một hướng đầu tư đúng. Một cán bộ của trường cho biết trường đang ký với đối tác Nhật về một khóa học điều dưỡng và trong tương lai sẽ là ngành tàu điện ngầm. Hiện những sinh viên đầu tiên của ngành điều dưỡng của trường đã được phía Nhật và một số doanh nghiệp trong nước ký nhận về làm việc ngay sau khi tốt nghiệp.