Doanh nghiệp bị “móc túi” tiền tỷ

Trước những bức xúc, thiệt thòi mà các Doanh nghiệp XNK phải gánh chịu, Bộ GT-VT, Cục Hàng Hải, VCCI cùng các cơ quan liên quan khác đang đấu tranh quyết liệt để giảm chi phí bất hợp lý cho chủ hàng VN.
Ảnh minh họa

Theo báo cáo từ Tổng cục Hải quan, từ đầu năm đến nay, số lượng DN thực tế có tham gia hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa khoảng trên 50.000. Chỉ riêng tiền phí và phụ phí, mỗi năm các hãng tàu nước ngoài thu của DN VN tới 29.000 tỷ đồng.
Đề nghị loại bỏ phụ phí bất hợp lý
Mổ xẻ nguyên nhân khiến các chủ hàng phải chịu đựng một loạt phụ phí bất hợp lý trong suốt một thời gian dài, các chuyên gia cho rằng, về nguyên tắc, các chủ hàng có thể từ chối nộp phụ phí, không sử dụng dịch vụ của chủ tàu. Nhưng tại VN, các chủ hàng không có “cửa” lựa chọn nhà vận tải khác vì các hãng tàu đã chia nhau các tuyến vận tải đến từng nước. Đội tàu biển VN lại chưa đủ năng lực vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nên các chủ hàng thường phải sử dụng hình thức mua CIF, bán FOB nên quyền thuê phương tiện chủ yếu phụ thuộc vào đội tàu nước ngoài và đối tác nước ngoài. Mặt khác, hiện không có văn bản của VN quy định về việc thu, nộp, tăng các loại phụ phí; quy định về việc quản lý, giám sát thu phụ phí nên các DN xuất nhập khẩu VN phải trả từ 12-15 loại phụ phí, đồng thời rất khó đấu tranh để bảo vệ quyền lợi.
Dù biết việc trả phụ phí bất hợp lý nhưng các DN không còn cách lựa chọn nào vì phải xuất hàng theo hợp đồng đã ký kết cho đối tác nước ngoài. Để bảo đảm giá cả cạnh tranh, các DN đã tiết kiệm chi phí sản xuất nhưng chính những khoản thu phụ phí bất hợp lý từ các hãng tàu đã làm tăng chi phí cho DN, làm giảm khả năng cạnh tranh hàng hóa, giảm hiệu quả kinh doanh.

Sẽ xử lý mạnh tay
Bộ GT-VT sẽ phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công thương… yêu cầu chủ tàu, các đại lý phải giải trình cho minh bạch căn cứ thu, dừng thu ngay những loại phí, lệ phí nào bất hợp lý.
Đầu tháng 10 vừa qua, Bộ GTVT đã thành lập Tổ công tác liên ngành bao gồm đại diện Bộ Giao thông vận tải (Cục Hàng hải Việt Nam, Vụ Vận tải); Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Cục Quản lý giá); Bộ Công thương (Cục Xuất nhập khẩu, Cục Quản lý cạnh tranh); Phòng Thương mại và Công nghiệp VN; các Hiệp hội: Chủ hàng VN, Cảng biển VN với nhiệm vụ trực tiếp làm việc với hãng tàu biển nước ngoài, chủ hàng hóa xuất nhập khẩu VN để làm minh bạch việc thu phí, phụ phí; so sánh với quy định của pháp luật VN và thông lệ quốc tế; đề nghị hãng tàu ngừng thu ngay một số loại phí không hợp lý; đưa ra cơ chế quản lý, giám sát việc thu và nộp phí, phụ phí vận tải của chủ tàu và chủ hàng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Được biết, Tổ công tác này được quyền yêu cầu các hãng tàu dừng thu các loại phí bất hợp lý, thậm chí được kiểm tra, xác minh tại DN.

Tuy nhiên, theo đại diện Tổng cục Thuế, khi chưa phát hiện các chủ tàu nước ngoài có gian lận về thuế, phí, rất khó chính danh để Tổ công tác của Bộ GTVT “lật ngược thế cờ”. Để có cơ chế giám sát tốt và xử lý triệt để tình trạng này, chính các DN cần phải mạnh dạn đấu tranh, nhất là dẹp bỏ tâm lý e dè vì sợ gây trở ngại sau này khi phải công khai đứng ra phản đối việc loạn giá thu phụ phí của các hãng tàu.
Theo Cục Hàng Hải VN, rõ ràng là cần phải có sự vào cuộc của nhà nước, các Bộ, ngành liên quan, các hiệp hội để điều tiết, chấn chỉnh việc loạn thu phụ phí của các hãng tàu như hiện nay. Tuy nhiên, ngoài việc các Bộ, ngành, Hiệp hội phải thống nhất quan điểm và làm việc với các DN vận tải nước ngoài để giảm thiểu được chi phí bất hợp lý còn cần thống nhất nội dung, nhiệm vụ mà Tổ công tác đề ra trong thời gian tới, theo quan điểm tìm hiểu tất cả các khía cạnh liên quan đến các chủ hàng, chủ tàu, đại lý để làm rõ những loại phí không phù hợp với pháp luật VN và thông lệ quốc tế và yêu cầu hãng tàu phải chấm dứt ngay việc thu những loại phí này.

Theo dddn