Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ trước cử tri. Thủ tướng khẳng định, phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6; tiếp tục giảm mạnh thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu ngang bằng với các nước ASEAN-6…
Ảnh minh họa
Báo cáo tình hình kinh tế, xã hội của đất nước, Thủ tướng cho biết, mức nợ công đã nằm trong giới hạn an toàn cho phép của Quốc hội. Nợ nước ngoài chủ yếu là vay ưu đãi với thời hạn bình quân 20 năm, mức lãi suất 1,6%. Từ đầu kỳ họp Quốc hội đến nay, Chính phủ đã nhận được 149 phiếu chất vấn, trong đó có 17 phiếu chất vấn Thủ tướng. Các văn bản trả lời cũng đã được gửi đến từng đại biểu.
Nợ xấu đã được kiểm soát
Một trong những vấn đề được nhiều ĐB quan tâm là vấn đề xử lý nợ xấu, trong đó cần làm rõ nợ xấu của ngân hàng. ĐB Thân Đức Nam (Đoàn ĐB TP Đà Nẵng) cho rằng, nợ xấu đã vượt khả năng xử lý của ngân hàng thương mại, làm nền kinh tế trì trệ, ảnh hưởng đến nền kinh tế vĩ mô. Ngân hàng nhà nước đã cố gắng nhưng thiếu sự can thiệp của Chính phủ, mà để giải quyết thì cần phải có sự động bộ gồm giải pháp, nguồn lực… thì nợ xấu mới giảm, mới kéo được nền kinh tế khỏi trì trệ. Ông Nam chất vấn: “Chính phủ có chủ trương gì giải quyết?”.
“Chúng ta không có và không dùng ngân sách để giải quyết nợ xấu ngân hàng. Chúng ta vẫn có cách để giải quyết. Theo tính toán, đến năm 2015, nợ xấu trong hệ thống tín dụng sẽ trở về mức khoảng 3%, ở mức thông thường nợ xấu của các tổ chức tín dụng” – Thủ tướng nhấn mạnh và cho hay Quốc hội cũng đã nhấn nút thông qua nghị quyết ngân sách, vì vậy sẽ không còn khoản nào cho việc này.
Thực tế, nhìn lại những thời điểm được cho là cực kỳ khó khăn của hệ thống ngân hàng, nợ xấu ở mức báo động. Nếu như tháng 9/2012 tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%. Nợ xấu làm cho nhiều DN không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.
Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các Đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu. Mục tiêu của xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống.
Nhờ sự nỗ lực của Chính phủ, trực tiếp là Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 10/2014, chúng ta đã xử lý được 54,3% tổng số nợ xấu được xác định tại thời điểm tháng 9/2012 (465 nghìn tỷ đồng). Những giải pháp chủ yếu như: Thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm, trong đó có bán nợ xấu cho Cty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC). Cty này đã mua gần 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 – 4,2% . Năng lực quản trị, tình hình tài chính, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được cải thiện, đáp ứng cơ bản vốn cho yêu cầu sản xuất kinh doanh và bảo đảm an toàn hệ thống.
Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Theo nhiều ĐB, thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh nước ta còn nhiều hạn chế, cải thiện còn chậm, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh. Đây thực sự là một điểm nghẽn chính của nền kinh tế VN nếu không thoát ra được thì chúng ta sẽ mãi luẩn quẩn trong cái “bẫy của thu nhập trung bình” như nhiều chuyên gia quốc tế đã cảnh báo. Hạn chế này cũng là nỗi băn khoăn của nhiều ĐB Quốc hội tại phiên chất vấn Chính phủ.
Trả lời chất vấn ĐB Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, thời gian tới, Chính phủ đề ra một số giải pháp phát triển kinh tế gồm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tăng các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế; Hiện đại hóa công nghệ trong các DN, phát triển nhanh công nghiệp phụ trợ; Phát triển mạnh và toàn diện nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo hệ đại học, đẩy nhanh đào tạo nghề chất lượng cao; Thu hút nhà đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao; Thực hiện nhất quán cơ chế thị trường, đẩy nhanh tái cơ cấu, tạo điều kiện để phát triển kinh tế tư nhân… “Những giải pháp này sẽ được thực hiện đồng bộ, mạnh mẽ” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, trong năm 2015 và thời gian tới, Chính phủ tập trung vào 3 đột phá được cho là chiến lược gồm: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; đột phá về con người tức là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đột phá về tái cơ cấu gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết và chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực về thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, cấp phép xây dựng, đất đai, tiếp cận điện năng, thành lập, giải thể DN, thủ tục đầu tư…
Cùng với đó, Chính phủ đã ban hành và sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản pháp quy nhằm đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế và tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong năm 2014, bằng việc đẩy mạnh kê khai thuế điện tử, thời gian nộp thuế của DN giảm từ 537 giờ/năm xuống còn 247 giờ/năm. Chính phủ cũng chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển, Cơ chế một cửa hải quan quốc gia. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về, bảo hiểm xã hội, thành lập, tổ chức lại, giải thể DN và nhiều thủ tục khác đều được giảm khoảng 50%.
Từ những nỗ lực trên, Môi trường kinh doanh công bố tháng 10/2014 của Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng môi trường kinh doanh của VN tăng 21 bậc, từ 99 lên 78/189. Theo Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu công bố tháng 9/2014 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số năng lực cạnh tranh của VN tăng 2 bậc, từ 70 lên 68/148 nền kinh tế. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm của VN (Moodys nâng từ mức B2 lên B1, Fitch nâng từ B+ lên BB- và đều đánh giá với triển vọng ổn định).
Mặc dù đã có nhiều cải thiện, nhưng môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Theo đánh giá của WEF về năng lực cạnh tranh: Singapore xếp thứ 02, Malaysia thứ 20, Thái Lan thứ 31, Indonesia thứ 34, Philippines thứ 52, VN thứ 68. Chính vì vậy, theo các ĐB, những thứ hạng này buộc Chính phủ phải tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ hơn nữa. Chính phủ phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta đạt và vượt mức trung bình của các nước ASEAN-6. Đây là tiền đề quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong thời gian tới.
Theo dddn