WTO ra phán quyết có lợi cho tôm VN: Vững niềm tin cho DN thủy sản

Việc Ban hội thẩm của WTO chính thức ra các phán quyết liên quan đến khiếu kiện của VN về việc Mỹ áp thuế chống phá giá lên mặt hàng tôm nước ấm đông lạnh của VN (vụ kiện tôm DS/429) một lần nữa giúp ngành thủy sản VN cũng như các DN XK tự tin bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong các tranh chấp thương mại quốc tế.
Ảnh minh họa

Việc có tới 7/11 phán quyết có lợi cho vụ kiện tôm của VN, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá và việc khẳng định Mỹ sử dụng phương pháp zeroing trong vụ tôm XK của VN là không phù hợp với quy định của WTO, và Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này cũng cho thấy tính minh bạch, công bằng của WTO cũng như Luật pháp thương mại quốc tế
Còn nhớ, vào năm 2012 các DN XK thủy sản VN yêu cầu WTO xem xét việc Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của VN và cho rằng, căn cứ trên hiệp định thuế quan và mậu dịch trước đây, cũng như quy định của WTO thì các biện pháp mà Mỹ đang áp dụng không phù hợp. Trước yêu cầu đó, tháng 2/2013, WTO thiết lập nhóm xem xét vụ tranh chấp, nhóm này đã có báo cáo về vụ việc vào tháng 9/2014. Sau khi xem xét, mới đây ban hội thẩm WTO đã kết luận, một số biện pháp mà Mỹ áp dụng với tôm VN không phù hợp với quy định của WTO. Do vậy, Mỹ cần phải điều chỉnh các quy định phù hợp với Hiệp định chống bán phá giá của WTO cũng như Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT 1994), xem xét thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá…
Mặc dù vậy, vào tháng 9 vừa qua, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vẫn đưa ra phán quyết vô lý khi giữ nguyên mức thuế chống bán phá giá đối với tôm VN nhập khẩu vào Mỹ. Theo đó, 32 DN XK tôm VN phải chịu thuế chống bán phá giá đối với tôm đông lạnh, trong đó mức thuế được công bố là cao bất thường và giữ nguyên mức thuế suất toàn quốc là 25,76%.
Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP cho rằng, phán quyết của ban hội thẩm WTO có tác động lớn tới các DN trong việc vượt qua “rào cản” chống bán phá giá của Hoa Kỳ. Đây đồng thời là cơ hội lớn cho con tôm VN chứng minh được không bán phá giá và có thể rút ra khỏi vụ kiện. Tuy nhiên, theo thủ tục, VN vẫn còn phải tiếp tục tham gia việc kháng cáo lên ban phúc thẩm, bởi hiện nay mới chỉ có 7/ 11 nội dung có lợi, còn 4 nội dung vẫn chưa được phán quyết do vậy cần tiếp tục kháng cáo để WTO có thể ra một phán quyết đầy đủ hơn.
Trao đổi với DĐDN, một vị luật sư cho rằng thông thường trong thương mại quốc tế cũng như WTO, khi hội thẩm đã đưa ra phán quyết có lợi thì gần như đến phúc thẩm sẽ dựa trên kết quả của hội thẩm nếu kiểm tra thấy các quy trình điều tra, xem xét của hội thẩm tuân thủ đúng các bước.
Giới phân tích cũng cho rằng, mặc dù con đường đi đến kết luận cuối cùng vẫn còn xa và cũng chưa thể biết được chính xác phán quyết cuối cùng của WTO sẽ như thế nào nhưng có một điều chắc chắn, vụ kiện DS/429 sẽ là một bài học “xương máu” cho các DNVN, đặc biệt không chỉ với các DN XK tôm mà còn nhiều mặt hàng khác khi XK vào thị trường Mỹ. Bởi lẽ, về bản chất, các biện pháp áp dụng thuế chống bán phá giá của Mỹ được nhìn nhận là một biện pháp bảo hộ của Chính phủ đối với các DN nội địa. Tuy nhiên, giải pháp này khá tốn kém nên chỉ những chính phủ am hiểu Luật WTO như Mỹ mới vận dụng để bảo hộ DN trong nước.

Theo dddn