TS.Nguyễn Đức Kiên: “Có ngân hàng báo lỗ cũng tốt”

“Lỗ thì phải báo lỗ. Đó là hoạt động thực chất của các ngân hàng đối với xã hội cũng như trách nhiệm của ngân hàng đối với cổ đông. Thế nên, có ngân hàng nào báo lỗ cũng tốt, cho người dân có thêm một sự lựa chọn”, TS. Nguyễn Đức Kiên nói.
Ảnh minh họa

Kể từ đầu năm tới nay, thị trường đón nhận thông tin khá nhiều ngân hàng công bố báo lỗ như: Eximbank lần đầu tiên từ khi lên sàn năm 2009 lỗ 222 tỷ đồng trong quý IV/2013 do kinh doanh ngoại hối và một phần do thu nhập lãi suất sụt giảm; Ngân hàng Quân đội (MB), thành viên dẫn đầu nhóm lợi nhuận năm 2013 cũng phải chứng kiến nợ xấu tăng gấp rưỡi và lợi nhuận của hầu hết các hoạt động kinh doanh đều giảm so với cùng kỳ năm trước…
Gần đây nhất, Ngân hàng Đông Á (DongABank) cũng báo lỗ 76 tỷ đồng trong quý III/2014…
Bên hành lang Quốc hội, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đã trao đổi về hoạt động kinh doanh ngân hàng hiện nay.
Theo đánh giá của ông, đâu là nguyên nhân có một số ngân hàng báo lỗ từng quý, trong khi nó không xuất phát từ khó khăn của nền kinh tế?
Đó là do quản trị kém. Việc một số ngân hàng lỗ là vì họ tham quá. Không quản trị được mà cứ mở rộng quy mô ra, huy động thêm vốn. Trong khi đó, việc kiểm soát nguồn vốn vay của họ không tốt. Họ không kiểm soát được khách hàng dùng vốn vay đó để làm gì.
Khách hàng vay tiền, nói là để sản xuất kinh doanh nhưng lại mua ô tô vài chục tỷ để chạy, mua nhà hoành tráng, cho con đi học nước ngoài… Như vậy là không sử dụng tiền đúng với mục đích vay. Thực tế đó cho thấy việc giám sát các khoản vay của những tổ chức tín dụng đó có vấn đề.
Hoặc có thể, khách hàng thỏa thuận với người cho vay với tỷ lệ trích vài % trong khoản vay để không giám sát việc chi tiêu khoản vay đó, chứ không phải là các tổ chức tín dụng không biết.
Có những ngân hàng đã quản trị kém nhưng vẫn mở rộng quy mô bằng cách sáp nhập với tổ chức tín dụng khác. Ông bình luận gì về hiện tượng này?
Có thể, trước khi sáp nhập với nhau, họ quản trị không tốt, theo kiểu ngân hàng quản trị tốt nhưng không có vốn, ngân hàng có vốn nhưng quản trị không tốt. Hai bên hợp lại để bổ sung những thiếu sót của nhau.
Ông đánh giá thế nào về 8 tổ chức tín dụng đã thực hiện tái cơ cấu theo hướng sáp nhập thời gian qua. Đến nay những ngân hàng này đã ổn định chưa?
Tôi không nhìn nhận nó đóng vai trò quan trọng gì trong thị trường, mà quan trọng là tái cơ cấu để cho những tổ chức tín dụng đó sống lành mạnh. Nó như là con bệnh và giải pháp đó đã giúp ngăn ngừa không lây sang ngân hàng khác nữa. Ngân hàng Nhà nước điều trị những ngân hàng đó để cho họ khỏi bệnh.
Thực tế cho thấy, trước đây nợ xấu của những ngân hàng này rất lớn, khả năng mất thanh khoản có thực. Sau khi sáp nhập thanh khoản ổn định, tình hình hoạt động ổn định, nợ xấu từ từ giảm.
Quan trọng nhất là sau khi sáp nhập, các tổ chức tín dụng đó buộc phải giảm lãi suất xuống, giảm lãi xuống. Việc giảm lãi đó bao gồm cả phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, bao gồm cả thanh toán, xử lý nợ xấu giữa các tổ chức tín dụng với nhau.
Điều tôi thấy lớn nhất đó là sau khi sáp nhập không có ngân hàng nào bị phá sản, tính thanh khoản ổn định, các phòng giao dịch của những ngân hàng này vẫn hoạt động bình thường. Còn việc lỗ lãi, kể cả các tổ chức tín dụng lớn thì có thể năm trước có lãi, năm sau lại bị lỗ. Đó là việc bình thường trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể thấy rằng, việc tái cơ cấu ngành ngân hàng đã khiến nhiều ngân hàng bộc lộ những yếu điểm của mình?
Không phải tái cơ cấu để bộc lộ những yếu điểm, mà mong muốn các ngân hàng hoạt động ổn định, thực chất. Lỗ thì phải báo lỗ, lãi thì phải báo lãi. Đó là hoạt động thực chất của các ngân hàng đối với xã hội cũng như trách nhiệm của ngân hàng đối với cổ đông. Thế nên, có ngân hàng nào báo lỗ cũng tốt, cho người dân có thêm một sự lựa chọn.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói vẫn còn những sở hữu chéo chưa minh bạch. Điều này cho thấy việc xử lý sở hữu chéo không hề đơn giản?
Sở hữu chéo được sinh ra từ năm 1996 đến nay. Sau gần 20 năm sinh ra và bảo 2 năm phải giải quyết được vấn đề đó thì chả có logic tí nào.
Vậy với Việt Nam thì cần bao nhiêu năm để giải quyết được những sở hữu chéo lũng đoạn, thưa ông?
Không nói thời gian được. Sở hữu chéo tồn tại trong bất cứ nền kinh tế thị trường nào. Vấn đề cần nói ở đây là sở hữu chéo tạo nên tài sản ảo của các tổ chức tín dụng, mới là cái chúng ta đang nói.
Chứ còn sở hữu chéo nước nào cũng có, điển hình là nước Nhật. Sở hữu chéo của Nhật là doanh nghiệp sở hữu ngân hàng, ngân hàng sở hữu doanh nghiệp, để hai bên hỗ trợ nhau. Nhưng vấn đề là họ không tạo ra tài sản ảo, vốn ảo.
Thế nên, vấn đề ở Việt Nam là xử lý tài sản ảo, chứ không phải là tài sản chồng.
Vấn đề là mình phải làm cho vốn ngân hàng, tài sản ngân hàng phải là thật và đi vào sản xuất thật, chứ không phải là vốn ảo.
– Xin cảm ơn ông!v

Theo dân trí