Trước đây, khi cần vốn, các doanh nghiệp Việt có quy mô nhỏ và vừa (SME) thường đến gõ cửa nhiều địa chỉ khác nhau, nhưng ngân hàng ít khi nào nằm trong số đó. Ngày nay, dù lãi suất đang trên đà giảm mạnh và đã có nhiều sản phẩm và dịch vụ ngân hàng hơn dành cho SME, nhưng nhóm doanh nghiệp này vẫn khó tiếp cận vốn vay.
Ảnh minh họa
Trên thế giới, để thu hẹp khoảng cách giữa ngân hàng và SME, các cơ quan quản lý đã phải vào cuộc. Nhưng ở Việt Nam, mọi thứ dường như đang bị lãng quên.
Khoảng hở giữa SME và ngân hàng
Dù chiếm số lượng lớn trong bất kỳ nền kinh tế nào, nhưng SME vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động, mà trong đó, đói vốn luôn là rào cản lớn nhất, theo khảo sát SME toàn cầu của Ngân hàng Thế giới. Khu vực SME luôn thiếu vắng bóng dáng của các ngân hàng, vì phần lớn dòng vốn đã rẽ vào các doanh nghiệp lớn hơn. Đây là khoảng hở muôn thuở giữa SME và ngân hàng.
Theo khảo sát thường niên về SME năm 2013 của nhóm nghiên cứu (bao gồm Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương, Đại học Copenhagen và Viện Khoa học Lao động và Xã hội) công bố vào đầu tháng 11 vừa qua, chỉ có 26% số doanh nghiệp SME tại Việt Nam tiếp cận được với các nguồn tín dụng chính thức. Số còn lại tìm kiếm vốn từ nguồn phi chính thức (có thể là tín dụng đen, hoặc vay mượn từ bạn bè, gia đình).
Một xu hướng thấy rõ là các ngân hàng đang hạn chế cấp vốn tín dụng cho khu vực này kể từ khi những bất ổn trong hệ thống ngân hàng lộ rõ. Lẽ dĩ nhiên, ngân hàng thường từ chối hồ sơ vay vốn của các SME, vì thường các doanh nghiệp này sẽ có những vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo, hay thiếu số liệu tài chính minh bạch.
Tuy nhiên, sẽ khá ngạc nhiên khi thấy rằng chính các SME chủ động không đi vay thêm. Có thể thấy, số doanh nghiệp nộp đơn xin vay vốn ngân hàng đã giảm rõ rệt trong những năm gần đây, từ mức 37,1% năm 2009 xuống còn 25,9% năm 2013, theo báo cáo khảo sát SME của nhóm nghiên cứu nói trên. Điều này dù không mới nhưng là bằng chứng nghiên cứu chính thức đầu tiên tại từng doanh nghiệp SME, một lần nữa cho thấy sức cầu của 98% số doanh nghiệp nói trên trong nền kinh tế đang suy giảm mạnh.
Một lý do viện dẫn cho nhu cầu vay giảm là lãi suất vẫn ở mức cao. Cũng theo báo cáo trên, lãi suất trung bình hằng tháng cho các khoản vay chính thức đối với các doanh nghiệp SME giảm còn 1,2%, tương đương 14,4%/năm (năm 2011 ở mức 1,7%/tháng). Trong khi đó, mức lãi suất cho vay trung bình năm 2013 của toàn thị trường xoay quanh con số 13% (vay dài hạn), theo Ban Kinh doanh Vốn và Tiền tệ của Ngân hàng BIDV.
Vì sao mức lãi suất áp dụng cho SME vẫn ở mức cao? Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, cho biết có doanh nghiệp vay với lãi suất cao và có doanh nghiệp vay với lãi suất thấp. “Lãi suất khoản vay thế nào tùy thuộc vào mức độ khả thi của dự án”, ông nói.
Có lẽ các SME không gặp may với các ngân hàng trong thời điểm này, vì sau quá trình tăng vốn nhanh của cả hệ thống là quá trình thoái nợ cùng xử lý nợ xấu. Ngân hàng giờ đây vô cùng thận trọng trong việc xét duyệt khoản vay, nhất là với các SME có độ rủi ro cao.
Một lý do khác là nguồn cung tín dụng của ngân hàng không hẳn dồi dào, dù nguồn vốn huy động vẫn đang tăng trưởng tốt. Sở dĩ như vậy là vì các ngân hàng tập trung vào các dự án lớn nhiều hơn, nên phần dành cho SME ắt hẳn sẽ phải giảm bớt. “Ngân hàng thường ưu tiên dự án lớn nhiều hơn”, ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, cho biết.
Vietcombank, trong báo cáo Ban điều hành ở Đại hội cổ đông năm 2014, cũng đề cập đến thực tế này. “Tỉ trọng cho vay cá nhân, SME đã tăng nhưng chưa xứng với tiềm năng. Tăng trưởng tín dụng với khách hàng doanh nghiệp vẫn tập trung vào một số khách hàng lớn mang tính truyền thống, số khách hàng mới vẫn còn ít”, báo cáo viết.
Đi tìm miếng ghép
Miếng ghép nào sẽ lấp được khoảng thiếu hụt giữa các SME và ngân hàng? Trên thế giới, có hai cách tiếp cận khác nhau để xử lý vấn đề này. Thứ nhất là để mặc cho thị trường tự điều chỉnh. Có thể lấy dẫn chứng từ Wells Fargo. Dù thuộc vào nhóm 5 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất nước Mỹ, Wells Fargo vẫn dành phần lớn nguồn lực cho thị trường SME và đang dẫn đầu trong phân khúc này.
Tất nhiên, miếng ghép này phụ thuộc nhiều vào mức độ phát triển của thị trường tài chính, cũng như các điều kiện kinh doanh có liên quan ở Mỹ. Vì vậy, ở nhiều quốc gia khác như ở Đông Nam Á, Đông Á, châu Phi, Nam Mỹ, chính phủ thường chọn biện pháp can thiệp nhiều hơn để xóa đi khoảng hở này. Theo đó, cách tiếp cận thứ hai là tạo ra các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đến nguồn vốn dễ dàng hơn.
Tại Việt Nam, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn vẫn có như Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), hay hệ thống các quỹ bảo lãnh tín dụng ở địa phương. Tuy nhiên, hoạt động của loại hình bảo lãnh này là không hiệu quả, theo đánh giá của ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright. Lý do ông đưa ra chủ yếu là quy mô vốn của loại hình này quá nhỏ khó có thể đảm bảo cho doanh nghiệp được vay. “Việc nộp đơn xin vay vốn bảo lãnh thậm chí còn khó hơn cả điều kiện để vay vốn ngân hàng”, ông Tuấn nói.
Có lẽ vì vậy mà để thúc đẩy vốn vào doanh nghiệp SME, Nhà nước cũng đã đưa ra các lĩnh vực ưu tiên để cho vay, trong đó có SME. Chẳng hạn, từ năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép SME trong cách lĩnh vực ưu tiên tiếp cận khoản vay với lãi suất thấp hơn từ 1-2 điểm phần trăm so với lĩnh vực kinh doanh khác. Nhưng kết quả vẫn là doanh nghiệp khó tiếp cận được vốn.
Ngay cả các cơ quan quản lý cũng nhận thấy rõ những vấn đề này. Báo cáo của Cục Phát triển Doanh nghiệp, thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014, dẫn lại nguồn từ Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ chế chính sách về bảo lãnh tín dụng cho SME trong thực tế là không khả thi, dù đã được bổ sung và sửa đổi nhiều lần. Từ năm 2011 đến nay, VDB và ngân hàng thương mại đã dừng không thực hiện chính sách mà chỉ tập trung vào việc xử lý, thu hồi nợ.
“Kết quả này cho thấy một bức tranh xám màu hơn so với 2 năm trước do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính vẫn còn tiếp diễn”, báo cáo điều tra SME của nhóm nghiên cứu nói trên kết luận.
Theo NCĐT