Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng nhiều đối tượng được vay vốn cũng như tăng thời gian được hưởng ưu đãi lãi suất vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 32/2014/TT-NHNN.
Ảnh minh họa
Nhiều DN phát triển nhà ở xã hội đã và đang tích cực đẩy mạnh đồng bộ tiến độ thi công, thị trường phân khúc nhà ở xã hội sẽ bớt “khát” cung (ảnh: Nhà ở xã hội tại Xuân Mai, hà Nội do Vinaconex làm chủ đầu tư).
Nhiều chuyên gia cho biết với lãi suất ưu đãi rất thấp và thời hạn cho vay kéo dài, khả năng cao là tiến độ giải ngân gói tín dụng hỗ trợ sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khi trên thị trường phải có hàng chục dự án nhà ở thương mai có giá bán đang ở mức trên dưới 1-1,5 tỷ đồng. “Đây là cơ hội để thị trường tiếp tục điều chỉnh giá. Những dự án nào có mức trên 1,05 tỷ đồng sẽ lựa chọn phương án điều chỉnh để tạo cơ hội cho khách hàng tiếp cận gói tín dụng, gia tăng sức bán của dự án”.
Tích cực cho người mua nhà
Theo Thông tư này, ba nhóm khách hàng được bổ sung vào nhóm hưởng gói vay ưu đãi đều thuộc về các khách hàng cá nhân. Cụ thể, nhóm thứ nhất là khách hàng cá nhân mua nhà ở thương mại tại dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị trên địa bàn đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt có tổng giá trị hợp đồng mua bán (kể cả nhà và đất) không vượt quá 1,05 tỷ đồng. Nhóm thứ hai là khách hàng cá nhân tại đô thị đã có đất ở phù hợp với quy hoạch và đang gặp khó khăn về nhà ở nhưng chưa được Nhà nước hỗ trợ dưới mọi hình thức được vay vốn để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà. Nhóm thứ ba là hộ gia đình, cá nhân có phương án đầu tư cải tạo hoặc xây dựng mới nhà ở xã hội phù hợp với quy định của pháp luật để bán, cho thuê, cho thuê mua.
Việc mở rộng ba nhóm khách hàng bên cạnh nhóm đối tượng cũ là các cán bộ, công chức, viên chức, giáo viên… đã cho thấy cơ quan quản lí ngày càng “tiến bộ” trong việc nới lỏng gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Trên thực tế, không nới cũng không… xong bởi sau 1 năm rưỡi triển khai gói tín dụng, tính đến ngày 15/10, báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết tổng số tiền các ngân hàng đã cam kết giải ngân theo chương trình là gần 7.950 tỷ đồng, dư nợ 3.576 tỷ, tức mới được gần 12% gói hỗ trợ.
Nhưng thiếu… ưu đãi cho DN
Trên thực tế phần lớn các DN phát triển nhà ở xã hội hiện nay đều chưa có sản phẩm để chào bán.
Nhìn ở khía cạnh DN, “ưu đãi” hỗ trợ và mở rộng đối tượng được hưởng gói vay, cũng đã là một cách gián tiếp hỗ trợ DN. Song trên thực tế phần lớn các DN phát triển nhà ở xã hội hiện nay đều chưa có sản phẩm để chào bán. Do đó, mở cửa cho người vào kích hoạt mãi lực – cầu mua nhà mà không mở cho phía phát triển nhà để tăng cung, thì mấu chốt của việc chậm giải ngân gói tín dụng ưu đãi đã tồn tại hơn một năm nay, bên cạnh các thủ tục phức tạp và quy định ngặt nghèo từ phía ngân hàng, vẫn chưa giải quyết được. Hơn nữa, Thông tư 32 không có điều chỉnh ưu đãi gì mới cho phía DN nhà ở xã hội, vô hình chung lại khiến các DN nhóm này… thiệt thòi khi họ và đang tiếp tục có nhu cầu tín dụng lãi suất thấp, thời hạn hưởng ưu đãi dài hơn để mạnh dạn tham gia phát triển dự án, khi bị cũng bị “ấn” trần lợi nhuận không quá 10% – mức không thể gọi là hấp dẫn đối với đầu tư phát triển địa ốc.
Một DN đang có đất và muốn phát triển dự án nhà ở xã hội cho thuê, theo “gương” Viglacera ở Hà Nội chia sẻ với quy định hiện nay, DN khó có thể cho người thuê nhà ở xã hội thuê với hợp đồng lâu hơn thời hạn 5 năm. Trong khi đó, vốn vay ưu đãi cho DN để phát triển dự cũng chỉ được kéo dài 5 năm. Tiền thu được từ cho thuê nhà là nhỏ giọt, khác với kinh doanh bán nhà chỉ kéo dài một giai đoạn là chấm dứt. Vậy phải chăng Nhà nước không mong muốn và khuyến khích DN phát triển nhà ở xã hội cho thuê? Cùng quan điểm, TGĐ Cty Địa ốc Hùng Tín chia sẻ với quy định khá mở rộng cho cả đối tượng được hưởng gói tín dụng ưu đãi khi mua nhà ở thương mại tổng hợp đồng trị giá 1,05 tỷ đồng, thì “cầm chắc DN nhà ở xã hội sẽ gặp khó”.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA khẳng định với DĐDN: những quy định đối tượng mở rộng được hưởng gói vay ưu đãi theo TT 32 là hoàn toàn hợp lí. Nhưng sẽ tốt, công bằng và có lợi cho thị trường lẫn người tiêu dùng hơn nếu bổ sung kịp thời hai nhóm đối tượng nữa. Thứ nhất, nhóm các cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn. TP HCM mỗi năm đều có trên 50.000 cặp vợ chồng trẻ mới kết hôn. Nhóm thứ hai là các DN bất động sản vừa và nhỏ, có dự án có giá thành dưới 1,05 tỷ đồng và đang dở dang. Nếu cho vay các nhóm này sẽ vừa kích thích phía cầu, vừa góp phần tăng cung đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp.
Theo dddn