Trong bức thư gửi các cổ đông của Amazon, Bezos đã chỉ rõ rằng ông sẽ không bao giờ chấp thuận một ý tưởng kinh doanh mới, như việc mở một hiệu sách, nếu nó không vượt qua được 4 bước kiểm tra sau đây:
– Phải chắc chắn rằng lợi nhuận từ kế hoạch này có thể thỏa mãn được các nhà đầu tư đã bỏ tiền vào Amazon.
– Phải chắc chắn rằng hướng kinh doanh mới có thể phát triển đến quy mô tương xứng so với quy mô của toàn tập đoàn.
– Phải có niềm tin rằng thị trường này vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển.
– Phải có đủ khả năng để mang lại một trải nghiệm khách hàng khác biệt với phần còn lại của thị trường
Bezos cho rằng ý tưởng mở những hiệu sách đã không vượt qua được các bài kiểm tra nêu trên trừ yêu cầu về quy mô.
“Chúng ta không biết cách để thực hiện nó với mức đầu tư thấp và lợi nhuận cao; ngành bán lẻ truyền thống là một ngành kinh doanh lâu đời với nhiều mánh khóe nơi mà người ta đã làm rất tốt; chúng ta không có ý tưởng nào về việc xây dựng trải nghiệm khác biệt theo hướng tích cực dành cho khách hàng trong hiệu sách,” Bezos viết.
Nhưng giờ đây khi Bezos thay đổi ý định và Amazon đã mở hiệu sách đầu tiên, và có kế hoạch mở thêm các hiệu sách khác, thì dường như công ty này đã tìm ra cách để vượt qua cả 4 bài kiểm tra.
Thực tế thì hiệu sách đầu tiên của Amazon đã chứng minh được khả năng mang lại một trải nghiệm mua hàng khác biệt. Người đọc sách sẽ không thấy bảng giá cho các cuốn sách, bởi giá thay đổi thường xuyên theo giá bán trực tuyến. Thay vào đó, cạnh mỗi cuốn sách là đánh giá và bình luận của người đọc trên trang web. Hiệu sách cũng gợi ý các cuốn sách bạn có thể quan tâm dựa trên lựa chọn ưa thích của bạn. Amazon thậm chí còn đang phát triển một ứng dụng di động cho phép khách hàng mua sách mà không cần qua quầy thanh toán.
Hiệu sách của Amazon đã cho chúng ta thấy trải nghiệm mua hàng truyền thống có thể thay đổi được. Nếu như Amazon có thể tìm được cách tạo ra lợi nhuận từ những hiệu sách thì chúng ta sẽ sớm nhìn thấy nhiều hơn những hiệu sách mang bảng hiệu Amazon.
Theo Trí Thức Trẻ