Đồng bộ biển hiệu sẽ làm suy giảm hiệu quả kinh doanh?

Việc đồng bộ hóa về kích thước và màu sắc biển hiệu tại phố Lê Trọng Tấn, Hà Nội làm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.


Ảnh minh họa

Sau khi tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn (Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội) đoạn nối từ Tôn Thất Tùng đến sông Lừ chính thức thông xe đã có không ít ý kiến trái chiều về biển hiệu, màu sắc kích cỡ cho hoạt động kinh doanh trên tuyến đường này.

Tuyến đường dài 1,5 km được xây dựng với công nghệ tiên tiến, cây xanh hai bên đường được trồng mới hoàn toàn, hệ thống dây điện, cáp viễn thông, truyền hình được hạ ngầm gọn gàng. Không còn tình trạng mái che, mái vẩy; biển hiệu quảng cáo được lắp đặt đồng bộ về kích thước, kiểu dáng với 2 màu chủ đạo xanh, đỏ. Tuy nhiên, việc đồng bộ hóa về kích thước và màu sắc này đã làm xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận.

Nhiều người cho rằng, đây là bước đột phá của Hà Nội về chỉnh trang, thực hiện văn minh đô thị, giải được bài toán về tình trạng quảng cáo, biển hiệu lộn xộn trên địa bàn thanh phố hiện nay. Điều đó tạo nên một hình ảnh mới trong mắt người dân.

Bà Trần Thị Lan, ngõ 192, phố Lê Trọng Tấn, thấy “đường phố sạch đẹp văn minh hẳn lên. Từ ngày có đường dân phấn khỏi, đi trên đường thấy thoải mái vừa thoáng mát, phong cảnh đẹp hơn. Biển quảng cáo, biển kinh doanh đấy cũng làm văn minh đường phố hơn, tránh tình trạng lồi ra thụt vào…”

Bên cạnh đó, cũng không ít ý kiến cho rằng, đây là sự hạn chế sáng tạo trong nghệ thuật quảng cáo cũng như khó phân biệt các thương hiệu, dẫn tới lẫn lộn, thiếu nét đặc sắc riêng của mỗi cửa hàng. Anh Tạ Văn Nhạ, kinh doanh quần áo trẻ em số 140 Lê Trọng Tấn cho biết, từ khi tuyến đường được đưa vào sử dụng, doanh số kinh doanh cửa hàng anh bị giảm 30 đến 40% so với trước. Sự đồng nhất kích thước, màu sắc biển hiệu làm các khách hàng khó nhận ra cửa hàng, thương hiệu. Vì vậy lượng khách giảm đi rất nhiều.

Dưới góc độ chuyên môn về kiến trúc, xây dựng, kiến trúc sư Lê Văn Kiên cho rằng, cách tiếp cận của Ủy ban nhân dân quận Thanh Xuân và các ngành chức năng thành phố Hà Nội trong việc đồng bộ hóa các biển hiệu là đáng ghi nhận. Khác xa với thực trạng trên các tuyến phố hiện nay là “mạnh ai nấy làm”, biển hiệu, biển quảng cáo đa kích thước, đa sắc màu, thò ra thụt vào…

Tuy nhiên, theo kiến trúc sư Lê Văn Kiên, không nên khống chế hai màu sắc chủ đạo xanh và đỏ. Bởi nhiều sản phẩm, thương hiệu tồn tại trong công chúng, người mua hàng màu sắc đặc trưng vốn có. Cùng với đó là lắp thêm đèn chiếu sáng cho biển hiệu, vì vào ban đêm hệ thống biển hiệu này gần như không phát huy tác dụng. Theo ông Kiên, về màu sắc, ánh sáng nên để các cơ quan, cửa hàng buôn bán được quyền chọn lựa. Nếu đồng nhất màu sắc, ánh sáng thì mất cái đặc thù, thương hiệu của từng sản phẩm…

Ông Đặng Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Khương Mai, quận Thanh Xuân khẳng định: Trước khi triển khai chỉnh trang biển quảng cáo, dưới sự chỉ đạo của Quận, UBND phường đã tiến hành vận động tuyên truyền và có biên bản khảo sát, xin ý kiến đóng góp về nội dung chỉnh trang biển hiệu đến từng hộ dân và được nhân dân đồng thuận rất cao.

Ông Đặng Minh Tuấn cũng lưu ý, đây là biển hiệu chứ không phải là biển quảng cáo: “Trước khi làm, UBND phường cũng đã phối hợp với UBND quận tuyên truyền đến bà con nhân dân và bà con rất ủng hộ, và chúng tôi cũng đã gắn các biển mẫu lên để bà con chiêm ngưỡng. Thực tế là nếu bà con nhân dân không ủng hộ thì chúng tôi không thể làm được. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thì có những ý kiến, và chúng tôi sẽ tiếp thu hoàn thiện”.

Những ý kiến trái chiều trước việc đồng bộ hóa biển hiệu trên tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn là điều dễ hiểu. Phản hồi này đang được chính quyền cơ sở cũng như các cơ quan liên quan của thành phố Hà Nội tổng hợp, đánh giá nhằm đưa ra một giải pháp tối ưu nhất trong thời gian tới.

Theo VOV