Tôi xin nêu ra đây những ý kiến của giáo viên về thực hiện Thông tư 30 với mong muốn nhận được sự chia sẻ của đồng nghiệp và phụ huynh học sinh.
Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả bài viết.
Vừa rồi, trong một đợt công tác về cơ sở, tôi tổ chức được một số “Hội nghị bàn tròn” nhỏ tại 4 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Nghệ An để trao đổi với giáo viên về đánh giá học sinh tiểu học theo tinh thần của Thông tư 30 sau 2 năm thực hiện.
Xin nêu ra đây mong nhận được sự chia sẻ của các đồng nghiệp và các bậc cha mẹ học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Tiền Phong 1, huyện Quế Phong- một huyện miền núi của tỉnh Nghệ An: Chúng tôi ủng hộ tinh thần chung của Thông tư 30 vì Thông tư yêu cầu phải thường xuyên đánh giá, giúp đỡ học sinh tiến bộ; điều này rất phù hợp với học sinh miền núi.
Học sinh miền núi cho điểm 9, 10 hay 4, 5 không quá quan trọng đối với các em mà điều quan trọng là hàng ngày học trò được giáo viên giúp đỡ, dạy dỗ thế nào để học được cái chữ.
Phụ huynh học sinh suốt ngày trên nương lo cái ăn cho cả nhà, nhiều người không biết chữ, trăm sự nhờ cô giáo nên cho điểm hay ghi nhận xét chẳng quan trọng đối với họ.
Cái họ quan tâm là đến trường được cô giáo dạy dỗ cho biết cái chữ để sau này đỡ khổ. Ở miền núi, sỹ số học sinh ít nên làm theo Bộ và Sở GD&ĐT hướng dẫn, chúng tôi thấy không khó khăn.
Tuy nhiên, người dân họ không đọc nhận xét của cô giáo, học sinh có đọc lời nhận xét cũng không hiểu nên đề nghị không ghi nhiều chữ vào vở học sinh mà nên hướng dẫn cụ thể bằng lời nói trực tiếp, bằng chỉ dẫn để các em hoàn thành bài học.
Giáo viên miền núi dạy ở thôn bản, gần dân nên có thể tranh thủ gặp phụ huynh để trao đổi thêm, không cần Sổ liên lạc với phụ huynh vì cô giáo có ghi vào số họ cũng không đọc.
Giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Quang, thị xã Thái Hòa: Thực hiện đúng cách đánh giá thường xuyên theo Thông tư 30 chính là để học sinh được quan tâm, giúp đỡ hàng ngày qua lời động viên, lời khuyên hay bằng sự tư vấn của giáo viên; học sinh cũng đỡ áp lực vì phải phấn đấu điểm cao để cha mẹ khen thưởng; từ đó, sinh ra đối phó, thậm chí dối trá.
Nhưng thực tế khi áp dụng Thông tư 30, nhiều giáo viên phải đối phó về hồ sơ, sổ sách, nhất là giáo viên dạy môn chuyên như Âm nhạc, Mỹ thuật vì họ phải dạy hàng mấy trăm học sinh mà hàng tháng phải ghi hồ sơ theo yêu cầu của Thông tư nên nhiều giáo viên đã phải sao chép lời nhận xét trên mạng cho hoàn thành hồ sơ.
Trưởng phòng GD&ĐT Tiểu học thị xã Thái Hòa cho ý kiến: Nên đề nghị Bộ GD&ĐT cho phép bỏ sổ theo dõi chất lượng thay vào đó thì hàng ngày, giáo viên ghi lại vào nhật ký công tác của mình những điều, những học sinh cần đặc biệt quan tâm.
Cuối học kỳ, giáo viên bộ môn cung cấp thông tin cho giáo viên chủ nhiệm ghi vào học bạ về sự hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực và kết quả học của học sinh.
Giáo viên Trường Tiểu học Châu Thành, Quỳ Hợp:Chúng tôi cố gắng làm theo hướng dẫn của Bộ và Sở GD&ĐT nhưng thấy khó nhất là ghi tổng hợp hàng tháng vào Sổ theo dõi chất lượng. Khi chấm bài cho học sinh, ghi thế nào để học sinh biết mà sửa lỗi là quan trọng nhất chứ chỉ ghi chung chung như “Cô khen con” hay “cần cố gắng” thì rất nhàm chán.
Nhiều giáo viên ở thành phố Vinh: Ở thành phố Vinh, sỹ số học sinh trên 50 em/lớp, nếu thực hiện theo quy định của Thông tư 30 thì giáo viên không làm nổi, nhất là giáo viên dạy môn chuyên.
Năm học 2015 – 2016, Sở GD&ĐT đã cải tiến nhiều hồ sơ giúp giáo viên giảm được gánh nặng về hồ sơ nhưng một số hiệu trưởng vẫn yêu cầu giáo viên phải làm theo thông tư 30 cho an toàn!
Khi được hỏi, tất cả giáo viên đều ủng hộ việc bỏ sổ theo dõi chất lượng vì hình thức, tạo gánh nặng không đáng có cho giáo viên.
Qua những cuộc trò chuyện trên, tôi thiết nghĩ, một chủ trương dù đúng, hiện đại, nhân văn đến đâu nhưng muốn có đất sống thì phải được người thực hiện nó thấu hiểu và ủng hộ, đem lại lợi ích cho các giáo viên, học sinh và cộng đồng.
Theo Giáo Dục Việt Nam