Chăm lo từng bữa ăn bán trú cho học sinh

 Mặc dù còn nhiều khó khăn, song tỉnh Sơn La đã nỗ lực ban hành nhiều chính sách và chỉ đạo thực hiện hỗ trợ công tác nấu ăn tập trung (NATT) cho học sinh bán trú trong các trường phổ thông đã đem lại hiệu quả tích cực và tổ chức thực hiện tốt nhất những chủ trương, chính sách hỗ trợ học sinh bán trú của Đảng, Chính phủ, đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân lực tại chỗ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh nhà.


Ảnh minh họa

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Trong những năm qua, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã có những cơ chế, chính sách kịp thời đối với diện học sinh bán trú, học sinh vùng đồng bào dân tộc. Tuy nhiên, Sơn La là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất của các trường có học sinh bán trú còn nhiều bất cập; Các điều kiện để tổ chức NATT như: Nơi ở bán trú của học sinh, bếp ăn, nhà ăn bán trú, nguồn nước sạch, hệ thống công trình vệ sinh hợp vệ sinh, còn thiếu thốn rất nhiều. Công tác triển khai NATT ban đầu còn nhiều lúng túng.

Mặt khác, đời sống nhân dân vùng đồng bào dân tộc, vùng cao còn nhiều khó khăn nên việc vận động thực hiện chủ trương xã hội hóa để thực hiện NATT cho học sinh bán trú còn rất hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, kết quả triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách đó.

Để huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào cuộc chăm lo đến đời sống bán trú cho học sinh, Tỉnh ủy Sơn La đã chỉ đạo HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 61 (ngày 12/12/2013) và Nghị quyết số 81 (ngày 16/7/2014) về chính sách hỗ trợ tổ chức NATT bán trú tại các trường phổ thông trên địa bàn tỉnh; Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mua đồ dùng nấu ăn, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe học sinh, vệ sinh an toàn thực phẩm và công tác bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất, an ninh trật tự trong nhà trường. Đối tượng các trường phổ thông được thụ hưởng chính sách hỗ trợ NATT bán trú của tỉnh cũng được mở rộng.

Sau khi thí điểm thành công tại Trường Phổ thông cơ sở xã Háng Đồng (huyện Bắc Yên) trong năm học 2012 – 2013, việc tổ chức NATT trong các trường phổ thông có học sinh bán trú đã được mở rộng trong toàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 228 trường phổ thông tổ chức NATT cho 27.432 học sinh, tăng thêm 97 trường so với năm học trước.

Để thực hiện chính sách này, các huyện trong tỉnh đã bố trí 1.100 nhân viên (trong đó: Nhân viên nấu ăn là 684 người, nhân viên bảo vệ là 219 người, nhân viên chăm sóc sức khỏe y tế học đường là 197 người); Đồng thời thực hiện chi trả đầy đủ chế độ chính sách cho các nhân viên theo đúng quy định. Các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội như: Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã chủ động phối hợp cùng nhà trường và nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng các hạng mục như nhà bếp, vườn rau trong trường; Cán bộ công chức, giáo viên, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội cùng nhân dân địa phương đóng góp hàng nghìn ngày công ủng hộ vật chất để các trường thực hiện tốt việc tổ chức NATT.

Kết quả là toàn tỉnh đã huy động được gần 22,3 tỷ đồng từ các nguồn lực xã hội hóa để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng cho thực hiện tổ chức NATT bán trú. Trong đó đóng góp bằng tiền là trên 11,7 tỷ đồng; Đóng góp bằng hiện vật quy ra tiền là trên 10,3 tỷ đồng; Đã có 3.950 mét vuông đất được hiến tặng, quy ra tiền là 229 triệu đồng. Công đoàn ngành Giáo dục Sơn La đã phát động cán bộ, giáo viên, công nhân, viên chức trong ngành quyên góp được 2,1 tỷ… Đã có 1.524 phòng ở bán trú, 222 công trình nhà bếp, 331 nhà vệ sinh, 157 công trình nước sinh hoạt và giếng nước phục vụ sinh hoạt, nấu ăn bán trú được xây dựng, 204 trường có vườn rau, nhiều trường học đã cơ bản tự túc được rau xanh; tổ chức chăn nuôi gia cầm, nuôi lợn để cải thiện bữa ăn hàng ngày, góp phần giáo dục kỹ năng sống, ý thức lao động cho học sinh.

Góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Quá trình triển khai, tổ chức NATT ở các trường đã mang lại kết quả thiết thực tăng khẩu phần ăn, chất dinh dưỡng hàng ngày cho học sinh bán trú. Nhiều trường đã tổ chức ăn 3 bữa trong ngày (bữa sáng, trưa, tối); Góp phần khắc phục tình trạng học sinh phải ăn cơm trắng, tự nấu cơm hoặc bỏ học về nhà lấy lương thực. Chính vì vậy, tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm 52% so với khi chưa tổ chức NATT, cơ bản khắc phục tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng; Chất lượng giáo dục được nâng lên, tỷ lệ học sinh khá giỏi tăng 8,2%; học sinh yếu kém giảm 5,6%.

Việc NATT cũng đã giúp học sinh có thời gian tập trung vào học tập, học sinh biết giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh cộng đồng, có thói quen thực hiện nếp sống kỷ luật, biết quan tâm chăm sóc bạn bè, đoàn kết chia sẻ, giúp đỡ nhau trong học tập, và trong đời sống sinh hoạt. Công tác an ninh, trật tự, an toàn vệ sinh thực phẩm trong nhà trường được đảm bảo.

Các nhà trường thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động rèn luyện kỹ năng sống, các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao, tăng gia sản xuất, cải thiện bữa ăn. Đồng thời phối hợp với phòng y tế, trạm xá tổ chức khám định kỳ hàng năm cho học sinh… từng bước phát triển toàn diện về kiến thức, kỹ năng và thể chất học sinh.

Những kết quả trên đây đã thể hiện những nỗ lực của tỉnh Sơn La trong việc quan tâm đến đời sống học sinh bán trú; Kịp thời ban hành chủ trương đúng đắn, chính sách thiết thực có ý nghĩa quan trọng như một đòn bẩy, tạo cú hích để toàn xã hội và nhân dân, các doanh nghiệp, cá nhân có tấm lòng hảo tâm cùng chung tay, góp sức chăm lo đời sống bán trú cho học sinh; góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và tạo nguồn chất lượng đào tạo cán bộ tại chỗ phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Theo Giáo dục và Thời đại