Các bậc phụ huynh thường không cho trẻ tiêu tiền khi còn nhỏ. Tuy nhiên, nếu phụ huynh biết định hướng, con trẻ sẽ biết cách dùng tiền đúng và sớm quen với việc tự quản lý tài chính
Ảnh minh họa
Cho con xem cách mình dùng tiền
Khi mua sắm, để con xem mình mua gì, và nói cho con biết tại sao lại mua thứ này mà không phải thứ kia, cái nào cần mua hơn. Từ đó trẻ sẽ biết được nên mua gì trong khả năng tài chính có hạn và không phải cứ thích gì thì mua cái đó.
Cho con tiền tiêu vặt
Cho con tiền tiêu vặt
Nên cho một khoản nhỏ định kỳ chứ không nên cho mỗi lần trẻ hỏi xin. Việc này giúp trẻ quen với việc quản lý tài chính từ sớm. Chúng sẽ học cách tiết kiệm để mua một thứ gì đó chứ không phải khi cần thì đi xin bố mẹ.
Muốn kiếm tiền phải lao động
Nếu trẻ xin tiền, đừng cho không mà hãy đổi lại bằng việc làm việc nhà. Tuy nhiên đừng quá khuyến khích việc này vì chúng sẽ quá phụ thuộc và làm một cách đối phó.
Khuyến khích con học toán
Nghiên cứu ở Mỹ cho thấy những đứa trẻ không giỏi toán thường cảm thấy lo lắng về tiền bạc, còn những đứa trẻ giỏi toán thì thường tiết kiệm nhiều tiền hơn và đóng góp từ thiện nhiều hơn.
Nói cho con tiền từ đâu mà ra
Trẻ con không hiểu tiền từ đâu mà có. Các nhà tâm lý học ở Ý cho biết những đứa trẻ khoảng 4-5 tuổi thường nghĩ rằng ai cũng có tiền, hoặc là được ngân hàng cho hoặc người bán hàng cho. Phụ huynh nên giải thích cho con trẻ một cách dễ hiểu rằng tiền kiếm từ đâu để trẻ hiểu được không có gì là tự nhiên có cả.
Dùng tiền mua “niềm vui”
Theo khảo sát từ Đại học Columbia, dùng tiền để có những trải nghiệm thường mang lại nhiều niềm vui hơn dùng tiền để mua thứ gì đó. Bạn có thể gợi ý cho con, rằng thay vì mua một cái tivi mới thì để dành tiền cho một chuyến đi cùng gia đình sẽ thú vị hơn.
Cho con biết tiền không phải là tất cả
Phụ huynh nên nói chuyện với trẻ và cho chúng biết còn nhiều điều quan trọng hơn tiền bạc trong cuộc sống. Khuyến khích trẻ tận hưởng cuộc sống, làm những điều chúng thực sự yêu thích chứ đừng vì tiền mà làm những điều không muốn.
Theo Thanh niên