Đề thi Văn vào lớp 10 tại Hà Nội gây bất ngờ

Sáng ngày 8-6, hơn 75.000 thí sinh ở Hà Nội đã có mặt tại 154 điểm thi để bước vào môn thi Ngữ văn trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10. 120 phút với đề thi môn Ngữ văn của Hà Nội khiến nhiều thí sinh bất ngờ. 


Vẻ mặt rạng rỡ các thí sinh sau khi kết thúc môn Ngữ văn tại điểm trường thi Chu Văn An
(Ảnh minh họa)

Đưa ra một nhận định “Nhưng điều kì lạ là tất cả các ảnh hưởng quốc tế đó đã nhào nặn với các gốc văn hóa dân tộc không gì lay chuyển được ở Người để trở thành một nhân cách rất Việt Nam, một lối sống bình dị rất Việt Nam, rất Phương Đông, nhưng đồng thời cũng rất mới, rất hiện đại” để yêu cầu học sinh trình bày vẻ đẹp trong phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh được kết hợp hài hòa bởi các yếu tố nào? Một câu hỏi mở và có thể khuyến khích được năng lực vận dụng kiến thức tổng hợp, khả năng sáng tạo và cơ hội bày tỏ suy nghĩ, tình cam cá nhân của học sinh với vị lãnh tụ của dân tộc.

Cũng từ nhận định trên, đề thi yêu cầu học sinh viết “suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kì hội nhập và phát triển”.

Nhiều ý kiến của cha mẹ học sinh chờ đón con trước cổng các điểm thi cho rằng: “Câu hỏi trên quá nặng đối với học sinh lớp 9”. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi trẻ, một số giáo viên THCS lại cho rằng cách hỏi hay.

“Những dạng câu hỏi mở gắn với thời sự đất nước, bày tỏ suy nghĩ, tình cảm đối với một vấn đề nào đó của đất nước không phải quá xa lạ với cách điều chỉnh dạy học hiện nay trong nhà trường phổ thông”, một giáo viên trường THCS Đống Đa, Hà Nội cho biết.

Còn theo cô Đặng Nguyệt Anh, trường Hà Nội Amsterdam, cô giáo có tiếng về những “đề thi mở” thì “câu hỏi yêu cầu học sinh trình bày về trách nhiệm của thế hệ  trẻ” là câu hỏi có tính phân hóa cao. Học sinh được được 9, 10 hay chỉ được 7, 8 là lệ thuộc vào việc có làm tốt những câu như thế này hay không. Câu hỏi như vậy rất cần cho một kì thi có tính chất sàng lọc.

“Đó cũng là câu hỏi có ý nghĩa vào thời điểm này, nên tôi ủng hộ”, cô Nguyệt Anh chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Thu Trang, Hệ thống giáo dục Học Mãi (Hà Nội), nhận xét: “Đề thi năm nay gây bất ngờ đối với phần lớn học sinh. Bài thi “Bếp lửa” đã nhiều năm không thi, nằm trong chương trình tự học có hướng dẫn. Tuy nhiên đây là một đề thi hay, cập nhật vấn đề của xã hội đang quan tâm: việc giữ gìn truyền thống dân tộc của thế hệ trẻ. Với đề thi này, học sinh cần nắm chắc kiến thức và hiểu biết xã hội để đưa ra lập luận và dẫn chứng thuyết phục . Nhiều học sinh cho rằng đề thi “lệch tủ”, song các em có thể vận dụng kiến thức thực tế để làm bài”.

Với 53.000 chỉ tiêu vào các trường THPT công lập, sẽ chỉ có khoảng 70% số thí sinh dự thi được lựa chọn. Độ căng thẳng tập trung vào những thí sinh dự thi vào khoảng hơn 10 trường top trên nằm rải rác ở 12 khu vực tuyển sinh trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo mức điểm chuẩn trong khoảng ba năm trở lại đây, để chắc chắn được tuyển vào các trường có mức điểm chuẩn từ 52-55 điểm, thí sinh phải đạt điểm 8 trở lên đối với hai môn thi Ngữ văn và Toán, đồng thời điểm học tập, rèn luyện phải đảm bảo mức tối đa là 20 điểm, chưa kể điểm ưu tiên, điểm cộng học nghề.

Theo đại diện phòng khảo thí sở GD-ĐT Hà Nội thì nếu thí sinh học chắc kiến thức, kĩ năng cơ bản, trình bày sáng sủa, mạch lạc, dễ hiểu đã có thể đạt điểm 8.

Cụ thể, ở môn Ngữ văn là nắm vững nội dung các  tác giả, tác phẩm văn học, chủ yếu ở chương trình lớp 9, cách thức trình bày văn bản, kiến thức ngữ pháp….

Ở cả môn Ngữ văn và Toán, các câu hỏi mang tính phân hóa cao chỉ chiếm tỷ lệ điểm rất ít so với tổng điểm (khoảng 1-1,5 điểm). Vì thế thí sinh không cần phải lao vào các câu hỏi quá khó mà cần nhất là nắm chắc kiến thức, kĩ năng cơ bản, không để mất điểm ở những câu cơ bản này.

Chiều nay, thí sinh Hà Nội sẽ bước vào môn thi Toán với thời gian làm bài thi 120 phút.

Theo Tuổi trẻ