Gần đây có nhiều bài viết về nghề ngân hàng, có những thống kê, những so sánh và nhiều thông tin là nghề này đang kém hấp dẫn so với trước, trong đó bao gồm nhiều phát biểu của nhân viên ngân hàng , tuy nhiên năm bảy nhận xét cũng chỉ mang tính cá nhân, mới thể hiện một đôi chỗ, chưa thể nói lên tổng thể bức tranh về nghề…
Ở một góc độ khác, chúng ta dễ thấy rằng nghề ngân hàng vẫn còn rất hấp dẫn, đặc biệt là xu thế hướng đến sự chuyên nghiệp ngày càng cao. Chính vậy, hình ảnh và uy tín nghề nghiệp của banker “chính hiệu” cũng có khác xưa. Có ba yếu tố nên nói rõ:
Một là nên phân biệt giữa công việc (job) và nghề nghiệp (career): nhiều nhân viên ngân hàng cho biết các bạn chọn banker là một nghề để gắn bó, đeo đuổi và phát triển bản thân chứ không phải chỉ là một việc tạm thời.
Cũng giống như phần lớn các lãnh đạo trong Ban điều hành các ngân hàng hiện nay, hầu hết đã trải qua những thời điểm còn thử thách hơn nữa, đó là khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 hay khủng hoảng tài chính toàn cầu nằm 2008… Nghề nghiệp thăng trầm âu cũng là thường tình. Huống chi giai đoạn tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực và khả quan. Vì thế, với dân trong nghề – tinh thần chung hiện nay là khá lạc quan.
Hai là liệu công việc áp lực lắm không? Nếu hỏi nhân viên tại nhiều ngân hàng khác nhau, hẳn chúng ta sẽ có câu trả lời phần lớn là “bình thường, quen rồi!”. Thật thế, hầu hết nhân viên các vị trí đã quen từ nhiều năm trước. Chỉ có một ít nhân viên cảm thấy áp lực có thể là do ở đó ngân hàng mới bắt đầu giao chỉ tiêu cá nhân hoặc một số chi nhánh hiện nay kết quả bán được giám sát, đánh giá thường xuyên hơn – những điều các bạn chưa kịp làm quen!
Ai cũng biết, trong ngân hàng giờ có vị trí nào nhàn nhã? Mỗi vị trí có những áp lực riêng – cho dù đó là CEO, Giám đốc chi nhánh hoặc Giao dịch viên hay Chuyên viên hỗ trợ tín dụng. Nếu làm ngân hàng mà sợ áp lực thì chắc rằng trước đây chọn học khối A là một sai lầm? Chẳng phải vậy đâu, vì người đã tình nguyện tham gia thám hiểm Nam cực có ai sợ lạnh bao giờ. Chính cái môi trường áp lực đó đã giúp thế hệ banker trẻ trưởng thành nhanh hơn trong công việc và có thể đó cũng là lý do mà tuổi đời của lãnh đạo ngân hàng mới bổ nhiệm ngày càng trẻ hơn những năm gần đây.
Ba là một câu hỏi về thu nhập? Nhiều bài báo thường bàn đến việc lương cao, thấp nhưng lại không nói chi tiết nên cũng dễ gây ngộ nhận. Ở bất cứ ngân hàng nào, ngoài thu nhập (lương cố định, thưởng, lương kinh doanh…), yếu tố mà nhân viên cũng quan tâm nhiều là môi trường làm việc, văn hóa tổ chức, kinh nghiệm tích lũy, cơ hội thăng tiến, mức độ gắn bó, mối quan hệ, khách hàng …
Khởi nghiệp nào cũng cần thời gian. Nhìn vào con đường sự nghiệp của bất cứ cán bộ lãnh đạo tại các ngân hàng sẽ rõ – 5 năm đầu thường là thời gian học hỏi, tích lũy – tiếp sau đó mới là giai đoạn trưởng thành, ổn định. Hỏi bất cứ một người nông dân tự tin vào mùa vụ của mình, ai lại sốt ruột với năng suất ruộng lúa khi mới chỉ vừa gieo hạt, đúng không?
Cũng giống như một tuyên ngôn của Richard Branson, vị chủ tịch Virgin Group: “Screw it. Let’s do it” – “Ừ thì kệ. Làm tới đi!”. Một thế hệ banker trẻ hiện vẫn gắn bó, đam mê và hết lòng với công việc. Điều đáng mừng là họ ngày càng giỏi chuyên môn, vững nghiệp vụ và tâm thế tràn đầy tự tin.
Theo Th.S Trịnh Minh Thảo /Trí Thức Trẻ/CafeF